Lãi suất tăng chóng mặt: Vừa gửi 500 triệu xong đã chênh ngay một khoản lãi

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cuộc đua lãi suất huy động trên thị trường đang ngày càng nóng khi lãi suất thay đổi theo ngày. Tuy nhiên, quá nhiều lựa chọn với tốc độ thay đổi chóng mặt khiến nhiều người cảm thấy lúng túng.

Cả tháng qua, bà Thuỷ, một cán bộ về hưu ở Thanh Xuân, Hà Nội quay mình trong những con số, mong tìm được nơi gửi có lợi nhất cho khoản tiết kiệm 500 triệu đồng của mình. Cuốn sổ nhỏ của bà ghi kín lãi suất các kỳ hạn của gần 2 chục ngân hàng lớn nhỏ. Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất, tung ra các chương trình ưu đãi đặc biệt cho phụ nữ, người cao tuổi. Có lần, tiền vừa gửi vào hôm trước, hôm sau bà lại quyết định rút ra đi gửi chỗ khác, mức lãi chênh lên tới hơn 1%/năm. 

“Nhiều người bảo làm như thế mất công nhưng tính ra lãi suất tăng, tôi cũng được thêm gần 500 ngàn/tháng. Như vậy là cũng đủ bù đắp tiền điện hay phí dịch vụ chung cư mỗi tháng rồi", bà Thủy chia sẻ.

Cuộc "rượt đuổi" lãi suất tiền gửi trên thị trường đang ngày càng gay cấn, thậm chí có ngân hàng trong một tuần thay đổi lãi suất tới hai lần. Mức lãi trên 8%/năm xuất hiện khá nhiều. Đặc biệt nếu áp dụng thêm các chương trình ưu đãi, có ngân hàng lãi suất đã tăng trên 9%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng.

Giao dịch viên tại một  ngân hàng thương mại cho biết: “Thời gian qua lãi suất tăng liên tiếp nên lượng người tới gửi tiết kiệm ở ngân hàng cũng tăng theo. Cũng có nhiều trường hợp vừa gửi tiền vào lại muốn rút ra gửi lại với lãi suất cao hơn. Trường hợp vài ngày hay vài tuần thì cũng dễ quyết định nhưng với những trường hợp trên 1 tháng, chúng tôi sẽ cho chạy thử các phương án trên máy, làm thế nào để khách được lợi nhiều nhất.”

Thời gian qua, có ngân hàng tăng lãi suất 2 lần chỉ trong một tuần

Thời gian qua, có ngân hàng tăng lãi suất 2 lần chỉ trong một tuần

Trong bối cảnh kinh doanh có những rủi ro bất ổn, thị trường bất động sản và chứng khoán diễn biến không mấy tích cực, nếu có tiền nhàn rỗi, nhiều người dân chọn phương án gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên quá nhiều lựa chọn cũng khiến họ bối rối.

Chị Hoàng Anh, ở Bắc Từ Liêm cho biết: “Các ngân hàng thường có chế độ lãi suất khác nhau theo kỳ hạn và số tiền. Tôi thì đang định chia ra để gửi. Một phần ở ngân hàng có lãi suất cao nhưng gửi kỳ hạn ngắn để linh hoạt, nếu lãi suất tăng nữa hoặc có việc cần thì xử lý được. Một phần tôi gửi kỳ hạn dài hơn ở ngân hàng thương mại nhà nước.”

Theo một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 4/2022 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, trên 60% tổ chức tín dụng kỳ vọng xu hướng tăng lãi suất sẽ tiếp tục trong quý cuối năm.

Bên cạnh tiền gửi tiết kiệm định kỳ, nhiều ngân hàng đã bắt đầu phát hành và quảng bá về sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên do cạnh tranh huy động vốn gay gắt nên cũng xuất hiện một số biến tướng. Theo quy định chứng chỉ tiền gửi không cho phép rút trước hạn mà chỉ có thể cầm cố, chuyển nhượng... Theo tìm hiểu, có ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài 60 - 80 tháng với lãi suất trên 10%/năm nhưng áp dụng cơ chế lãi bậc thang. Ví dụ rút sau 15 tháng 1 ngày vẫn được nhận lãi 9,3%/năm, để thời hạn càng dài thì lãi thực nhận lại càng cao.

Ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lãi suất tiết kiệm, mức 8%/năm trở nên phổ biến

Vừa tăng lãi suất thêm từ 0,7-1%/năm ngày 24/9 vừa qua, loạt ngân hàng này tiếp tục tăng mạnh lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN