Du lịch, khách sạn “chết mòn” vì Covid-19

Ngành du lịch nói chung và lĩnh vực khách sạn lưu trú nói riêng lại lĩnh thêm “cú đấm” trời giáng khi dịch tái bùng phát từ trước Tết Tân Sửu.

Nhiều khách sạn cao cấp trên đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng) đóng cửa im ỉm hoặc hoạt động cầm chừng

Nhiều khách sạn cao cấp trên đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng) đóng cửa im ỉm hoặc hoạt động cầm chừng

Chưa thể gượng dậy sau một năm bi đát vì ảnh hưởng quá lớn của dịch Covid-19, ngành du lịch nói chung và lĩnh vực khách sạn lưu trú nói riêng lại lĩnh thêm “cú đấm” trời giáng khi dịch tái bùng phát từ trước Tết Tân Sửu.

Giá phòng giảm 80% vẫn không có khách

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, những ngày sau nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ 18/2), nhiều khách sạn lớn nhỏ rầm rộ giảm giá thuê phòng.

Nằm trên địa bàn quận 1, TP HCM, khách sạn Q.H được giới thiệu có vị trí đắc địa, gần Chợ Bến Thành, với tiện nghi sang trọng, giá phòng giảm tới 77%, chỉ còn 78.000 đồng/đêm, thay vì 350.000 đồng như trước.

Cũng nằm trên địa bàn quận 1, khách sạn Majestic Sài Gòn giảm giá 62%, từ khoảng 2,5 triệu đồng xuống còn khoảng 1 triệu đồng/đêm. Giá thuê giảm nhưng khách vẫn được đảm bảo các dịch vụ như bình thường.

Tình trạng cũng diễn ra tương tự tại Hà Nội, khách sạn Hanoi Hotel nằm trên địa bàn quận Ba Đình cũng giảm giá thuê phòng tới 81%, từ hơn 5 triệu đồng xuống dưới 1 triệu đồng/đêm.

Khảo sát trên một website chuyên booking phòng khách sạn du lịch cho thấy, gần như 100% trong tổng số khoảng 34.000 khách sạn, cơ sở lưu trú, đều giảm giá thuê từ 20-80%.

Bên cạnh đó, nhiều khách sạn gần như đóng cửa vì vắng khách. Nhân viên một khách sạn lớn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Khách sạn có trên 300 phòng lớn nhỏ. Hiện chỉ còn khoảng 10% khách thuê, chủ yếu là khách hàng lẻ”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho hay, thống kê sơ bộ trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2021, lượng khách du lịch sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lượng khách tới Hà Nội giảm 50%; Đà Nẵng giảm 65,6%, Bình Thuận giảm 80%, TP HCM giảm 70%... Do đó, mặc dù giá phòng khách sạn đã giảm sâu nhưng khách vẫn rất vắng.

“Công suất sử dụng buồng phòng trong thời gian trước, trong và sau Tết chỉ từ 10-20%. Trong khi đó để duy trì hoạt động, trung bình công suất phòng phải đạt 30-40%”, ông Thanh cho hay.

Theo ông Thanh, mặc dù thời gian qua các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, tín dụng, thuế... do Chính phủ ban hành cộng thêm chính sách riêng của từng địa phương đã được đưa ra, song tình thế vẫn đang rất khó khăn với chủ kinh doanh khách sạn.

“Trong khi chủ kinh doanh khách sạn, cơ sở lưu trú đã phải bỏ số vốn khá lớn để đầu tư mặt bằng, chi phí quản lý dịch vụ, khách lại không có, dẫn đến hàng loạt vấn đề”, ông Thanh chia sẻ.

Ồ ạt rao bán khách sạn

Theo ghi nhận, hàng loạt khách sạn tại thủ phủ du lịch Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) đang được chủ nhân ồ ạt rao bán nhằm “cắt lỗ” trước những ảnh hưởng do dịch bệnh, khách du lịch giảm sút nghiêm trọng.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tính đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 15%; Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 62,2%, trong đó doanh thu của Hà Nội giảm 45,6%; Cần Thơ giảm 50,1%; Đà Nẵng giảm 68,2%; TP Hồ Chí Minh giảm 69,9%; Quảng Nam giảm 91,3%; Khánh Hòa giảm 95%.

Trong vai người có nhu cầu mua khách sạn ven biển Đà Nẵng, PV được người môi giới tên Sơn mời chào một khách sạn 3 sao tại phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), hơn 30 phòng với giá 45 tỷ đồng, vị trí cách biển chỉ hơn trăm mét.

Người môi giới cho hay, vào cao điểm, khách sạn lúc nào cũng trong tình trạng hết phòng, giá mỗi phòng dao động từ 900 nghìn đến 1,5 triệu đồng tùy tầng, tùy view.

“Lúc cao điểm, nhân viên đông thì chi phí mỗi tháng vài trăm triệu đồng. Nhưng từ đợt dịch thứ 2 đến nay toàn phải đóng cửa vì không có khách, chi phí lặt vặt mỗi tháng cũng ngót nghét 20 triệu đồng. Nguồn thu không có, chủ khách sạn không kham nổi”, người này cho biết.

Theo ghi nhận, trên các website mua bán, mỗi ngày có cả chục lượt rao bán khách sạn, hầu hết là các khách sạn từ 3 sao trở xuống, với mức giá vài chục tỷ đồng, chủ yếu tại khu vực Ngũ Hành Sơn.

Dọc tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp vốn sầm uất nay cũng trở nên ảm đạm, dãy khách sạn 5 sao cao chót vót hoạt động cầm chừng. Những khách sạn có tiềm lực tài chính hùng hậu nhất cũng đã cho nhân viên làm giãn công từ lâu nhằm cân đối tài chính, chờ dịch qua đi.

Tương tự, trên tuyến đường du lịch sầm uất một thời tại Nha Trang (Khánh Hòa), nhiều khách sạn, nhà hàng cũng treo biển rao bán, tạm nghỉ... Anh Thuyên, quản lý một khách sạn trên đường Trần Quang Khải cho hay, trước khi dịch bùng phát lần 3, phòng khách sạn tại khu vực này đều quá tải. Còn hiện tại, khách sạn nào càng mở cửa càng gánh lỗ nặng vì không có khách.

Tại mặt tiền đường Phan Bội Châu, một khách sạn mới xây với diện tích đất gần 300m3, mặt tiền dài 14m, công suất 30 phòng đang phải “bán tháo” với giá 60 tỷ đồng. Liên lạc người giao dịch, anh này cho biết, chỉ nguyên tiền đất ở đây trước kia có giá 50 - 60 tỷ đồng, nay phải bán lỗ, không tính tiền xây dựng để có thể cắt lỗ được sớm nhất.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, việc các khách sạn rao bán ồ ạt thời điểm này là xu hướng tất yếu của quy luật cung cầu. “Đôi khi việc chuyển nhượng này sẽ tốt cho điểm đến khi nhà đầu tư mới có năng lực tài chính tốt hơn, có nguồn khách hoặc sản phẩm đặc thù hơn. Nên có thể thấy đây là câu chuyện bình thường”, ông Dũng tỏ ra không bất ngờ trước hiện tượng này.

Du lịch buộc phải chuyển hướng để thích nghi

Trao đổi với PV, đại diện Savills Việt Nam cho biết, sau 1 năm ngành du lịch khách sạn thất thu, tháng đầu tiên của năm mới (tháng 1/2021), ngành du lịch đã khởi đầu với những tín hiệu tích cực, nhiều khách sạn ghi nhận sự hồi phục. Trong đó, các khu nghỉ dưỡng nhận được nhiều yêu cầu đặt phòng từ nhóm khách đoàn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát ngay trước Tết Nguyên đán đã lại một lần nữa tác động trực tiếp đến ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng.

Nói về giải pháp bền vững, có thể “sống chung với dịch”, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, yếu tố kích cầu bằng cách giảm giá không còn là yếu tố tiên quyết vì giá đã giảm sâu, không còn dư địa để giảm. Do đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu của khách hàng.

“Khi “miếng bánh” chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị”, ông Hoan nói và cho rằng, yếu tố quan trọng là những điểm đến cũ có được làm mới hay không, có bổ sung được giá trị gia tăng nào hay không.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, dù đã trải qua 1 năm “sống chung” với dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp du lịch nói chung và lĩnh vực khách sạn lưu trú nói riêng vẫn chưa thể chủ động ứng phó, bởi mỗi lần tái bùng phát, dịch lại có những đặc điểm khác nhau.

“Ở đợt bùng phát lần này, Covid-19 đã biến chủng, dễ lây lan. Người dân đề phòng, cảnh giác cao hơn, hạn chế đi lại, tụ tập đông người. Bên cạnh đó, du lịch không được coi là nhu cầu thiết yếu, người ta có thể huỷ tour bất cứ lúc nào để đảm bảo an toàn. Điều đó khiến cho ngành du lịch, khách sạn khó khăn lại chồng chất khó khăn”, ông Thản phân tích.

Về giải pháp, ông Thản cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành buộc phải chuyển hướng kinh doanh. “Chẳng hạn như công ty của chúng tôi đang nghiên cứu, nếu dịch kéo dài thì sẽ chuyển hướng từ du lịch thuần tuý sang du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, cung cấp các dịch vụ mới như tắm thảo dược, ăn thảo dược, uống thảo dược... Người dân có thể hủy du lịch thuần tuý nhưng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ vẫn được coi trọng”, ông Thản cho hay.

Khách du lịch đến miền Tây giảm mạnh

Theo thống kê của một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình khách du lịch thời gian qua giảm mạnh. Đặc biệt là trong dịp Tết vừa qua, lượng khách đến các điểm du lịch trên địa bàn giảm hơn 50%.

Ghi nhận tại Cà Mau, tình hình khách du lịch đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn như: Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, khu du lịch sinh thái Thư Duy; khu du lịch Khai Long...) không khí rất trầm lắng. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Cà Mau cho biết, dịp Tết vừa qua, lượng khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích, lưu trú giảm hơn 56%, doanh thu cũng giảm hơn 71%...

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu.

Một chủ một cơ sở lưu trú ở TP Bạc Liêu chia sẻ, năm nay có thể nói là năm “đại hạn” đối với các cơ sở lưu trú ở đây khi các doanh nghiệp lữ hành ở phía Bắc rất hạn chế đưa khách vào, trong khi người dân ở các tỉnh lân cận cũng hạn chế đi du lịch.

Hàng không Việt Nam chạy đua giành quyền vận chuyển vaccine Covid-19

Cùng với những chính sách kích cầu đi lại của người dân, các hãng hàng không Việt Nam cũng đang bước vào cuộc chạy đua...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN