Đội vốn 20 nghìn tỷ, 12 dự án khủng ngành Công thương vẫn làm ăn bết bát
12 đại dự án ngành Công thương đội vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng (tăng 46%) vẫn làm ăn bết bát; Chính phủ yêu cầu xử lý trong năm 2020.
Dự án Nhà máy sản xuất sơ sợi polyester Đình Vũ (Đội vốn 20 nghìn tỷ, 12 dự án khủng ngành Công thương vẫn làm ăn bết bát).
Đội vốn gần gấp đôi
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về Kết quả thực hiện các nghị quyết về quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước, 12 dự án của ngành Công thương đã phải phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư tăng gần 46% so với dự toán ban đầu, từ 43.673,63 tỷ đồng lên 63.610 tỷ đồng.
Trong đó: vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay 47.451 tỷ đồng (chiếm 74,6%), còn lại 2,84% từ các nguồn khác. Các dự án này vay ngân hàng trong nước 41.801 tỷ đồng, vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ 6.617 tỷ đồng.
Đến nay, thiệt hại của 12 dự án thuộc ngành Công thương chưa được xác định đầy đủ, do có 5/12 dự án còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC. Do đó, chưa hoàn thành quyết toán và xác định chính xác giá trị các dự án nêu trên.
Theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương như sau: Vốn chủ sở hữu âm 7.264 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt 59.152 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả 63.308 tỷ đồng; Lỗ lũy kế tổng cộng 26.360 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các ngân hàng đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, tích cực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý 12 dự án, phấn đấu hoàn thành xử lý trong năm 2020.
"Nếu phải chậm hơn, không kéo dài quá nửa đầu năm 2021 trên nguyên tắc đề cao tự chủ của doanh nghiệp, xử lý theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, quan tâm toàn diện, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền của người lao động", Báo cáo nêu rõ.
Cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong số 12 dự án, từ năm 2018-2019 có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi nhưng vẫn còn lỗ lũy kế (DAP-1 Hải Phòng, Thép Việt Trung), tuy nhiên đến hết quý 1/2020, 2 dự án, doanh nghiệp này kinh doanh lỗ.
4 dự án giảm lỗ (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS).
1 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại (Xơ sợi Polyester Đình Vũ PVTex); 2 dự án đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn (Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước).
Trong số các dự án này, đã hòa giải xử lý được tranh chấp Hợp đồng EPC đối với dự án PVTex; rà soát pháp lý, đàm phán thành công việc sửa đổi bổ sung các căn cứ pháp lý (hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh) bảo đảm quyền lợi hợp pháp đối với nhà máy Thép Việt Trung.
Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án đã được thực hiện khẩn trương. Đến nay, các dự án đều đã được tiến hành thanh tra các cấp (12/12 dự án), kiểm toán (7/12 dự án), điều tra và khởi tố (4/12 dự án), để làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản cố định đối với các doanh nghiệp thuộc Vinachem.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về việc kéo dài khung trích khấu hao các dự án, doanh nghiệp thuộc Vinachem tại công văn số 1393/BTC-TCDN ngày 13/2/2020 (sau khi doanh nghiệp đã kéo dài thời gian trích khấu hao theo hiện hành).
Đối với các đơn vị thành viên của PVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN yêu cầu đơn vị thành viên khẩn trương thực hiện quyết toán tổng mức đầu tư, cập nhật đánh giá lại hiệu quả dự án sau khi điều chỉnh lại thời gian khấu hao và chủ động làm việc với bên cho vay để đạt được thỏa thuận các bên cho vay đồng ý tái cấu trúc khoản vay (gia hạn, khoanh nợ…) làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét kiến nghị của PVN về giãn, khoanh khấu hao tài sản cố định.
Báo cáo cho biết, hiện còn khoản nợ quá hạn 4.349 tỷ đồng của 7 dự án tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Đến ngày 31/12/2019, có 6 dự án còn dư nợ tại VDB bao gồm: Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; 2 dự án/khoản vay của Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
VDB đã giải ngân 14.665 tỷ đồng và 2.598.778 USD; thu nợ gốc 4.892 tỷ đồng và 1.504.696 USD; dư nợ gốc còn 9.773 tỷ đồng (trong đó, nợ quá hạn: 4.349 tỷ đồng) và 1.094.082 USD; dư nợ lãi 4.457 tỷ đồng (lãi đến hạn trả chưa trả: 4.349 tỷ đồng).
Trước thông tin trên, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cách xử lý của các cơ quan chức năng còn quá chậm, bộc lộ nhiều bất cập. Bởi vậy, đã đến lúc phải vào cuộc quyết liệt để giải tỏa những băn khoăn của dư luận xã hội về 12 dự án này.
Cũng theo ông Hòa, cần phải xử lý dứt điểm hiện tượng chây lì, ì ạch trong xử lý các dự án, không chấp nhận tình trạng nể nang trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng ngừa hành vi sai phạm. Nếu tổ chức, cá nhân mắc sai phạm cần phải xử lý cương quyết, không có vùng cấm. Phát hiện đến đâu, xử lý đến đâu cũng cần rõ ràng minh bạch, tạo hình ảnh Chính phủ trong sạch vững mạnh, liêm khiết và có tính cương quyết rất cao .
Nói về vai trò trách nhiệm của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN sau khi tiếp nhận 12 dự án của ngành Công thương nhưng xử lý khá chậm chạp, ông Hòa cho rằng: “Nếu làm chậm trễ cũng cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị trong thực thi trọng trách, chức trách của mình”.
Tình hình tài chính của Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank)...
Nguồn: [Link nguồn]