Coi chừng “sập tiệm” khi đầu tư tiền ảo

Sự kiện: Tiền điện tử

Không còn làm mưa làm gió như cách đây vài năm, song đồng tiền kỹ thuật số- tiền ảo vẫn là kênh đầu tư mà nhiều người “dòm ngó”, đặc biệt là khi đồng libra sắp sửa được lưu hành rộng rãi. Rất nhiều cảnh báo rủi ro dành cho những nhà đầu tư trên thị trường này.

Mất trắng vì đổ tiền thật vào tiền ảo

Năm 2019, thị trường tiền ảo vẫn có những đợt sóng nhẹ, nên số liệu tổng kết cho thấy, một số đồng tiền ảo vẫn giúp nhiều nhà đầu tư sinh lời, dù thực tế, có hơn 90% đồng tiền ảo còn lại đỏ sàn, thậm chí biến mất không còn dấu vết.

Thông tin đáng chú ý trên thị trường tiền ảo là tháng 6 vừa qua, Facebook đã công bố kế hoạch phát hành tiền số libra vào năm 2020, với sự hậu thuẫn của một rổ tiền tệ giúp đồng tiền này có giá trị thực tế cao hơn so với bitcoin hay các đồng tiền ảo khác. Khá nhiều người háo hức chờ đón sự ra đời của libra, nhưng cũng không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về đồng tiền này.

Chị Lê - một nhà đầu tư “tay mơ” chia sẻ bài học đau thương của mình khi xông vào tiền ảo: “Năm 2016, thời kỳ đỉnh cao của bitcoin, thấy giá trị đồng tiền ảo “phi ầm ầm”, bao nhiêu người bỗng chốc trở thành tỷ phú đã khiến vợ chồng tôi sốt ruột bán vội mảnh đất để lấy tiền mua bitcoin. Thời điểm tôi mua vào, giá đang ở mốc 17.000 USD/bitcoin. Chỉ vài tuần sau, giá đã tăng lên gần 20.000 USD.

Có bao nhiêu tiền trong nhà, tôi dốc hết vào canh bạc lớn này. Thế rồi, giá đồng tiền ảo đột ngột đảo chiều, rơi tuột một mạch không dừng lại cho tới mốc… 5.000 USD. Toàn bộ tiền của tôi mất giá tới hơn 70%. Đáng nói hơn, bán cũng không ai mua, nên cho đến giờ, vốn của tôi vẫn “ngâm” trong tiền ảo, và phải trả thêm các chi phí như phí lưu giữ trong tài khoản, phí giao dịch...” - chị Lê than thở.

Chị Lê là một ví dụ trong hàng nghìn người lỡ “bắt con dao rơi” khi tham gia thị trường tiền ảo. Thế nhưng, rủi ro về giá chỉ là một trong những rủi ro mà những người tham gia phải đối mặt. Đặc biệt, ở Việt Nam hiện nay, rất phổ biến hình thức đầu tư tiền ảo theo kiểu ủy thác đầu tư hoặc đa cấp.

Thế nhưng theo các chuyên gia tài chính công nghệ, hoạt động này không chỉ trái pháp luật, mà còn tiềm ẩn 99% khả năng là lừa đảo, 1% còn lại mang về cho nhà đầu tư cơ hội 50-50: 50% có thể lãi to, song 50% là mất trắng. Trong trường hợp bị mất tiền, nhà đầu tư cũng không thể nhờ pháp luật bảo vệ, bởi đây là hoạt động kinh doanh trái phép.

Tiền ảo tiềm ẩn nguy cơ bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền.

Tiền ảo tiềm ẩn nguy cơ bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền.

Nhiều rủi ro vây bủa

Phân tích về cơ hội đầu tư tiền ảo, chuyên gia tài chính Hoàng Thế Thỏa cho rằng Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ khai thác tiền ảo, nên hầu hết các doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh tiền ảo đều sẽ bị thất bại. Thị trường Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều trường hợp máy tính, điện thoại bị nhà sản xuất cài mã độc để theo dõi hoặc đánh cắp dữ liệu.

Với những người mở tài khoản để mua bán, tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn. Những người tham gia kinh doanh tiền ảo luôn luôn phải đối mặt với rủi ro vì không một ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.

Cùng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ và Đầu tư (Bộ Công an) cho biết: Các hoạt động giao dịch, thanh toán tiền ảo trên mạng Internet, không thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, không được kiểm soát sẽ làm mất dần vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường tiền tệ và hoạt động thanh toán của NHNN, ảnh hưởng đến việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và NHNN.

Bên cạnh đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với công tác đảm bảo an ninh tiền tệ như: Giao dịch bằng tiền điện tử có tính “ẩn danh” cao có thể trở thành công cụ để tội phạm lợi dụng che giấu hành vi phạm tội hoặc rửa tiền; đối tượng khủng bố và các loại tội phạm có thể lợi dụng để chuyển tiền tài trợ cho các hoạt động chống đối ở trong nước và nước ngoài; người tham gia hoạt động giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không những không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách về pháp lý khi giao dịch với tội phạm mà chính họ không biết.

Và mới đây nhất, bà Lael Brainard- ủy viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã lên tiếng cảnh báo những rủi ro về tiền ảo khi đồng tiền số libra của Facebook được lưu hành rộng rãi. Bà Brainard cho rằng các đồng tiền điện tử vốn ẩn chứa nhiều rủi ro đối với hệ thống tài chính và những rủi ro này có nguy cơ gia tăng khi những đồng tiền số “stablecoin” như libra, được các loại tiền tệ từ USD tới euro và các tài sản khác hậu thuẫn để chống lại sự biến động mạnh và thiếu ổn định về giá trên thị trường tiền điện tử.

Theo bà Brainard, các vụ "hỏi thăm" sàn giao dịch tiền điện tử là một nguồn thu đáng kể của tội phạm mạng. Con số thiệt hại do các vụ lừa đảo và ăn cắp tiền điện tử tăng mạnh. Bà Brainard cho rằng nếu không có những biện pháp đảm bảo cần thiết, các mạng lưới “stablecoin” ở cấp độ toàn cầu có thể gây rủi ro cho người dùng. Bởi vậy, mọi mạng lưới thanh toán toàn cầu trước khi triển khai nên đáp ứng những tiêu chuẩn pháp lý nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng.

Bên cạnh đó, các nhà phát hành tiền điện tử vẫn cần phải giải quyết những thách thức, trong đó có nguy cơ lừa đảo và sử dụng vào các hoạt động như rửa tiền.

Nguồn: [Link nguồn]

Sức ép với tiền ảo của Facebook gia tăng

Tiền ảo Libra của Facebook không được phát hành cho đến khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này chứng minh được nó an...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà An ([Tên nguồn])
Tiền điện tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN