Dễ trắng tay khi gửi tiền, cho vay qua sàn
Cho chủ sàn vay tiền hoặc thông qua sàn cho người khác vay tiền với lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm, thế nhưng khi sự cố xảy ra thì bên gửi tiền - cho vay có thể trắng tay
"Lendbiz vừa ban hành gói sản phẩm ủy thác đầu tư Phát Lộc gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, lợi nhuận cố định tương ứng với từng kỳ hạn là 6%/năm, 9%/năm, 10% và 11%/năm" - một nhân viên Công ty CP Lendbiz (viết tắt Lendbiz) gửi email mời chào chúng tôi gửi tiền vào công ty này.
Huy động vốn
Nhân viên này còn gửi thêm mẫu quảng cáo giới thiệu Lendbiz là một công ty thuộc lĩnh vực đầu tư ngang hàng (P2P lending), kết nối các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh đang cần vay vốn với người cho vay. Còn việc Lendbiz vay tiền từ các cá nhân là để đầu tư vào các DN và hộ kinh doanh, đặc biệt việc chia lợi nhuận cho người gửi tiền không phụ thuộc vào kết quả đầu tư của Lendbiz.
Nhân viên Lendbiz cho biết số tiền cá nhân cho Lendbiz vay tối thiểu là 50 triệu đồng và gửi cho chúng tôi xem hợp đồng cho vay (hợp đồng mẫu). Theo đó, Lendbiz khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 5%/lợi nhuận của bên cho vay để nộp cho cơ quan thuế; còn trường hợp bên cho vay rút vốn trước hạn sẽ không được hưởng lãi suất và bị phạt 5%. Sau khi hai bên ký hợp đồng, bên cho vay chuyển vào tài khoản số 1237040200698 mở tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - Chi nhánh Thăng Long (TP Hà Nội).
Hiện có nhiều ứng dụng, sàn thu hút khách hàng gửi tiền - cho vay
Theo TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing), về mặt lý thuyết, Lendbiz là một công ty công nghệ làm trung gian kết nối người vay và người cho vay. Thế nhưng, công ty này lại huy động vốn của khách hàng để đầu tư vào DN khác, có thể xem là không ổn. Giả sử Lendbiz đầu tư thất bại thì lấy tiền đâu để trả vốn và lãi cho người gửi tiền? Mặt khác, người cho Lendbiz vay tiền nhưng không biết công ty này dùng số tiền này đầu tư vào DN nào. Trong khi đó, Lendbiz không đưa ra thông tin nào về tài sản bảo đảm cho việc hoàn trả các khoản vay từ người cho vay. "Vì thế, việc cá nhân cho Lendbiz vay tiền tiềm ẩn nhiều rủi ro" - ông Thuận nhận định.
Nói về các vụ DN vay tiền của cá nhân, luật sư Phạm Đức (Công ty Luật Quốc tế và Cộng sự) cho biết giới luật sư chứng kiến rất nhiều người khởi kiện DN vay tiền nhưng không trả. Hậu quả là người cho vay gần như mất tiền vì DN không còn tiền hoặc không còn tài sản để tòa án phát mãi lấy tiền hoàn trả cho bên cho vay.
Chủ sàn né trách nhiệm
Khi chúng tôi không muốn cho Lendbiz vay tiền, nhân viên công ty này tiếp tục giới thiệu thêm hình thức cho DN vay tiền thông qua sàn giao dịch với lãi suất 15%-20%/năm. Bên vay sẽ trả lãi và vốn theo từng tháng. Với số tiền nhận được hằng tháng, bên cho vay có thể rút về hoặc tái đầu tư để nhận lãi suất kép, tối đa hóa lợi nhuận.
Theo hướng dẫn, chúng tôi truy cập lendbiz.vn (sàn Lendbiz) để đăng ký cho vay. Sau khi điền đầy đủ thông tin cá nhân, Lendbiz gửi email cung cấp số tài khoản, mật khẩu và đường link onlinetrading.lendbiz.vn để chúng tôi đăng nhập hệ thống này. Tại đây, chủ sàn Lendbiz đưa ra thông tin về năng lực sản xuất - kinh doanh, tài chính… của hàng chục DN. Mỗi DN cần vay hàng trăm triệu đồng và đã có nhiều người cho vay 70% số vốn mà DN cần vay với lãi suất 16%-18%/năm. Đồng thời, chủ sàn Lendbiz còn đưa ra đánh giá, xếp hạng tín dụng DN theo thứ hạng A, B, C... Biết chúng tôi có ý định cho vay qua sàn, nhân viên Lendbiz thông báo tài khoản nói trên chỉ là tài khoản tạm thời để nhà đầu tư truy cập hệ thống, bước đầu tìm hiểu thông tin bên vay tiền.
"Để cho vay qua sàn, bên cho vay phải ký với Lendbiz hợp đồng dịch vụ tư vấn đầu tư, cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân mặt trước và mặt sau, địa chỉ của hộ khẩu thường trú, số tài khoản ngân hàng... Sau đó, Lendbiz chuyển đổi tài khoản tạm thời thành tài khoản giao dịch trực tuyến. Khi đó, bên cho vay nộp ít nhất 10 triệu đồng vào tài khoản của Lendbiz mở tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - Chi nhánh Thăng Long với nội dung: Phạm Vương nộp tiền TKTL 024896 rồi truy cập sàn Lendbiz chọn lựa DN cần vay để đặt lệnh cho vay. Chủ sàn Lendbiz sẽ thu phí dịch vụ 3,3%/lợi nhuận, khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 5%/lợi nhuận của bên cho vay để nộp cho cơ quan thuế. Đặc biệt, bên cho vay không được rút vốn trước hạn nhưng có thể bán lại khoản vay đó cho người khác, phí dịch vụ của việc bán khoản vay là 1,65%. Ngoài ra, bên cho vay còn phải chi trả phí thu hồi nợ nếu Lendbiz thuê đơn vị khác thu hộ nợ…" - nhân viên Lendbiz tư vấn rồi cung cấp cho chúng tôi nội dung của hợp đồng dịch vụ tư vấn đầu tư.
Một trong những điều khoản quan trọng của hợp đồng này là Lendbiz buộc bên cho vay đồng ý thông tin của bên vay tiền chỉ mang tính chất tham khảo và Lendbiz không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào về thông tin này. Đồng thời, bên cho vay ủy quyền cho Lendbiz giải ngân số tiền cho vay, thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu hồi nợ; ủy quyền cho một cá nhân do Lendbiz chỉ định để ký kết hợp tác đầu tư với bên vay... Đặc biệt, Lendbiz sẽ không chịu trách nhiệm đối với thiệt hại mà bên cho vay phải gánh chịu trong việc chậm hoặc không hoàn trả vốn và lãi từ bên vay tiền.
Hoạt động tương tự như sàn Lendbiz, sàn lender.tima.vn cũng cung cấp danh sách và thông tin của người vay (đơn vay của cá nhân) để người cho vay chọn lựa số tiền, thời hạn cho vay với lãi suất 18%/năm... rồi giải ngân hoặc ủy quyền cho chủ sàn giải ngân. Sau đó, chủ sàn sẽ trích tiền từ tài khoản của người cho vay chuyển đến tài khoản của người vay. Đến ngày người vay trả nợ, chủ sàn thu vốn và lãi rồi chuyển vào tài khoản ngân hàng người cho vay. Trường hợp người vay trả nợ không đúng hạn, chủ sàn có trách nhiệm hối thúc họ thanh toán.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết chủ sàn cho vay đều đưa ra mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với lãi suất huy động của ngân hàng để thu hút nhà đầu tư bỏ tiền cho vay. Thế nhưng, nhiều người có ý định cho vay qua sàn lo ngại chủ sàn thiếu năng lực thẩm định thông tin, khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn... của người vay; chưa sàng lọc được khách hàng tốt khiến việc giải ngân không đúng đối tượng có thể dẫn tới nguy cơ mất vốn.
TS Nguyễn Văn Thuận đánh giá cho vay qua sàn ẩn chứa rủi ro rất lớn. Người cho vay có thể mất hết vốn hoặc một phần nếu người vay không trả được nợ vì những lý do khách quan hoặc cố tình vay để lừa đảo. Trong khi chủ sàn không có trách nhiệm hoàn trả tiền mà chỉ có nhiệm vụ thu hồi, đòi nợ thay cho người cho vay nhưng nếu chủ sàn không đòi được thì người cho vay sẽ trắng tay .
Một rủi ro khác mà PGS-TS Nguyễn Văn Hiệu, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, đặt ra là chủ sàn có thể mập mờ trong vai trò trung gian, hoạt động như một tổ chức huy động vốn rồi cho vay; thông đồng với người vay mời gọi khách hàng bằng những thông tin thổi phồng; sử dụng tiền của người cho vay vào các mục đích khác; ngầm bắt tay với các kênh tín dụng không chính thức để đầu tư nhằm hưởng chênh lệch... "Tất cả những khả năng này đều có thể xảy ra, bởi khung pháp lý cho vay trực tuyến chưa rõ ràng, hiểu biết của người cho vay còn hạn chế" - ông Hiệu nêu quan điểm.
Sẽ thử nghiệm cho vay trực tuyến Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đang gặp khó khăn trong việc quản lý các hoạt động cho vay ngang hàng, thường được biết với cái tên cho vay trực tuyến hoặc vay qua app (ứng dụng). Hoạt động này chưa có khung pháp lý để điều chỉnh, gây khó khăn cho việc xác định mô hình hoạt động và công tác quản lý của các cơ quan nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cho rằng Việt Nam cần sớm có một khuôn khổ pháp lý về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các hoạt động của công ty công nghệ (Fintech). Dự kiến, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành trong năm 2020. Nhiều khả năng từ năm 2021, Việt Nam sẽ chấp thuận cho một số ngân hàng, công ty Fintech tham gia cơ chế thử nghiệm hoạt động cho vay ngang hàng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương, thưởng, lợi nhuận...