Cạm bẫy vay tiêu dùng lãi suất "cắt cổ" - "Chặt đẹp" người vay
Sau khi ký hợp đồng vay vốn, người vay mới biết lãi suất cho vay quá cao, bị ép buộc mua bảo hiểm...
Công ty tài chính hay công ty cho vay tiêu dùng thường xuyên bị nhiều người tiêu dùng khiếu nại về việc mập mờ trong hoạt động cho vay, lãi suất; đòi nợ kiểu đe dọa, quấy rối, ép buộc khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Phóng viên Báo Người Lao Động trực tiếp vay tiền từ các công ty tài chính để tìm hiểu rõ hơn về những phản ánh này.
Tư vấn mập mờ
Tại một siêu thị Nguyễn Kim ở TP HCM, chúng tôi ghi nhận 3 công ty tài chính bố trí nhân viên tư vấn cho người dân vay tiền mặt, vay tiền mua hàng trả góp. Tiếp cận nhân viên Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit), chúng tôi đề nghị vay tiền mặt 15 triệu đồng, thời hạn 12 tháng. Người này thông báo bên vay trả góp vốn và lãi 1.741.000 đồng/tháng.
Biết chúng tôi quan tâm đến lãi suất, nhân viên Home Credit ngập ngừng nói khách hàng chỉ cần biết số tiền phải trả hằng tháng, còn lãi suất cho vay sẽ biết khi ký hợp đồng vay vốn.
Do nhân viên Home Credit không tiết lộ lãi suất cho vay nên chúng tôi lấy số tiền trả góp hằng tháng là 1.741.000 x 12 tháng = 20.892.000 đồng rồi trừ cho số tiền dự định vay 15 triệu đồng, có được số tiền lãi là 5.892.000 đồng, tính ra lãi suất vay 39,28%/năm.
Nhận thấy mức lãi suất này ngang ngửa với công ty tài chính khác nên chúng tôi quyết định vay 15 triệu đồng. Lập tức, nhân viên Home Credit gửi đường link vaytienmat.homecredit.vn và hướng dẫn chúng tôi dùng điện thoại di động để đăng ký khoản vay. "Sau khi Home Credit gửi tin nhắn thông báo đồng ý cho vay, anh đến gặp tôi để làm thêm một số thủ tục rồi ký hợp đồng vay vốn" - nhân viên Home Credit căn dặn.
Để tránh những rắc rối phát sinh mà nhiều người vay khác từng gặp phải, chúng tôi đã hỏi rất nhiều nội dung để nhân viên Home Credit tư vấn, như: người vay có đóng phí hay bảo hiểm gì cho khoản vay không? Trường hợp không trả được nợ liệu có bị khủng bố bằng điện thoại? Công ty có bán nợ cho tổ chức khác? Có được trả nợ trước hạn không?...
Tuy nhiên, người này trả lời rất đơn giản: "Phí bảo hiểm đã nằm trong số tiền trả góp hằng tháng, còn tiền phạt trả nợ trước hạn là 10% số tiền vay. Tụi em không tiết lộ các biện pháp xử lý khi người vay không trả được nợ. Còn việc bán khoản nợ của khách hàng cho đơn vị khác thì công ty tài chính nào cũng làm như vậy".
Truy cập vào vaytienmat.homecredit.vn, chúng tôi đăng ký vay 15 triệu đồng trong vòng 12 tháng. Hệ thống của Home Credit yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã xác thực OTP; đồng thời chấp nhận cho Home Credit thu thập, sử dụng thông tin trên điện thoại. Đặc biệt, Home Credit còn gợi ý chúng tôi mua bảo hiểm với mức phí 1.082.000 đồng, nếu không các bước đăng ký tiếp theo sẽ không thực hiện được.
Sau khi điền đầy đủ thông tin cá nhân, chụp ảnh chân dung, CMND, giấy phép lái xe…. Khoảng 15 phút sau, Home Credit thông báo "đồng ý cho vay".
Dù mọi thủ tục vay vốn đều thực hiện online nhưng nhân viên Home Credit vẫn yêu cầu chúng tôi xuất trình CMND, giấy phép lái xe để kiểm tra, rồi bật điện thoại của mình bổ sung thêm một số thông tin; đồng thời đề nghị chúng tôi thực hiện 2 chữ ký trên màn hình điện thoại nhưng không cho biết ký để làm gì.
Quầy tư vấn của một công ty tài chính đặt tại trung tâm mua sắm ở TP HCM
Lãi vay cao, trừ tiền bảo hiểm quá nhiều
Sau đó, nhân viên Home Credit tiếp tục yêu cầu chúng tôi tải app Home Credit về điện thoại để xem hồ sơ vay. Theo đó, ứng dụng thể hiện hợp đồng tín dụng ghi số tiền vay là 16.082.000 đồng, lãi suất 49,68%/năm, tổng số tiền thanh toán gồm vốn và lãi 20.881.000 đồng. Bên vay chỉ được trả nợ trước hạn sau khi trả góp được 4 tháng, đồng ý cho Home Credit được toàn quyền bán nợ cho công ty mua bán nợ. Trong trường hợp bán nợ, nếu bên vay không đồng ý thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày Home Credit thông báo bán nợ, người vay phải thanh toán hết số nợ, nếu không bên cho vay sẽ bán khoản nợ đó…
Riêng đơn đề nghị vay vốn đã được Home Credit cài đặt nội dung: Số tiền đề nghị vay là 16.082.000 đồng gồm: phí bảo hiểm 1.082.000 đồng và số tiền giải ngân cho người vay 15 triệu đồng; đồng thời bên vay đồng ý cho Home Credit chia sẻ thông tin cá nhân và các thông tin của khoản vay cho bên thứ 3…
Chúng tôi tỏ ra băn khoăn về số tiền đề nghị vay, nhân viên Home Credit giải thích số tiền này bao gồm tiền giải ngân 15 triệu đồng và tiền phí bảo hiểm 1.082.000 đồng. Riêng tiền phí bảo hiểm, công ty đã thay thế khách hàng thanh toán cho bên bán. Khi khách hàng gặp rủi ro về sức khỏe, tính mạng, công ty bảo hiểm sẽ thay thế người vay trả nợ cho Home Credit.
Cụ thể, chúng tôi lấy tổng số vốn và lãi phải trả là 20.881.000 đồng trừ cho số tiền vay 16.082.000 đồng, tính ra chi phí vay vốn chỉ 4.799.000 đồng. Còn khi lấy tổng số vốn và lãi 20.881.000 đồng trừ cho số tiền thực nhận 15 triệu đồng thì chi phí vay bị đội lên 5.881.000 đồng. Đây là một bất hợp lý vì với số tiền thực nhận, người vay phải tăng thêm chi phí vay vốn (lãi suất + phí bảo hiểm) cao hơn rất nhiều so với số tiền vay.
Đến một cửa hàng của Thế giới Di động, chúng tôi ngỏ ý với nhân viên Công ty Tài chính HD SAISON vay 10 triệu đồng để mua máy tính trả góp. Người này thông báo lãi suất cho vay 26,4%/năm tính theo dư nợ ban đầu. Với khoản vay 10 triệu đồng, thời hạn 12 tháng, khách hàng có thể thanh toán trước 2 triệu đồng, hằng tháng trả góp 888.000 đồng bao gồm vốn gốc, lãi suất, phí bảo hiểm, phí dịch vụ; trong đó tiền lãi là 220.000 đồng.
Như vậy, chúng tôi chỉ thực vay 8 triệu đồng nhưng trên thực tế phải chi trả lãi suất cho 10 triệu đồng. Cứ thế, sau 12 tháng trả góp, chúng tôi phải trả tổng cộng 10.656.000 đồng + 2 triệu đồng (đã trả trước) = 12.656.000 đồng. Với số tiền này, chúng tôi trừ cho số tiền thực vay 8 triệu đồng có được số tiền lãi là 4.656.000 đồng, rồi chia cho 10 triệu đồng x 100 = lãi suất cho vay 46,56%/năm, cao hơn rất nhiều mức lãi suất mà nhân viên của HD SAISON thông báo ban đầu.
Tình trạng này rất nhiều khách hàng vay tiền các công ty tài chính gặp phải. Ông Lê Bá Hiến (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) trực tiếp ký hợp đồng vay tiêu dùng với Công ty Tài chính Prudential (hiện nay, Công ty Tài chính Shinhan đã mua Công ty Tài chính Prudential) với lãi suất 37,5%/năm nhưng khi tìm hiểu kỹ ông Hiến mới biết lãi suất cao hơn rất nhiều.
Cụ thể, trước đây ông Hiến vay 100 triệu đồng, thời hạn vay 4 năm. Công ty Tài chính Prudential "vận động" ông Hiến mua bảo hiểm 3.736.000 đồng. Sau khi bên cho vay khấu trừ số tiền này, ông Hiến thực nhận 96.264.000 đồng nhưng phải trả lãi suất cho số tiền 100 triệu đồng.
TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) đánh giá công ty tài chính cho vay với cách tính lãi suất theo dư nợ ban đầu hoặc tính theo dư nợ giảm dần với lãi suất từ 37% - 49%/năm, cộng với phí bảo hiểm như thế là quá "cắt cổ". Khách hàng phải gồng gánh chi phí quá lớn, có thể dẫn đến nguy cơ không trả được nợ. "Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19. Thời điểm này, người vay chưa trả được nợ có thể làm đơn gửi Ngân hàng Nhà nước, các công ty đề nghị giảm lãi suất, gia hạn nợ hoặc khoanh nợ" - ông Thuận gợi ý.
Lén lút thu thập thông tin? Đề cập việc người vay đồng ý cho bên cho vay thu thập thông tin cá nhân và thông tin của người thân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - ông Võ Đỗ Thắng - cho biết về nguyên tắc, bên cho vay phải giải thích mục đích thu thập thông tin là để phục vụ giao dịch và chỉ được quyền yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cơ bản như số CMND, danh tính, địa chỉ thường trú, số điện thoại.... "Tuy vậy, thực tế thông qua cài đặt các ứng dụng, bên cho vay thu thập cả thông tin, dữ liệu của người thân để giám sát, khống chế người vay khi họ chậm hoặc không trả được nợ" - ông Thắng nói . Theo ông Thắng, hiện nay người vay còn thường rơi vào tình thế cho phép các app cho vay chuyển giao thông tin của mình và thông tin của người thân cho bên thứ 3. Trong khi đó, pháp luật quy định khi thu thập thông tin của người vay, app cho vay phải thông báo cho cơ quan quản lý biết nhưng thực tế không có chủ app nào tuân thủ quy định này. Riêng công ty tài chính muốn thu thập thông tin của người vay và các thông tin liên quan phải được Ngân hàng Nhà nước thẩm định các loại thông tin đó, có bảo đảm đúng các quy định về an toàn bảo mật, chống xâm hại người khác… "Chắc chắn Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận cho công ty tài chính thu thập, lưu trữ toàn bộ thông tin người thân, bạn bè, đồng nghiệp… của người vay. Vì thế, khi khách hàng có nhu cầu vay tiền hoặc đã đăng ký vay thành công qua website, bên cho vay luôn yêu cầu người vay cài đặt app vào điện thoại và trong app này đã cài đặt sẵn một phần mềm lén lút thu thập dữ liệu của người vay" - ông Thắng nhận định. |
Thông qua các giao dịch online, né tránh quy định của pháp luật..., bên cho vay đã bẫy người vay dính chi phí vay vốn (tạm...
Nguồn: [Link nguồn]