Đề xuất chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: 'Giải cứu' doanh nghiệp?

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều bộ đã đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc bộ tham gia xây dựng cao tốc Bắc-Nam bằng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, một trong những doanh nghiệp này đang gánh khoản nợ lớn và rơi vào tình cảnh khó khăn nhiều năm nay khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Một đoạn cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành. Ảnh: Hữu Việt

Một đoạn cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành. Ảnh: Hữu Việt

Sau khi có chủ trương chuyển đổi một số dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư PPP sang đầu tư công, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho chỉ định Tổng Cty Sông Đà làm một số dự án trên tuyến cao tốc này để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại Tổng Công ty.

Bộ Xây dựng giới thiệu, Tổng Cty Sông Đà từng là doanh nghiệp nhà nước lớn trong ngành xây dựng. Ngoài các nhà máy thủy điện như Hòa Bình, Yaly, Sông Hinh, Sơn La, Lai Châu... những năm qua Tổng Cty Sông Đà còn thi công hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 10, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, Tổng Cty Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động. Nhiều thiết bị, máy móc đầu tư làm thủy điện phải “đắp chiếu” vì không có việc làm. Quá trình cổ phần hóa tại Tổng Cty Sông Đà cũng không mấy suôn sẻ, đến nay tỉ lệ sở hữu nhà nước vẫn lên tới 99,7% vốn điều lệ.  

Được biết, Tổng Cty Sông Đà đang trong tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay. Trước đó, Bộ Xây dựng từng có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp này trong trả nợ vay tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khoảng 114,8 triệu USD. Cụ thể, doanh nghiệp được gia hạn thời gian trả nợ một năm, được miễn chi phí cho vay lại với các khoản vay nước ngoài...

Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, về mặt kinh tế, Tổng Cty Sông Đà đã đầu tư khá nhiều máy móc, tham gia nhiều công trình, do đó để giải quyết việc làm cho hơn 20.000 cán bộ công nhân viên, kỹ sư của Tổng Công ty, bộ đã trình Thủ tướng xin được chỉ định thầu. Theo vị này, không chỉ có Bộ Xây dựng mà các bộ khác như Bộ Quốc phòng cũng đăng ký các đơn vị có năng lực tham gia. “Với những công trình này, doanh nghiệp Việt đều có đủ năng lực, kỹ thuật để thực hiện vì vậy nên ủng hộ các doanh nghiệp trong nước”, lãnh đạo Bộ Xây dựng nói.

Liên quan đến tình hình công nợ tại Tổng Công ty Sông Đà, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, không phải chỉ riêng Sông Đà, rất nhiều công trình hiện nay cũng nợ lại khối lượng thanh toán cho các nhà thầu. “Công nợ cũng ảnh hưởng đến một phần tài chính nhưng không phải là quyết định cuối cùng. Hiện tại, Tổng Công ty Sông Đà đã có các kỹ sư, phương tiện máy móc… Nếu công trình nhà nước có vốn, Tổng công ty Sông Đà hay đơn vị xây lắp nào khác cũng sẽ tổ chức con người, vật tư vật liệu, xe cộ máy móc để thực hiện”, vị này nói.

Về việc chỉ định thầu, theo lãnh đạo bộ, đây là một phương thức đấu thầu, trong đó có điều kiện và tiêu chí nhất định. “Nhiều người lo năng lực của tổng công ty nhưng tôi cho rằng, vấn đề ở đây có dám tin để giao không khi doanh nghiệp trong nước có năng lực, kỹ thuật để thực hiện. Chỉ định thầu cũng là một phương thức đấu thầu và có các điều kiện của nó”, vị lãnh đạo bộ đánh giá.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 8/6, ông Hồ Văn Dũng, Chủ tịch Tổng Cty Sông Đà lý giải: “Chỉ định thầu vẫn kèm theo các điều kiện chứ không phải xin là được ngay. Mọi người cùng xin chứ không riêng gì Sông Đà”. Liên quan đến khoản nợ của Sông Đà, ông Dũng cho rằng,  nợ là trên báo cáo. “Có những cái nợ mình đứng tên, cái mình chuyển giao. Thực tế nó không thế. Doanh nghiệp đang đi tìm việc và tính toán trả nợ còn dài”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, với lượng công nhân viên lớn, bản thân doanh nghiệp là tổng công ty nhà nước có truyền thống, nhiều kỹ sư giỏi và máy móc. Nếu được làm đoạn cao tốc Bắc- Nam sẽ giải quyết được việc làm cho rất nhiều lao động.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên chỉ định thầu cho Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn được tham gia thi công các gói thầu thuộc 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc- Nam phía Đông dự kiến chuyển đổi theo hình thức đầu tư công là đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cam kết sẽ chỉ đạo Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn chuẩn bị tốt các nguồn lực để triển khai thi công các gói thầu được giao, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình.

Tập đoàn Cienco4 trước là doanh nghiệp “con cưng” của Bộ GTVT nay đã cổ phần hóa hoàn toàn cũng có tờ trình gửi Bộ GTVT mong muốn được tạo điều kiện tham gia thi công 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt (2 đoạn từ Thanh Hóa - Nghệ An). Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của CTCP Tập đoàn Cienco4 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC cho thấy, năm qua, doanh thu của Công ty đạt 2.343 tỷ đồng, giảm 25,03% so với thực hiện 2018, đánh dấu năm sụt giảm doanh thu thứ 4 liên tiếp. Doanh thu suy giảm mạnh khiến lợi nhuận không tránh khỏi lao dốc. Năm qua, công ty chỉ báo lãi sau thuế hợp nhất 92 tỷ đồng, giảm 31% so với 2018 và giảm 46% so với 2016.

Bên cạnh doanh thu giảm, báo cáo tài chính của Cienco4 cũng cho thấy gánh nặng chi phí tài chính đáng kể. Năm 2019, chi phí lãi vay của công ty lên đến 232 tỷ đồng, tương đương 64% lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh thu được. Điều này phần nào cho thấy bức tranh tài chính đang phụ thuộc lớn vào nợ vay. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn đến cuối năm 2019 là 3.737 tỷ đồng, chiếm 52,8% tổng tài sản.

“Theo tôi, trong điều kiện kinh tế bị tác động xấu bởi dịch Covid – 19, yêu cầu đầu tư cao tốc Bắc - Nam cần đẩy mạnh để giải ngân vốn đầu tư công có thể thực hiện chỉ định thầu. Nếu chỉ định thầu thì nên chỉ định thầu với cả doanh nghiệp quân đội, vì có lẽ quân đội là nơi có thể mang lại độ tin tưởng cao hơn và có kinh nghiệm trong  thực hiện các công trình đường bộ. Bộ đội ở đất nước ta mà dựa vào chỉ định thầu để trục lợi thì còn gì để nói? Và tôi tin điều đó khó xảy ra…”. 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương 

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 9/6: Quay đầu tăng vọt trở lại sau cú giảm sốc cuối tuần

Sau những phiên giao sâu, sáng nay giá vàng thế giới bật tăng trở lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai - Hữu Việt ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN