Một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyên nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cung cấp cho TP Vũ Hán buộc phải hủy đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh virus Corona. Điều đó có nghĩa hàng trăm container nông sản bị ùn ứ, hàng nghìn đơn hàng bị “treo” thậm chí bị hủy.
Các nhà vườn thanh long tại tỉnh Tiền Giang, Long An đang "khóc ròng" vì thanh long rớt giá thê thảm.
Theo chia sẻ từ các nhà vườn, thu hoạch thanh long những ngày sau Tết Nguyên đán đúng vào thời điểm các cửa khẩu với Trung Quốc tạm đóng cửa, khiến giá thanh long giảm chỉ còn khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Đỉnh điểm có lúc giá thanh long ruột đỏ giảm thê thảm, đang từ 30.000 - 35.000 đồng/kg giảm mạnh xuống còn 5.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều kho đóng cửa, thương lái ngừng thu mua.
Tại một số nhà vườn nếu thương lái đã đặt cọc từ trước, nay họ thu mua cho nông dân với giá 5.000 đồng/kg để hỗ trợ một phần tiền phân thuốc, tiền điện xông thanh long. Nếu người dân không đồng ý, thương lái chấp nhận mất tiền cọc và từ chối thu mua. Còn đối với các vườn thanh long đang chín nhưng chưa đặt cọc, tuyệt nhiên không có thương lái nào chào mua.
Tập đoàn Hồng Thái Dương từng nhập 40% lượng thanh long của tỉnh Long An, nay đã hủy một số đơn hàng khoảng 300 container, tương đương khoảng 6.000 tấn, đã đặt trước đó.
Trong khi đó, theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, riêng đợt thu hoạch thanh long ruột đỏ chính vụ tại Long An và Tiền Giang từ nay tới đầu tháng 3 sẽ thu hoạch hơn 80.000 tấn.
Ngoài ra, tại Bình Thuận, gần 100.000 tấn thanh long cũng trong thời kỳ thu hoạch.
Tại các cửa khẩu, do ách tắc nên đã có hàng trăm container thanh long và các loại trái cây khác, trên đường vận chuyển sang Trung Quốc đã phải quay đầu trở về. Một số xe kêu gọi 'giải cứu' và chấp nhận bán tháo tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Giá dưa hấu nội địa hiện cũng chỉ còn ở mức 1.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân không muốn thu hoạch.
Ông Nguyễn Tấn Thành, nông dân trồng dưa hấu ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết: “Tôi thuê 1,5 ha đất ở tỉnh Gia Lai để trồng dưa hấu với giá 18 triệu đồng/năm. Toàn bộ số dưa này là thành quả trồng, chăm sóc suốt 3 tháng qua (từ tháng 10/2019 đến tháng 12/2019). Vụ mùa lần này, sản lượng dưa đạt cao hơn nhiều so với các vụ khác, trái to và đẹp. Thế nhưng do ảnh hưởng bởi dịch cúm Corona nên việc xuất khẩu ngưng trệ, thương lái ép giá”.
Theo ông Thành, mọi năm thương lái vào tận vườn thu mua với giá 8.000 đồng/kg, chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc. Nhưng năm nay, thương lái trả 1.000 đồng/kg. Với 75 tấn dưa thu hoạch được, nếu bán giá này ông sẽ thua lỗ nặng nề. Do đó, ông phải thuê xe, mặt bằng, người thu hoạch dưa,… tự bán để mong vớt vát lại chút ít.
Tuy nhiên, dù áp dụng nhiều cách nhưng ông Thành vẫn đang tồn 35 tấn dưa, chưa biết phải giải quyết bằng cách nào. “Tình hình dịch bệnh cúm Corona cứ kéo dài, xuất khẩu ách tắc, bán lẻ chậm thì tôi buộc phải bán cho thương lái với giá 1.000 đồng/kg, chấp nhận thua lỗ”, ông Thành nói trong nước mắt.
Ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định), cho biết có hơn 100 hộ dân thuê đất để trồng dưa hấu ở tỉnh Gia Lai để xuất khẩu qua Trung Quốc. Đến thời điểm này, dưa hấu đến độ thu hoạch nhưng tắc đầu ra. Để giải quyết bớt lượng dưa đang tồn ứ, nông dân phải thuê xe chở đến nhiều điểm trong tỉnh Bình Định và Gia Lai để bán lẻ nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho hay, không chỉ thanh long, dưa hấu, mà ngay xoài, mít hay sầu riêng là những loại trái cây chưa được Trung Quốc cấp phép cho nhập khẩu chính ngạch cũng bị ảnh hưởng lớn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, cũng xác nhận việc tạm dừng xuất nhập khẩu qua đường biên giữa Trung Quốc với Việt Nam đã khiến giá nông sản 'rớt' thảm hại.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 35%. Năm 2020, nông - lâm - thủy sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm. Để giảm thiểu thiệt hại tối đa cho nông dân, doanh nghiệp, hạn chế tình trạng ép giá nông sản tại một số địa phương những ngày qua, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị bộ cho phép thông quan hàng hóa đang ách tắc tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến hết ngày 4/2.
Ông Nguyễn Công Trưởng - phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết việc thông quan hàng hóa sẽ chặn đứng việc tiểu thương ép giá khi thu mua nông sản của nông dân những ngày qua.
Ngày 30/01, Cục Hàng Không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không tạm ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch viêm phổi Vũ Hán đến Việt Nam. Bộ Giao Thông Vận Tải cũng đã ban hành chỉ thị tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch virus Corona của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam. Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vừa cho biết sẽ tạm ngừng khai thác nhiều đường bay giữa Việt Nam và các điểm của Trung Quốc kể từ 04/02. Riêng hãng Vietjet có thông báo tạm dừng bay đến Trung Quốc từ ngày 01/02.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour chia sẻ với báo chí: "Từ khi Chính phủ ban hành chỉ đạo về phòng chống dịch cúm thì chúng tôi đã hủy tất cả các đoàn tour liên quan tới Trung Quốc. Kế hoạch hiện tại chúng tôi sẽ tạm ngưng các tuyến này trong quý 1.2020 và cập nhật tình hình để có hướng xử lý trong thời gian sắp tới".
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: “Trở ngại đầu tiên chắc chắc là ngành du lịch, bởi vì hiện nay lượng du khách Trung Quốc sang Việt Nam hàng năm chiếm đến 30-40% tổng số khách du lịch từ nước ngoài. Khách du lịch Trung Quốc đã là một nguồn rất lớn cho việc phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian qua. Có nhiều tour du lịch đã được đặt sẵn từ trước, bây giờ không nhận nữa và hợp đồng phải thay đổi, thì sẽ gây tổn hại cho các công ty du lịch Việt Nam, những cơ sở đã nhận hợp đồng tiếp nhận khách Trung Quốc".
Cũng theo bà Lan, khi ngành du lịch bị tác hại như vậy, các giao thương khác chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian nhất định, cho đến khi nào phía Trung Quốc ngăn chặn được hoàn toàn dịch bệnh này.
“Hiện Việt Nam đang có quan hệ kinh tế rất nhiều mặt với Trung Quốc, đặc biệt là về thương mại, về xuất nhập khẩu từ Trung Quốc” – bà Phạm Chi Lan nói thêm.
Nói về vấn đề này, tờ Asia Times cũng nhận định, việc vắng bóng du khách Trung Quốc có thể gây tác động không nhỏ đối với ngành du lịch Việt Nam. Năm 2019, thu nhập từ du lịch chiếm khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Số lượng khách du lịch Trung Quốc năm 2019 tăng 16,9% và chiếm gần 1/3 tổng số du khách đến Việt Nam.
Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect (VnDirect) đánh giá, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là Trung Quốc. Theo đó, sự thu hẹp hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể dẫn đến rủi ro nhu cầu xuất nhập khẩu chậm lại trên toàn châu Á và cả thế giới.
Tương tự, đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng cũng giống như Trung Quốc, khu vực dịch vụ của Việt Nam được đánh giá sẽ bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh Corona, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí.
Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam nên việc dừng cấp visa cho khách Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến ngành du lịch chịu thiệt hại.
Ngoài ra, thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch trong nước nên dịch bệnh cũng sẽ khiến hoạt động này suy giảm đáng kể. Đáng chú ý đây là những hoạt động du lịch mang tính thời điểm, mùa vụ nên rất khó bù đắp trở lại trong các tháng tới, kể cả khi đã hết dịch bệnh.
Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng 41,6%. Mặc dù tỉ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam. Trong đó, những ngành có mức tăng trưởng cao hơn hẳn bao gồm: Bán buôn và bán lẻ (tăng 8,82%); vận tải, kho bãi (tăng 9,12%)...
"Trong kịch bản này, chúng tôi dự báo GDP trong quý I-2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5%, thấp hơn 0,2%-0,4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục trở lại bắt đầu từ quý II-2020. Mặc dù vậy, với tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý II-2020" - Bản Việt đánh giá.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa có báo cáo đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của dịch virus Corona đối với kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, Bộ KHĐT dự báo sơ bộ 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm so với mục tiêu 6,8% do tác động của dịch virus Corona. Nhiều ngành bị ảnh hưởng trực tiếp.
Theo kịch bản 1, nếu dịch virus Corona được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với Nghị quyết 01. Trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.
Với kịch bản 2, nếu dịch virus Corona được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01). Trong đó quý I, GDP tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.
"Như vậy, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra là thách thức rất lớn, khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra”, báo cáo nêu.