Đại gia tuần qua: Danh tính hai tỷ phú “long đong” trên bảng xếp hạng tỷ phú USD Forbes
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long quay lại nhóm sở hữu tài sản tỷ USD khi giá cổ phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong 8 tuần qua.
Hai doanh nhân Việt trở lại danh sách tỷ phú thế giới
Số liệu cập nhật vào ngày 22/5 của Forbes cho thấy số lượng tỷ phú của Việt Nam đã tăng lên 6 người. Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Đình Long trở lại danh sách tỷ phú USD sau thời gian dài vắng bóng bên cạnh 4 tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Bá Dương, Hồ Hùng Anh.
Ông Quang và ông Long quay lại nhóm tỷ phú khi giá cổ phiếu tăng mạnh.
Ông Quang và ông Long quay lại nhóm tỷ phú khi giá cổ phiếu các doanh nghiệp mà 2 doanh nhân này đang làm Chủ tịch HĐQT là Masan và Hòa Phát đều bứt phá mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang lần đầu trở thành tỷ phú vào tháng 3/2019. Ông Quang chỉ đứng tên 15 cổ phiếu Masan và 9,4 triệu cổ phiếu Techcombank.
Tuy nhiên, ông chủ Masan cùng người cộng sự thân thiết là Chủ tịch ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh được cho rằng đang quản lý gần 50% vốn của tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu trong nước thông qua các cổ đông doanh nghiệp liên quan.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Hoàng Yến, vợ ông Quang, đang đứng tên 42,4 triệu cổ phiếu Masan. Ngoài ra, Masan là cổ đông lớn nhất của Techcombank với tỷ lệ sở hữu 15%. Ông Quang là người đại diện phần vốn góp này.
Trong khi đó, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long lọt vào danh sách tỷ phú thế giới vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, trong 2 năm sau đó, ông Long rơi khỏi nhóm những người sở hữu tài sản trên 1 tỷ USD.
Hiện tại ông Long đang sở hữu trực tiếp 700 triệu cổ phiếu doanh nghiệp thép của mình. Bên cạnh đó, vợ và con trai của doanh nhân này còn nắm giữ hơn 240 triệu cổ phần Hòa Phát. Tổng cộng khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Long và gia đình hiện tại có giá trị khoảng 25.700 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD.
Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham vọng đạt lợi nhuận 31.000 tỷ
Ban giám đốc Công ty Cổ phần Vinhomes vừa trình kế hoạch kinh doanh năm 2020 để đại hội cổ đông phê duyệt. Bất chấp tác động của dịch Covid-19, Vinhomes vẫn đặt mục tiêu tham vọng nhất trong lịch sử công ty.
Vinhomes đặt mục tiêu tham vọng nhất trong lịch sử công ty.
Doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam đặt kỳ vọng doanh thu 97.000 tỷ đồng năm 2020, tăng 87% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, Vinhomes dự kiến kế hoạch lợi nhuận sau thuế lên tới 31.000 tỷ đồng, tăng gần 50%. Đây cũng là mức lãi cao nhất của một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán trong lịch sử.
Để hoàn thành chỉ tiêu cho cả năm, Vinhomes sẽ phải tăng tốc trong thời gian còn lại. 3 tháng đầu năm, công ty bất động sản của Vinhomes mới đạt doanh thu thuần 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.650 tỷ.
Sở dĩ lãi ròng của Vinhomes cao hơn doanh thu thuần do công ty ghi nhận khoản thu đột biến 7.500 tiền lãi chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty con đang sở hữu một phần dự án.
Tỷ phú Trần Bá Dương lập công ty heo giống
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hùng Vương Dương Ngọc Minh vừa ký nghị quyết góp vốn vào Công ty TNHH Sản xuất Heo giống và Thức ăn Chăn nuôi Việt Đan.
Đây là công ty TNHH hai thành viên với 25% vốn góp của Hùng Vương là 75% vốn thuộc về Công ty Cổ phần Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi, công ty con của Tập đoàn Thaco.
Vốn điều lệ của doanh nghiệp chăn nuôi heo này là 556 tỷ đồng. Như vậy, Hùng Vương sẽ góp 139 tỷ đồng còn Thadi đóng góp 417 tỷ đồng vào vốn điều lệ Việt Đan. Công ty đặt trụ sở tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Đây là công ty đầu tiên được thành lập trong lĩnh vực chăn nuôi heo sau thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Hùng Vương và Thadi được công bố hồi đầu năm 2020.
Để giải cứu doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh, phía tỷ phú Trần Bá Dương sẽ đầu tư 35% cổ phần Hùng Vương, 65% vốn trong liên doanh mảng chăn nuôi heo giữa hai bên, tham gia quản trị, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thủy sản một thời được mệnh danh là “vua cá”
Thế giới Di động lần đầu đặt mục tiêu lợi nhuận thụt lùi
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài vừa ký nghị quyết thông qua kế hoạch kinh doanh mới cho năm 2020 để trình đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới.
Như chia sẻ của ông Tài trước đó, Thế giới Di động giảm mục tiêu doanh thu thuần còn 110.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xuống 3.450 tỷ dưới tác động của dịch Covid-19. Kế hoạch cũ được lập cuối năm 2019 của doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam đề ra chỉ tiêu doanh thu 122.445 tỷ đồng và lãi ròng 4.835 tỷ.
Năm qua, Thế giới Di động đạt doanh thu thuần 102.174 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.836 tỷ. So với 2019, doanh thu dự kiến của ông trùm bán lẻ năm nay tăng 8% nhưng lợi nhuận giảm 10%. Đây là lần đầu tiên công ty đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn kết quả năm trước.
3 tháng đầu năm, Thế giới Di động báo cáo doanh thu thuần 29.353 tỷ đồng và lãi ròng 1.132 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn bán lẻ này đã hoàn thành 27% kế hoạch doanh thu và 33% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 1/4 thời gian. Trong quý I, công ty chưa chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 và vẫn thu về kết quả khả quan nhờ mùa cao điểm bán hàng Tết Nguyên Đán.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài đã chia sẻ với nhà đầu tư về việc điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận. Chủ tịch Thế giới Di động nhận định sức mua của người tiêu dùng sẽ sụt giảm trong năm nay và có thể kéo dài đến năm sau.
Công ty nhà Cường Đô la bán sạch vốn ở công ty Sông Mã, dự thu 172 tỷ đồng
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai vừa ký nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 49,9% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bất động sản Sông mã. Giá chuyển nhượng tối thiểu là 172 tỷ đồng.
Công ty Bất động sản Sông Mã là một trong 4 công ty liên kết của Quốc Cường Gia Lai. Khoản đầu tư tại Sông Mã được doanh nghiệp phố núi hạch toán trị giá 166 tỷ đồng trên báo cáo tài chính quý I.
Công ty của bà Như Loan mua lại 99,8% vốn Bất động sản Sông Mã vào năm 2017 với giá 333 tỷ đồng. Cuối năm 2018, Quốc Cường Gia Lai đã thoái 49,9% vốn tại doanh nghiệp này. Theo báo cáo thường niên, Bất động sản Sông Mã sở hữu quỹ đất dự án Phước Lộc - Nhà Bè.
Tháng trước, Quốc Cường Gia Lai cũng công bố thông tin hoàn tất chuyển nhượng 56% cổ phần của Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc cho đối tác, giảm tỷ lệ sở hữu từ 90% xuống 34%.
Đây là doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án căn hộ cao tầng Sông Đà Riverside ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Dự án này có diện tích 2,3 ha khởi động từ năm 2008, trải qua một vài lần đổi chủ nhưng đến nay vẫn bất động.
Nguồn: [Link nguồn]
Không chỉ nổi lên như một hiện tượng mạng khiến giới trẻ "điên đảo". "cô Minh Hiếu" còn thu hút sự chú...