Cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch đến bao giờ?
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn FLC nhưng đồng thời quyết định đưa cổ phiếu này vào diện đình chỉ giao dịch.
Tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết hôm 24-2, đơn vị này đã chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn FLC trên sàn UPCoM, nhưng đồng thời quyết định đưa cổ phiếu này vào diện bị đình chỉ giao dịch.
Nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn việc chấp thuận cho đăng ký giao dịch một cổ phiếu lên sàn UPCoM nhưng lại đình chỉ giao dịch thì tác động của nó như thế nào, cơ sở pháp lý ra sao, và liệu khi nào cổ phiếu ấy được giao dịch trở lại?
FLC cùng ROS là hai cổ phiếu trong hệ sinh thái của ông Trịnh Văn Quyết.
Quy định của pháp luật...
Chiếu theo Điều 49 Luật Chứng khoán thì Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có quyền quyết định tạm ngừng, đình chỉ giao dịch nếu thấy có sự bất thường về giá, khối lượng giao dịch hoặc cổ phiếu đã bị cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch mà không có biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, nếu trường hợp xét thấy cần thiết, Sở GDCK Việt Nam cũng có thể quyết định tạm ngừng hoặc đình chỉ giao dịch đối với một cổ phiếu.
Trong Quy chế Đăng ký và quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết do Sở GDCK Việt Nam ban hành, có 8 trường hợp cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch như công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin; giả mạo hồ sơ đăng ký giao dịch; một số trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc; thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm như thông tin sai, che giấu thông tin, sử dụng thông tin nội gián, thao túng giá chứng khoán...
Cũng theo Quy chế, nếu công ty phát hành trình được các các tài liệu chứng minh đã hoàn toàn khắc phục nguyên nhân dẫn đến bị đình chỉ giao dịch thì sau năm ngày làm việc, Sở GDCK sẽ quyết định việc đưa cổ phiếu ra khỏi diện đình chỉ giao dịch hoặc chuyển trạng thái cổ phiếu theo đề nghị của công ty phát hành.
Trường hợp cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán thì cần thêm ý kiến của Ủy ban Chứng khoán về việc đưa cổ phiếu ra khỏi diện đình chỉ giao dịch.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) là thành viên của Sở GDCK Việt Nam và việc các cơ quan này ra các quyết định với cổ phiếu FLC là theo thẩm quyền trên.
... và lợi ích nhìn từ quyết định HNX
Trở lại với FLC, theo thông báo của HSX, cổ phiếu này bị hủy niêm yết bắt buộc thuộc trường hợp "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, hoặc là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do Sở GDCK hoặc Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy bỏ niêm yết nhằm đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư".
Một chuyên gia pháp chế trong lĩnh vực chứng khoán nhận xét pháp luật cũng như quyết định của cơ quan quản lý nhà nước suy cho cùng là để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển bền vững.
"Đối với quy định "xét thấy cần thiết'' thì việc xác định thế nào là cần thiết hoàn toàn tùy thuộc vào cơ quan quản lý. Trong trường hợp FLC, có thể cơ quan quản lý cho rằng việc đình chỉ giao dịch là cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư bởi doanh nghiệp này đang liên quan đến vụ án hình sự" – chuyên gia này nói.
Thời điểm cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trước hết phụ thuộc vào nỗ lực khắc phục những vấn đề tồn tại trong doanh nghiệp. Cho đến nay, FLC chưa thể công bố báo cáo tài chính soát xét năm 2021 cũng như các báo cáo tài chính năm 2022.
Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, FLC cho biết nguyên nhân là do không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán đồng ý kiểm toán cho FLC.
“Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 20-9-2022, FLC đã chính thức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY'' - văn bản của Công ty CP Tập đoàn FLC cho biết.
Ai là bị hại?
Từ tháng 3-2022, khi ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bị tạm giam để điều tra các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FLC liên tục lao dốc, nhiều thành viên ban lãnh đạo cũng bị điều tra. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này như đang ngồi trên lửa bởi giá cổ phiếu rớt thảm.
Từ đó đến nay, cổ phiếu FLC và các cổ phiếu khác thuộc hệ sinh thái của ông Quyết lần lượt bị cảnh báo, kiểm soát giao dịch, hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch, thậm chí hủy niêm yết bắt buộc.
Vào tháng 6-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra thông báo tìm bị hại là các nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC trong giai đoạn từ ngày 23-9-2020 đến ngày 10-1-2022. Cho đến nay vẫn chưa rõ kết quả bóc tách về mặt tố tụng, để xem trong số hơn 64.700 cổ đông ở thời điểm hủy niêm yết, 20-2-2023, thì bao nhiêu là bị hại trong vụ án gây nhiều chú ý này.
Nguồn: [Link nguồn]
Một người đàn ông đảm nhiệm vị trí đánh giá kết quả tìm kiếm tại Google nói với LA Times rằng anh ta có mức lương còn thấp hơn cả người con gái làm công việc bán đồ...