Đại gia tuần qua: Vào “tay” Masan, hàng trăm cửa hàng Vinmart không hiệu quả phải đóng cửa
Sau 9 tháng, Masan dừng hoạt động 433 cửa hàng VinMart, VinMart+ kém hiệu quả song song với việc cải thiện biên lợi nhuận gộp để thực hiện mục tiêu đạt điểm hòa vốn vào quý IV.
Đại gia Masan đóng hàng trăm cửa hàng Vinmart
Sau 9 tháng từ khi về “tay” Masan, 421 siêu thị mini VinMart+ và 12 siêu thị VinMart bị đóng cửa. Riêng trong quý III, hoạt động tối ưu hóa mạng lưới của VinCommerce được đẩy mạnh khi có đến 276 cửa hàng VinMart+ kém hiệu quả dừng hoạt động.
Hơn 80% số cửa hàng VinMart+ đóng cửa nằm ở TP.HCM và các thành phố cấp 2. Đây là những điểm bán có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn gần 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn.
433 cửa hàng VinMart, VinMart+ kém hiệu quả đã đóng cửa.
Ở chiều ngược lại, Masan chỉ mở mới 57 siêu thị mini VinMart+ và 1 siêu thị VinMart. Đến cuối tháng 9, VinCommerce có tổng cộng 2.646 điểm bán gồm 2.524 cửa hàng VinMart+ và 122 cửa hàng VinMart.
Trong quý III, VinCommerce thu về 7.864 tỷ đồng. Tổng doanh thu của chuỗi sau 9 tháng là 23.678 tỷ đồng. Masan cho biết doanh thu 9 tháng của hệ thống VinMart+ vẫn tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2019 dù hơn 400 cửa hàng đã đóng cửa. Các chỉ số như doanh thu/m2 và giá trị hóa đơn trung bình đều tăng trưởng dương.
Nguyên nhân giúp hệ thống bán lẻ của Masan giảm lỗ ngoài việc đóng cửa các siêu thị không hiệu quả còn do tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên. Công ty cho biết hoạt động tối ưu hóa danh mục sản phẩm, đưa ra chính sách giá mới và và đàm phán lại điều khoản với nhà cung cấp là động lực giúp cải thiện biên lãi gộp. Song song đó, chi phí hoạt động cũng được tiết giảm.
Ngoài ra, doanh số nhãn hàng riêng tại hệ thống VinMart, VinMart+ đang tăng nhanh với tốc độ trên 10% trong quý III. Đây là một trong những ưu tiên của Masan với mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp lên 20% doanh thu của toàn chuỗi trong dài hạn. Sản phẩm nhãn hàng riêng có biên lợi nhuận cao hơn so với sản phẩm nhập hàng từ nhà phân phối bên ngoài.
“Ông lớn” Hòa Bình ghi nhận lãi quý III ảm đạm
Theo chỉ số kinh doanh hợp nhất quý III của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), doanh thu và lợi nhuận của đơn vị này giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý III đạt 2.635 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tương ứng giảm mạnh, kéo theo lợi nhuận gộp giảm 45% xuống còn 149 tỷ đồng. Kết quý, HBC ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh là 14 tỷ, giảm 117% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, nhờ phát sinh khoản thu nhập đột biến từ lãi mua rẻ gần 75 tỷ đồng đã cải thiện kết quả lợi nhuận sau thuế của Xây dựng Hòa Bình lên mức 53 tỷ đồng, giảm 23%. Nếu không có khoản đánh giá lại giao dịch mua rẻ, lợi nhuận Hòa Bình sẽ ghi nhận mức lỗ 14 tỷ từ hoạt động kinh doanh.
Công ty nông nghiệp của bầu Đức vẫn chưa thoát lỗ
HAGL Agrico của bầu Đức công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2020 ghi nhận lợi nhuận âm bất chấp doanh thu tăng trưởng.
Quí III, HAGL Agrico đạt 600 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 21% so với cùng kì năm trước đóng góp chủ yếu từ sự tăng trưởng của doanh thu mảng trái cây. Mảng trái cây lại kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp mảng này lên tới 49 tỉ đồng.
Giá bán giảm sâu khiến công ty của bầu Đức chưa thể thoát lỗ.
Lỗ gộp chưa kể tới công ty không còn nguồn thu từ thanh lí khoản đầu tư (doanh thu tài chính) cùng các chi phí nên quí III HAGL Agrico lỗ sau thuế 353 tỉ đồng.
Tuy nhiên, số lỗ này đã giảm so với con số 990 tỉ đồng cùng kì năm trước do không còn ghi nhận các chi phí liên quan tới chuyển đổi vườn cây nên khoản lợi nhuận khác chỉ âm 76 tỉ đồng.
Doanh nghiệp cũng giải trình do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên thị trường đầu ra của các loại trái cây bị ảnh hưởng dẫn đến giá bán giảm sâu.
Doanh nghiệp nhà Cường Đô La nhận tin tốt về kinh doanh
CTCP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai – công ty gia đình nhà đại gia Cường Đô la vừa công bố BCTC hợp nhất quí III/2020, qua đó cho thấy doanh thu thuần cao gấp 4,7 lần so với cùng kì khi đạt 540 tỉ đồng.
Trong đó, bất động sản đóng góp hơn 483 tỉ đồng, kế đến là doanh thu bán điện 34 tỉ đồng và doanh thu bán hàng hóa 23 tỉ đồng. Riêng hai mảng hàng hóa và bán điện kinh doanh dưới giá vốn, kéo theo biên lãi gộp của doanh nghiệp giảm từ 59% về còn 20%.
Quốc Cường Gia Lai cho biết, trong kì doanh nghiệp đã bàn giao nhiều căn hộ cho khách hàng, còn lợi nhuận từ thủy điện giảm do thời tiết khô hạn và tình hình khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài làm tăng chi phí.
Hoạt động tài chính mang về cho doanh nghiệp nguồn thu không đáng kể nhưng chi phí ghi nhận hơn 12 tỉ đồng, toàn bộ đều là chi phí lãi vay.
Doanh thu tài chính tại công ty của tỷ phú Trịnh Văn Quyết tăng 9 lần
Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2020 thể hiện doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.424 tỉ đồng, sụt 34% so với cùng kì năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, FLC lỗ gộp 327 tỉ đồng, trong khi vào quí III/2019 công ty có lãi gộp 58 tỉ đồng.
Tập đoàn FLC cho biết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quí III sụt giảm 34% do đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mảng kinh doanh của tập đoàn như hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, ....
Khoản mục thay đổi đáng kể nhất trên báo cáo tài chính của FLC đợt này là doanh thu hoạt động tài chính 1.317 tỉ đồng, cao gấp 2,8 lần quí III năm ngoái.
Chủ yếu nhờ khoản doanh thu tài chính này, Tập đoàn FLC đạt lợi nhuận sau thuế 577 tỉ đồng, gấp 9 lần so với cùng kì 2019. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 287 tỉ đồng, của cổ đông không kiểm soát là gần 290 tỉ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, FLC ghi nhận doanh thu giảm 13% còn 9.913 tỉ đồng; lỗ sau thuế 2.213 tỉ đồng trong khi ba quí đầu năm ngoái công ty có lãi 89 tỉ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Ông trùm sản xuất bao cao su thế giới Karex (Malaysia) từ đầu năm đến nay gia tăng doanh số bán hàng hơn bảy lần so với...