Dính dịch Covid-19, 9X phiên dịch giảm 2/3 thu nhập, xa vời giấc mơ mua đất, mua nhà

Từng nhận được mức thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng và đặt mục tiêu có thể mua cho mình một căn chung cư nhỏ sau vài năm đi làm, nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến chị Nguyễn Lệ Thủy không thể thực hiện được kế hoạch của mình. 9X người Nam Định cho biết để tìm được công việc mới, thậm chí chị đã phải đồng ý giảm tới 2/3 thu nhập so với trước.

Sau 4 năm ra trường, đầu năm 2019, chị Lệ Thủy được nhận vào làm phiên dịch tiếng Anh và tiếng Trung trên công trường làm việc tại Quảng Ngãi cho một công ty nước ngoài. Dù có nhiều người khuyên nên tìm một nơi gần nhà hơn để ổn định công việc của mình, nhưng cô gái sinh năm 1993 nhất quyết vào miền Trung làm việc.

Với quyết định đi làm phiên dịch tại công trường, chị nhận được mức thu nhập lên tới 1.300 USD, số tiền này gần như tiết kiệm được toàn bộ bởi trong suốt thời gian làm việc chị sẽ được công ty lo chỗ ăn và chỗ ở, xe đưa đón,... Chị tính toán rằng cố gắng đi làm xa 2-3 năm để tiết kiệm lấy một khoản, sau này vay thêm người thân và ngân hàng là có thể mua cho mình một mảnh đất hoặc căn hộ chung cư khi trở lại làm việc tại thủ đô.

Trở thành lái xe công nghệ hay shipper là công việc được nhiều người lựa chọn sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Trở thành lái xe công nghệ hay shipper là công việc được nhiều người lựa chọn sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 kể từ đầu năm đến nay đã khiến giấc mơ của cô gái sinh năm 1993 đổ vỡ. Chị cho biết suốt 3 tháng đầu năm 2020 các lãnh đạo và chuyên gia nước ngoài của công ty chị không thể nhập cảnh vào Việt Nam và chị cũng nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Dù được công ty cũ hứa hỗ trợ một phần thu nhập trong những tháng nghỉ làm nhưng chị thừa nhận chưa biết đến khi nào có thể nhận được khoản tiền này. 

9X Nam Định cũng thừa nhận ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến chị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm một công việc mới với mức thu nhập tương đương ở công ty cũ. Nhiều công ty, doanh nghiệp thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự để cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn. Sau một thời gian nộp hồ sơ và trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, đầu tháng 5 chị mới xin vào làm phiên dịch cho một công ty nước ngoài chuyên về lĩnh vực thiết kế và xây dựng tại TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, thay vì nhận được mức thu nhập hơn 30 triệu đồng như cách đây vài tháng, ở vị trí mới mức lương của chị giảm chỉ còn 15 triệu đồng, trong khi phải chịu tất cả các chi phí khác như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm, tiền ăn, xăng xe, thuê nhà,... Cô gái sinh năm 1993 cho biết sau khi trừ đi các khoản chi phí thì mức thu nhập hiện tại giảm tới 2/3 so với khi đi làm công trình tại Quảng Ngãi. Giấc mơ tiết kiệm tiền để mua đất hoặc chung cư lại trở nên xa vời hơn với cô.

Số lao động tăng lên cũng khiến thu nhập của những lái xe công nghệ, shipper bị giảm đáng kể so với trước đây

Số lao động tăng lên cũng khiến thu nhập của những lái xe công nghệ, shipper bị giảm đáng kể so với trước đây

Trong khi đó, chị Thu Minh một nhân viên văn phòng ở Bắc Từ Liêm – Hà Nội cũng chia sẻ bản thân đang quay cuồng với việc lo cho cuộc sống của cả gia đình 4 người đang phải thuê trọ. Bà mẹ sinh năm 1989 cho biết trước dịch Covid-19, gia đình chị có thu nhập ổn định do cả hai vợ chồng đều đi làm. Tuy nhiên, khi cơn bão Covid-19 quét qua, công ty chồng chị phải đóng cửa nhiều chi nhánh và cửa hàng, chồng chị lại thuộc diện cắt giảm nhân sự. Trong thời gian chờ xin việc mới chồng chị có đăng ký chạy xe ôm công nghệ nhưng thu nhập cũng không đáng là bao bởi thời gian qua số nhân sự gia nhập lĩnh vực này không ngừng tăng lên khi có rất nhiều lao động bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Theo công bố tình hình lao động, việc làm 9 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê mới đây, tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Trong đó, lao động bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ) là 68,9%; lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%. Số người thiếu việc làm tăng 560,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng thiếu việc làm không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mà còn tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,48%, tăng 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,78 điểm phần trăm. Thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.

Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, có tới một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp vận tải hàng không, du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động so với cùng kỳ năm trước là 36,4%.

Trong số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp được khảo sát tính đến thời điểm 10/9/2020, có 7,8% lao động bị giảm lương, 5,0% lao động giãn việc/nghỉ luân phiên và 2,4% lao động tạm nghỉ việc.

Kết quả Điều tra lao động việc làm quý III năm 2020 cho thấy người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Đây là những đối tượng quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới; do vậy, các chính sách cần tiếp tục tập trung vào các đối tượng này nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà hàng, khách sạn phố cổ Hà Nội đồng loạt “cầu cứu” cộng đồng mạng

“Kiệt sức” cả về tài chính lẫn kế hoạch phát triển kinh doanh do không có nguồn thu, nhiều nhà hàng, khách sạn lớn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN