Đề xuất tăng lương lên mức 1,6 triệu/tháng cho 7 nhóm đối tượng
7 đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập được đề xuất tăng mức lương cơ sở lên 1.600.000 đồng/tháng kể từ ngày 1-7-2020 theo dự thảo Thông tư mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến rộng rãi.
Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân về dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và hội.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về việc tăng mức lương lên 1, 6 triệu đồng/tháng cho 7 đối tượng - Ảnh minh họa
Theo đó, 7 đối tượng sau sẽ được tăng lương lên mức 1.600.000 đồng/tháng kể từ ngày 1-7-2020, bao gồm:
1. Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
2. Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý và viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức, viên chức được luân chuyển, biệt phái đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
4. Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
5. Đại biểu HĐND các cấp hưởng hoạt động phí theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
7. Các đối tượng sau đây cũng thuộc phạm vi áp dụng Thông tư này khi tính toán xác định mức đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ liên quan đến tiền lương theo quy định của pháp luật: a) Cán bộ, công chức, viên chức đi học, thực tập, công tác, điều trị, điều dưỡng (trong nước và ngoài nước) thuộc danh sách trả lương của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động; b) Người đang trong thời gian tập sự hoặc thử việc (kể cả tập sự công chức cấp xã) trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động; c) Cán bộ, công chức, viên chức đang bị tạm đình chỉ công tác, đang bị tạm giữ, tạm giam; d) Các trường hợp làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động được ký kết hợp đồng lao động theo bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1-7-2020, 8 đối tượng sẽ được tăng thêm 7,382% lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Mức điều chỉnh tăng này bằng tốc độ tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1, 6 triệu đồng /tháng. Cụ thể: - Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng. - Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009, Nghị định số 121/2003 và Nghị định số 09/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. - Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000, Quyết định số 613/2020 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng. - Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111/1981 của Hội đồng Bộ trưởng. - Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008, Quyết định số 38/2010 của Thủ tướng Chính phủ - Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010 của Thủ tướng Chính phủ. - Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011của Thủ tướng Chính phủ. - Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại dự thảo nghị định không thực hiện điều chỉnh đối với nhóm đối tượng đang hưởng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Nguyên nhân, theo Luật BHXH, mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được tính trên mức lương cơ sở. Do đó, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng cũng sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1/7/2020, sẽ tác động tới nhiều chính sách về lương hưu, bảo hiểm...