Đại gia tuần qua: Đại học VinUni của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hé lộ mức học phí khủng
Đại học VinUni của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa hé lộ mức học phí "khủng" tại ngôi trường này.
Sau đề nghị xử kín, bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu tòa xử vụ ly hôn công khai
Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa nhận được đơn yêu cầu toà xét xử công khai của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, gửi đến Chánh án và ông Nguyễn Hữu Ba - Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm ly hôn giữa bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Theo nội dung đơn, bà Thảo cảm ơn tòa đã chấp nhận việc xử kín trước đó, tuy nhiên bà cho rằng sau khi tòa hoãn phiên xử cuối tháng 10 vừa qua, đã có một số bài viết đăng tin không chính xác, khiến "ảnh hưởng đến tình cảm của các con đối với cha mẹ".
Do đó, bà đề nghị tòa phúc thẩm đưa vụ án ly hôn giữa bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ ra xét xử công khai vào các ngày 18,19 và 20/11.
Hồi tháng 3, cấp sơ thẩm đã tuyên án vụ ly hôn này.
Trước đó, hồi tháng 10, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của ông Vũ, bà Thảo và kháng nghị VKS. Tuy nhiên, bà Thảo không đến tòa và có đơn yêu cầu tòa xét xử kín vụ ly hôn. HĐXX chấp nhận với đề nghị này.
Trong khi đó, hồi tháng 3, cấp sơ thẩm đã tuyên án vụ ly hôn này. Cụ thể, bà Thảo được quyền nuôi 4 người con.
Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng số tiền nuôi 10 tỷ đồng/năm tính từ năm 2013 cho đến khi các con trưởng thành. Ông cũng có quyền yêu cầu thay đổi quyền nuôi con nếu đủ điều kiện.
Về các bất động sản, ông Vũ được giao quản lý 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng. Trong khi đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao quyền sử dụng đất và tài sản của 7 bất động sản trị giá 375 tỷ đồng.
Liên quan tới khối tài sản trị giá 1.764 tỷ đồng được gửi tại các ngân hàng cũng như cổ phần các công ty tại Tập đoàn Trung Nguyên, tòa phán quyết chia tỷ lệ 6:4 nghiêng về phía ông Vũ. Bên cạnh đó tòa còn tuyên bà Thảo buộc phải chuyển giao toàn bộ cổ phần Trung Nguyên cho ông Vũ.
Sau bản án sơ thẩm, vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên đều có kháng cáo. Cụ thể, phía bà Thảo yêu cầu hủy bán án sơ thẩm, mong muốn được đoàn tụ cùng chồng.
Bà không đồng ý với quan điểm của tòa về việc chia tài sản theo tỷ lệ 6/4, chuyển toàn bộ cổ phần đồng nghĩa giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ.
Về phía ông Vũ, ông chủ cà phê Trung Nguyên kháng cáo yêu cầu tòa chia lại tài sản theo tỷ lệ 7:3 với lý do đã đóng góp nhiều hơn cho Trung Nguyên.
VKSND TP.HCM cũng có bản kháng nghị toàn bộ bản án với nhiều nội dung không đồng ý với cấp tòa cùng cấp, cho rằng bản án sơ thẩm tuyên không đầy đủ các quan điểm mà cơ quan công tố này nhận định tại phiên xử.
VinUni lần đầu công bố chi phí đào tạo 35.000 - 40.000 USD
Đại học VinUni của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa hé lộ mức học phí tại ngôi trường này. Dự kiến, chi phí đào tạo trung bình hàng năm (gồm giảng dạy, nghiên cứu, thực tập, trao đổi quốc tế, học kỳ doanh nghiệp và các chi phí đầu tư liên quan...) cho mỗi sinh viên tại trường Đại học VinUni là 35.000 USD với hệ đại học và 40.000 USD với hệ sau đại học.
Tuy nhiên, sinh viên được Hiệu trưởng và Viện trưởng đánh giá là Tài năng sẽ được cấp Học bổng Tài năng ở mức 90% và 100% chi phí đào tạo. Riêng sinh viên Đặc biệt Tài năng sẽ được xét cấp Học bổng Toàn phần, bao gồm 100% chi phí và sinh hoạt phí liên quan.
Bên cạnh đó, VinUni cũng công bố các gói hỗ trợ tài chính với mức 50%, 70% và 80% chi phí đào tạo cho các sinh viên chưa đủ điều kiện tài chính nhằm đảm bảo thu hút được nhiều sinh viên giỏi, phù hợp với tiêu chí tuyển sinh của trường.
VinUni cũng công bố các gói hỗ trợ tài chính với mức 50%, 70% và 80%.
Vietjet là hãng hàng không chi phí thấp dẫn đầu tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2019
Hãng hàng không Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo vừa được Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) trao giải thưởng "Hãng hàng không chi phí thấp của năm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Lễ trao giải nằm trong khuôn khổ Hội nghị hàng không châu Á.
Đây là giải thưởng dành cho các hãng hàng không có dấu ấn chiến lược nổi bật, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành hàng không khu vực, đồng thời dẫn đầu xu thế, có nhiều sáng tạo và đặt ra những chuẩn mực cho các hãng hàng không khác noi theo trong những năm vừa qua.
Vietjet được xếp hạng 7 sao về an toàn - chất lượng - mức cao nhất trong ngành hàng không thế giới bởi tổ chức uy tín AirlineRatings. Vietjet cũng nằm trong nhóm 50 hãng hàng không tốt nhất toàn cầu về hoạt động và sức khỏe tài chính trong hai năm 2018, 2019 của AirFinance Journal.
Chủ tịch Hoà Bình làm người đại diện phần vốn tại công ty đầu tư HBIHội đồng Quản trị (HĐQT) Hòa Bình đã ra Nghị quyết chấp thuận Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, ông Lê Viết Hải sẽ là người đại diện phần vốn góp của Hòa Bình tại CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình (HBI).
HBI là công ty con sở hữu 98% bởi Hòa Bình, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN), khu dân cư, đầu tư và liên doanh nhiều ngành nghề liên quan đến xây dựng.
HBI là chủ đầu tư các dự án như Khu phức hợp Imperia Garden tại Hà Nội, hay Khu dân cư Long Hậu Hòa Bình nằm tại Khu công nghiệp Long Hậu 4, tỉnh Long An.
Trong năm 2018, HBI đạt doanh thu 99 tỉ đồng và lãi sau thuế 0,8 tỉ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này đặt chỉ tiêu năm 2019 với doanh thu 107 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng đột biến lên 25,6 tỉ đồng, với kế hoạch bàn giao cho thuê hạ tầng KCN.
Bên cạnh đó, phía HBI từng cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm và thực hiện các công trình của Hòa Bình ở TP HCM, Phú Quốc, và dự tính lấy đó để phát triển đội ngũ nhằm tạo tiền đề thực hiện các công trình lớn hơn hoặc làm tổng thầu vào năm sau.
Về phần Hòa bình, giữa bối cảnh thị trường xây dựng cũng như bất động sản gặp nhiều khó khăn, doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 của Công ty vẫn duy trì được mức tăng 6,9% so với cùng kì năm trước, đạt 13.646 tỉ đồng.
Dù vậy, Hoà Bình cũng gặp nhiều khó khăn khi các khoản phải thu tiếp tục tăng trong khi doanh nghiệp phải gồng mình trả lãi vay. Theo đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ Hoà Bình đã sụt giảm hơn một nửa xuống còn 243,5 tỉ đồng.
Tập đoàn TH nghiên cứu đầu tư thực hiện 4 dự án tại Kon Tum
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa và bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH đã thống nhất ký kết bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư, triển khai các thủ tục pháp lý để thực hiện 4 dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, 4 dự án gồm: Dự án trồng cây ăn quả và xây dựng nhà máy chế biến kết hợp du lịch trang trại tại xã Đăk Tờ Lùng, huyện Kon Rẫy trên diện tích khoảng 500ha; Dự án trồng và chế biến dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại xã Hiếu, Đăk Tăng, Măng Bút, huyện Kon Plông trên điện tích khoảng 11.580ha; Dự án chăn nuôi bò sữa quy mô 20.000 con tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy trên diện tích khoảng 640ha; Xây dựng Cụm nhà máy chế biến và Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại thành phố Kon Tum với diện tích khoảng 100ha.
Theo biên bản ghi nhớ, UBND tỉnh Kon Tum cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành và hỗ trợ Tập đoàn TH triển khai các thủ tục pháp lý để thực hiện đầu tư và đưa các dự án trên vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước…; hỗ trợ Tập đoàn giải quyết các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư với mức hỗ trợ ưu đãi đầu tư tối đa áp dụng cho địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; Triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho Tập đoàn TH để thực hiện dự án…
Người hâm mộ quan tâm đơn vị nào sẽ hỗ trợ VFF trả lương cho ông thầy người Hàn Quốc?
Nguồn: [Link nguồn]