Đất nền tăng giá vẫn “cháy” hàng, dự báo giá đất trong năm 2021 tiếp tục leo thang
Mặc dù giá đất ở khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng từ 2 - 4 giá so với thời điểm trong năm nhưng theo tiết lộ của các kênh phân phối bất động sản, từ thời điểm cuối năm 2020 đến nay thì không có đất mà “chào hàng”.
Đất nền tăng giá vẫn cháy hàng
Anh Lộc (28 tuổi) – là nhân viên tư vấn của sàn bất động sản H.P ở Thạch Thất (Hà Nội). Sản phẩm mà sàn của anh Lộc phân phối chủ yếu là đất nền của dân cư được phân lô, tách sổ.
Anh Lộc cho biết: "Đất đứng tên ai cũng được, miễn sao là cá nhân hoặc một vài cá nhân cùng đứng tên sổ đỏ thuở đất lớn, rồi phân thành từng lô nhỏ theo diện dịch từ 65 – 130m2/lô. Các lô này chúng tôi tách thuở sẵn. Khi có khách chọn và đặt mua thì chúng tôi chỉ việc sang tên cho khách hàng".
Nhà đầu tư cá nhân "tranh thủ" xem đất phân lô tại xã Phú Cát, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
"Ở thời điểm này, đất ở xung quanh khu vực Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc đều tăng từ 2-4 giá. Tùy lô đất, tùy vị trí mà giá tăng khác nhau, càng gần đường lớn, gần các khu vực chợ, các công ty thì giá càng càng lên cao. Đơn cử như khu Đồi Sen (xã Bình Yên, Thạch Thất), thời điểm tháng 8, 9, giá đất còn khá thấp, chủ yếu là 9 – 11 triệu đồng/m2 nhưng bây giờ thì giá đều lên từ 12 – 13 triệu đồng/m2", anh Lộc cho hay.
Lý giải về hiện tượng khiến đất tăng giá, anh Lộc cho biết, thứ nhất là con đường tỉnh lộ 420, đoạn qua khu tái định cư Bình Yên được mở rộng lòng đường lên 24 mét; thứ hai là nhiều công ty, nhà máy xí nghiệp đổ dồn về khu công nghệ cao trước Tết Nguyên đán khiến nhu cầu về đất ở cần đáp ứng cho lượng công nhân, cán bộ các công ty.
Thứ 3 là nhu cầu mua đất trong năm nay tăng do dự báo năm 2021, giá đất leo thang.
Mặc dù những mảnh đất được phân thành từng lô riêng rẽ tại xã Phú Cát, huyện Thạch Thất, Hà Nội có giá bán khoảng 15 - 16 triệu đồng/m2 nhưng vẫn đắt hàng như tôm tươi.
Theo anh Lộc, tất cả những nguyên nhân trên đã "vô tình" hoặc "hữu ý" khiến giá đất tăng từ 2 – 4 giá chỉ trong vài tháng cuối năm.
Chị Ngọc Linh (27 tuổi) cũng là nhân viên bất động sản phân phối đất nền tại ven phía Tây Hà Nội tiết lộ: "Tuần trước, em vừa có hơn chục lô đất ở xã Phú Cát (Thạch Thất). Đây là khu đất ở vị trí đắc địa, rất gần với khu công nghệ cao Hòa Lạc và các trục đường lớn nên vừa chào hàng là hết sạch trong 2 tuần. Mà giá chào hàng cũng lên đến 16 triệu/m2".
Tương tự Hà Nội, chỉ với mức giá từ 650 triệu đồng trở lên đến khoảng 1,8 tỷ đồng, các nhà đầu tư cũng có thể sở hữu một mảnh đất thổ cư cách khu vực sân bay Long Thành (Đồng Nai) không quá xa.
Đất phân lô bán nền tại phía Tây Hà Nội rất hút khách những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Thị trường bất động sản "bùng nổ" trong năm 2021?
Liên quan đến giá đất tại 2 đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc Công ty tư vấn BĐS Savill Việt Nam cho biết, mặc dù năm 2020 là một năm đầy khó khăn với nhiều ngành hàng do chịu sự ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản và thị trường bất động sản nói chung vẫn giữ mức ổn định.
Ông Khương đánh giá, năm 2021, nếu dịch bệnh vẫn kéo dài thì đối với những dự án đang triển khai vẫn có thể hoàn thiện các thủ tục, đối với các tài sản đang tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại cũng không cần phải bán đi, vì các nhà đầu tư tính toán được những thách thức hiện tại trên thị trường chỉ là nhất thời, trong vòng 1-2 năm và họ có thể xử lý được các vấn đề về tài chính đồng thời giữ vững kỳ vọng vào năm 2022, 2023.
Theo TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc Công ty tư vấn BĐS Savill Việt Nam, năm 2021, nhà đầu tư cá nhân nên hạn chế dùng đòn bẩy tài chính.
Năm 2021, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới sẽ được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu. Đối với thị trường BĐS nói chung, thị trường nhà ở luôn là một điểm sáng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng và có thể sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển hơn so với năm 2020.
Mặt khác, đối với thị trường BĐS văn phòng, TTTM, căn hộ dịch vụ, khách sạn sẽ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu để ổn định về chi phí, lợi nhuận và có những chiến lược khác để phòng vệ trước những kịch bản khó khăn hơn có thể xảy ra.
BĐS công nghiệp cũng là một điểm nóng của thị trường. Nhưng các nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn vì hiện tại Chính phủ VN đang kiểm soát rất chặt chẽ các chuyến bay quốc tế. Đây là thời điểm để tìm hướng đi tốt nhất cho 1-2 năm tới.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhìn lại BĐS công nghiệp trong 1-2 năm vừa qua. Cần có những bài toán cụ thể hơn, giải pháp đồng bộ hơn về cung ứng, cơ sở hạ tầng, kho vận để BĐS công nghiệp trở nên nóng hơn nữa. Đó là bài toán mà các nhà đầu tư cũng như chính quyền địa phương, công an Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu cần xem lại để ta có thể sẵn sàng khi thị trường hồi phục - TS Khương chia sẻ.
Để tạo tiền đề và sức bật mạnh mẽ cho lĩnh vực BĐS có thể bứt phá trong năm 2021, TS Sử Ngọc Khương cho rằng: "Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 này, tôi nghĩ rằng những thành viên mới trong ban Chính Phủ sẽ đẩy một làn gió mới cho lĩnh vực BĐS nói riêng và cho nền kinh tế nói chung.
Đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - 2 đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Chúng ta cần những đột phá và chắc chắn rằng những người đắc cử nhiệm kì này sẽ thể hiện vai trò của họ đối với những khó khăn hiện nay và đặc biệt trong TP HCM".
Với nhóm đầu tư cá nhân, ông Khương cho rằng, tuỳ theo kỳ vọng từ 1-2 năm có lời thì với bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư ta nên hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
TS Khương cho biết thêm: "Ngoài ra, câu chuyện BĐS nhà ở luôn là câu chuyện mà mọi người quan tâm nên thủ tục pháp lý là cái phải luôn lưu ý. Cuối cùng là việc chọn lựa dự án có thể đạt được các mục tiêu mà mình đưa ra thì phải dựa trên các yếu tố như tính thanh khoản, giá trị gia tăng và quản trị rủi ro vì đây là ba yếu tố quan trọng khi chúng ta đầu tư vào một dự án".
Nguồn: [Link nguồn]
Thiếu gia này là cháu của nữ đại gia giàu có và công ty gia đình ăn nên làm ra.