Cảnh báo ứng dụng vay tiền trực tuyến "biến tướng" sang tín dụng "đen"
Bộ Công an đưa ra cảnh báo, nhiều app vay tiền hiện nay ở Việt Nam đã có dấu hiệu "biến tướng" sang tín dụng đen, gây bất an cho xã hội.
Lợi dụng tính nhanh gọn của Internet, nhiều app vay tiền cho vay với lãi suất "cắt cổ". Ảnh minh họa: VietNamNet
Thời gian gần đây, tình trạng vay tiền qua app trên mạng diễn ra rất phổ biến. Các tổ chức, cá nhân cho vay tiền đã lợi dụng tính nhanh, gọn của Internet để lừa người dân vay tiền lúc khó khăn với lãi suất lên tới hơn 300%, thậm chí có người vay phải trả lãi lên tới 1000%.
Nạn nhân của các app cho vay nặng lãi này cũng đã lên đến hàng ngàn đối tượng. Trong đó, nhiều người bị các app này truy bức vì chậm trả nợ, bị bôi xấu trên Internet, bị đe dọa và người thân bị quấy nhiễu…
Trước thực trạng này, lực lượng Công an đã vào cuộc quyết liệt, phát hiện và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi qua app.
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử bộ Công an, ứng dụng vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh.
Việc vay và cho vay tiền qua app rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính như: tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân.
Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Do đó, khi vay tiền qua app, để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…
Bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay, xuất hiện app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app.
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị xử lý như sau:
Tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.
Số tiền vay là vật chứng của vụ án, người vay phải trả lại số tiền đã vay của app vào tài khoản cho vay với lãi suất không vượt quá 20% lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Quá trình giải quyết vụ án, căn cứ trên kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, Tòa án sẽ xét xử theo luật định.
Sáng nay, tại các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), cảnh mua bán vàng rất nhộn nhịp. Đa phần, những người...
Nguồn: [Link nguồn]