Đại gia tuần qua: Đại gia Nam Định thưởng hơn 1,2 nghìn tỷ cho nhân viên
Nhân viên Thế giới Di động được “thưởng” tổng cộng hơn 1.200 tỷ trong đợt phát hành cổ phiếu ESOP này. Tuy nhiên, những người được mua cổ phiếu ưu đãi không được bán ngay.
Nhân viên của đại gia Nguyễn Đức Tài nhận thưởng hơn 1.200 tỷ bằng cổ phiếu
HĐQT Tập đoàn Thế giới Di động vừa thông qua nghị quyết phát hành 10,3 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tương đương 2,2% vốn điều lệ công ty. Trong năm 2021, Thế giới Di động sẽ phát hành trước 9,3 triệu cổ phiếu. Số còn lại dự kiến thực hiện vào năm 2022.
Nhân viên của đại gia Nguyễn Đức Tài nhận thưởng hơn 1.200 tỷ bằng cổ phiếu
Số cổ phiếu này được phát hành với giá chỉ 10.000 đồng đúng bằng mệnh giá. Như vậy, với mỗi cổ phiếu được nhận, nhân sự của Thế giới Di động sẽ có lãi 120.000 đồng so với giá giao dịch 128.000 đồng hiện nay trên thị trường chứng khoán.
Nếu tính theo thị giá hiện tại, nhân viên Thế giới Di động được “thưởng” tổng cộng hơn 1.200 tỷ trong đợt phát hành cổ phiếu ESOP này. Tuy nhiên, những người được mua cổ phiếu ưu đãi không được bán ngay.
Thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu ESOP là 4 năm. Mỗi năm sẽ có 25% số cổ phần đã mua được chuyển nhượng. Sau năm đầu tiên, nhân viên Thế giới Di động được tự do bán 25% số cổ phiếu mua vào, rồi tăng dần lên 50-75-100% trong các năm sau đó đến hết năm thứ 4.
Đại gia Masan mất hơn 25.000 tỷ đồng lãi lũy kế
Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 với không nhiều thay đổi trong kết quả kinh doanh so với báo cáo tự lập trước đó.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính kiểm toán của tập đoàn này đã làm rõ những thay đổi về con số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong năm vừa qua của doanh nghiệp.
Cụ thể, khác với báo cáo tài chính công ty tự lập, đơn vị kiểm toán xác định vốn chủ sở hữu tại thời điểm 1/1/2020 của Masan lên tới gần 52.000 tỷ đồng, cao gấp đôi số vốn chủ sở hữu công ty tự xác nhận.
Nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi này là do đơn vị kiểm toán xác định lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm đầu năm 2020 của Masan lên tới 28.600 tỷ đồng.
Tuy vậy, đến cuối năm 2020, con số vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của tập đoàn trên báo cáo tài chính kiểm toán đã giảm về lần lượt đạt 25.030 tỷ và gần 2.200 tỷ đồng.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2020 được xác định là âm 25.200 tỷ đồng, bất chấp việc công ty này lãi ròng 1.200 tỷ đồng năm vừa qua.
BIDV có tổng giám đốc mới sau hơn 2 năm
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (BID) vừa công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao trong ban tổng giám đốc ngân hàng từ ngày 12/3.
Trong đó, HĐQT ngân hàng đã thống nhất bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc với ông Lê Ngọc Lâm, hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết việc bổ nhiệm ông Lâm vào vị trí Tổng giám đốc sẽ giúp ngân hàng tăng cường năng lực quản trị điều hành để thực hiện chiến lược phát triển 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của BIDV.
Theo giới thiệu từ phía ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm sinh năm 1975 và đã có hơn 23 năm gắn bó với hoạt động của BIDV.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra sáng 12/3, ông Lâm cùng với ông Nguyễn Quang Huy, nguyên Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 2 nhân sự được cổ đông BIDV bầu tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.
T&T Group của bầu Hiển hợp tác chiến lược với 2 tỉnh lớn
Tập đoàn T&T Group và UBND tỉnh Cà Mau ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực gồm: Đầu tư bất động sản, hạ tầng giao thông, cảng biển và logistics, năng lượng, du lịch và thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, T&T Group sẽ tài trợ, phối hợp, hỗ trợ và cử chuyên gia trong nước hoặc quốc tế tham gia nghiên cứu, phản biện đối với các quy hoạch do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức và thực hiện để nâng cao chất lượng và tính khả thi của đồ án quy hoạch.
Trước đó, ngày 5/3, đoàn công tác của Tập đoàn T&T Group do ông Đỗ Quang Hiển dẫn đầu cùng lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã có chuyến khảo sát thực địa tại các địa bàn TP Lào Cai, xã Y Tý (huyện Bát Xát) và thị xã Sa Pa.
Cùng ngày, tập đoàn tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với UBND tỉnh Lào Cai trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch thương mại dịch vụ, thể dục thể thao và logistics.
8 công ty của ông Nguyễn Duy Hưng muốn "chống đột quỵ" cho HoSE
Tập đoàn PAN Của ông Nguyễn Duy Hưng cho biết đã đồng thuận cùng 7 công ty thành viên đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) lấy ý kiến HĐQT về việc tạm thời chuyển cổ phiếu ra sàn Hà Nội (HNX).
“Theo lời kêu gọi hỗ trợ của lãnh đạo ngành chứng khoán nhằm ‘chống đột quỵ’ cho hệ thống đang quá tải của HoSE, mọi người lúc này cùng nhau hướng tới mục tiêu duy nhất là cấp bách giảm tải cho HoSE. Hy vọng ít tháng nữa, chúng tôi sớm được trở về nhà HoSE ở trạng thái ‘bình thường mới’”, thông báo của PAN dẫn lời CEO Trà My.
Hiện tại PAN cùng 7 công ty thành viên đang niêm yết trên HoSE gồm Thực phẩm Sao Ta (FMC), Vinaseed (NSC), Southern Seed (SSC), Bibica (BBC), Thủy sản Bến Tre (ABT), Lafooco (LAF) và VFC (VFG).
Đây là nhóm doanh nghiệp đầu tiên trong cùng tập đoàn tự nguyện muốn chuyển giao dịch để giảm tải cho HoSE. Trước đó, 2 công ty chứng khoán VNDirect và BSC cũng thông báo sẽ lấy ý kiến HĐQT về việc chuyển cổ phiếu từ HoSE sang HNX giao dịch tạm thời theo lời kêu gọi của ngành chứng khoán.
Sau khi Mỹ ban hành luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng, giá vàng diễn...
Nguồn: [Link nguồn]