Dồn tiền xây nhà to, chủ thầu xây dựng cũng "còng lưng" trả nợ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau khi chuyển nhượng xong căn nhà đang xây dựng dở dang, anh Thành đến từ Vĩnh Phúc thừa nhận đã có quyết định sai lầm khi dồn tiền xây nhà cách đây gần 4 năm.

Là một chủ thầu xây dựng nhỏ, anh Nguyễn Văn Thành (40 tuổi) ở Vĩnh Phúc chia sẻ sau nhiều năm đi làm và tích góp năm 2015 gia đình anh mua được mảnh đất rộng 80 mét vuông tại Hà Đông – Hà Nội với mức giá khi đó là 15 triệu đồng/m2. Để mua được mảnh đất này, anh chị cũng đã vay mượn cả người thân và ngân hàng với 40% giá trị mảnh đất.

Đến cuối năm 2018, sau khi trả nợ được một phần ngân hàng và người thân, anh quyết định đưa đội thợ của mình về xây ngôi nhà trên mảnh đất đã mua trước đây. Khi quyết định xây nhà, nhiều người khuyên anh chỉ nên xây ngôi nhà vừa phải cho gia đình 5 người của mình để tiết kiệm chi phí. Phần đất còn lại trước nhà có thể xây ki ốt phục vụ kinh doanh dịch vụ vì mảnh đất nhà anh nằm trên trục đường lớn trong khu vực.

Nhưng vì thích nhà to rộng ở cho thoải mái, sau này 3 người con của gia đình còn ở nên anh quyết định xây căn nhà ống 4,5 tầng, hết luôn 80 mét vuông đất đã mua, tổng diện tích sàn xây dựng lên tới gần 350 mét vuông. Do khổ nhà rộng và dài, nên chi phí nguyên vật liệu đội lên khá nhiều so với những những ngôi nhà ống chỉ có diện tích từ 35 đến 50 mét vuông được nhiều người xây dựng xung quanh.

Do đó, chỉ tính riêng tiền xây dựng xong phần thô ngôi nhà này, anh Thành cho biết chi phí đã lên tới hơn 800 triệu đồng, do một phần công thợ có thể nợ lại nên số tiền chi ra thực tế của gia đình anh cũng lên tới gần 600 triệu đồng.

Anh Thành cho biết quyết định xây nhà to khi kinh tế chưa cho phép khiến gia đình anh trải qua nhiều năm áp lực nợ nần

Anh Thành cho biết quyết định xây nhà to khi kinh tế chưa cho phép khiến gia đình anh trải qua nhiều năm áp lực nợ nần

Trong quãng thời gian xây nhà của mình, anh cũng túc tắc nhận thêm những công trình khác để có việc làm cho đội thợ, số lãi thu được tiếp tục được anh đầu tư vào ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, những công trình xây dựng anh nhận được ít hẳn. Ngôi nhà 4,5 tầng của anh cũng mới chỉ xong phần thô và dừng lại quá trình hoàn thiện suốt từ cuối năm 2019 đến nay.

Anh Thành chia sẻ mang tiếng là xây một trong những ngôi nhà to nhất trong khu vực, nhưng suốt quãng thời gian từ nửa cuối năm 2018 (từ khi bắt đầu làm nhà) đến nay gia đình anh vẫn đang đi ở trọ. Căn nhà gần 350 mét vuông sàn vẫn chưa hoàn thiện xong do thiếu kinh phí, trong khi gia đình vẫn phải trả nợ gốc và lãi ngân hàng, người quen mỗi tháng hơn 10 triệu đồng cho số tiền vay mua đất và làm nhà.

Chủ thầu xây dựng này thừa nhận để có thể hoàn thiện ngôi nhà dở dang cần kinh phí khoảng 500 triệu đồng nữa bao gồm tiền cửa, gạch lát nền, đá cầu thang, tay vịn cầu thang, nội thất bếp, phòng khách, vệ sinh,… tuy nhiên suốt 2 năm qua công việc của anh và đội thợ không được ổn định. Trong khi chi phí sinh hoạt của gia đình 5 người hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ công việc của anh.

Trước gánh nặng phải trả nợ ngân hàng và chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình lên tới hơn 20 triệu đồng đã khiến chủ thầu xây dựng nhỏ này dần đuối sức. Nửa cuối năm 2020, anh đã tính tới phương án bán nhà để trả nợ nhưng thời điểm đó giá đất trong khu vực còn khá rẻ, nếu bán đi gia đình anh có thể lỗ vài trăm triệu đồng đã bỏ vào xây nhà. Tiếc của, tiếc công sức bỏ ra cho ngôi nhà anh quyết định giữ lại và nỗ lực tìm việc làm cho đội thợ để duy trì khả năng trả nợ.

Đầu tháng 11/2021, khi giá đất trong khu vực Hà Đông tăng mạnh do hệ thống hạ tầng khu vực được hoàn thiện, anh quyết định rao bán ngôi nhà đang xây dựng dở dang của mình để trả bớt số nợ đã vay.

Sau hơn 2 tuần rao bán, anh đã bán được mảnh đất và ngôi nhà xây dở của mình với giá 3,8 tỷ đồng. Số tiền thu được anh quyết định dành trả hết nợ ngân hàng và người thân, cũng như thanh toán nốt tiền công cho đội thợ của mình. Còn gần 2 tỷ đồng anh cũng đang tìm mua một mảnh đất hoặc ngôi nhà nhỏ hơn trong khu vực để ổn định chỗ ở và dành một phần vốn phục vụ cho công việc xây dựng của mình.

Anh Thành cho biết việc xây nhà mà không tính kỹ về tài chính đã khiến cuộc sống của gia đình anh trải qua nhiều năm liên tiếp bị đảo lộn bởi áp lực trả nợ. 

Theo nhiều chuyên gia về BĐS và tài chính cá nhân, hiện nay các trường hợp người mua đất, xây nhà phải làm cả đời để trả nợ không phải là hiếm. Chính việc tiếp cận dễ dàng tới các khoản vay mua nhà, cho nên, nhiều người đã vay cố tiền mua nhà với tỷ lệ lớn, thậm chí có người “tay không bắt giặc”, vay 100% giá trị căn nhà. Điều này dẫn đến việc, có người phải cày cuốc cả đời chỉ để chi trả nợ. Trong khi đó, nhiều trường hợp đã vỡ nợ, bán thanh lý nhà cửa vì không thể gánh nổi tiền lãi hàng tháng.

Nguồn: [Link nguồn]

Dân đổ xô tìm mua đất, môi giới không có thời gian nghỉ ngơi

Trước nhu cầu tìm mua đất của người dân ngày càng tăng, nhiều môi giới cho biết không có thời gian nghỉ ngơi dành cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN