Chán “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc đâm đơn kiện Mỹ lên WTO
Trung Quốc đã gửi đơn khiếu nại chống lại Hoa Kỳ tới Tổ chức Thương mại Thế giới về vấn đề thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong ngày 2/9 vừa qua.
Trong diễn biến mới nhất của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Hoa Kỳ bắt đầu áp thuế 15% đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1/9. Để trả đũa, Trung Quốc bắt đầu áp mức thuế mới đối với dầu thô của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ kiện Hoa Kỳ tới Tổ chức thương mại thế giới. Trung Quốc không công bố chi tiết về vụ kiện pháp lý của mình nhưng cho biết thuế quan của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến 300 tỷ đô la xuất khẩu của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ kiện Hoa Kỳ tới Tổ chức thương mại thế giới (Nguồn: Reuters)
Các động thái thuế quan mới nhất đã vi phạm sự đồng thuận đạt được của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ trong một cuộc họp tại Osaka, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết. “Trung Quốc sẽ bảo vệ các quyền hợp pháp của mình theo các quy định của WTO”.
Vụ kiện này đánh dấu lần thứ ba Trung Quốc có động thái thách thức pháp lý ở WTO đối với thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa nước này.
Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng họ đang trừng phạt Trung Quốc vì tội trộm cắp tài sản trí tuệ - một vấn đề không nằm trong phạm vi các quy định của WTO như thuế quan. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thương mại nói rằng bất kỳ việc tăng thuế quan nào vượt mức cho phép cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của định chế này.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại đối với quyết định của Trung Quốc khi “dùng lửa để chữa cháy”, bằng cách áp thuế đối với hàng hóa của Hoa Kỳ nhập khẩu vào Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của WTO.
Trong ngày 31/8, Hoa Kỳ đã có văn bản khẳng định lập trường của mình trong vụ kiện đầu tiên của Trung Quốc nhằm vào thuế quan Hoa Kỳ. Trong đó, Washington khẳng định Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí rằng vấn đề thuế quan giữa hai nước sẽ không đưa ra WTO.
“Trung Quốc đã đưa ra quyết định đơn phương khi áp dụng các biện pháp chính sách công nghiệp nhằm đánh cắp hoặc mua lại một cách không công bằng công nghệ của đối tác thương mại. Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp thuế quan để cố gắng loại bỏ các chính sách chuyển giao công nghệ không công bằng của Trung Quốc”, theo văn bản của phía Hoa Kỳ.
Mỹ cũng cho rằng các hành động của họ nằm ngoài phạm vi quy tắc WTO vì đó là “những biện pháp cần thiết để bảo vệ đạo đức xã hội”. Bản đệ trình của Hoa Kỳ cũng cho biết các hành động của họ đã được miễn trừ khỏi các quy định của WTO vì chúng là các biện pháp cần thiết để bảo vệ đạo đức công cộng - một điều khoản được sử dụng trong quá khứ để tranh luận về các hạn chế thương mại đối với hoạt động cờ bạc, quyền động vật và phát thanh công cộng.
Theo quy định của WTO, Mỹ có 60 ngày để tìm cách giải quyết tranh chấp mới nhất. Sau đó, Trung Quốc có thể đề nghị WTO đứng ra phân xử - một quy trình có thể kéo dài nhiều năm. Nếu WTO đi đến kết luận Mỹ phá vỡ quy tắc, thì Trung Quốc có thể được WTO cho phép thực thi biện pháp trừng phạt thương mại đối với Mỹ.
Các mẫu xe điện Tesla sẽ không phải chịu thuế bán lẻ tiêu dùng 10% tại Trung Quốc. Đây được xem là bước nhượng bộ...