Cách sinh viên nghèo “lên đời” sắm được điện thoại và xe tay ga
Trong suy nghĩ nhiều người, cuộc sống sinh viên thường gắn liền với hình ảnh thiếu thốn, thậm chí ăn mì tôm mỗi cuối tháng. Thế nhưng, sinh viên ngày nay đã hoàn toàn tự mình mua xe máy mới hay “lên đời” điện thoại mà không cần xin cha mẹ.
Sinh viên năm 2 tự tậu xe Vision gần 40 triệu
Cô bạn Minh Hiền (sinh viên năm 3, Đại học Thương Mại) tiết lộ rằng ngay từ năm 2 đại học cô đã tự mua được xe máy. “Chiếc xe Vision mình mua có giá khoảng 40 triệu. Lúc đó bố mẹ mình rất bất ngờ, không hiểu sao sinh viên làm gì mà mua được xe máy”, Hiền chia sẻ.
Để tiết kiệm được số tiền “siêu to khổng lồ” đó, cô bạn đã mất gần 1 năm chăm chỉ đi làm thêm. Sau khoảng 2 tháng làm quen với môi trường Hà Nội, Hiền đã bắt đầu đi tìm kiếm việc làm thêm để vừa có thêm trải nghiệm, vừa tăng thu nhập.
“Mức lương làm thêm cho quán café mình làm là 18.000VNĐ/ giờ, mỗi ngày mình làm 1 ca 6 tiếng. Trung bình mỗi tháng mình có khoảng hơn 3 triệu đồng”, Hiền cho biết.
Số tiền kiếm được từ việc làm thêm được Minh Hiền tiết kiệm gần như hết bởi cô nàng vẫn được cha mẹ chu cấp thêm. “Mình đã phải vượt qua rất nhiều sự cám dỗ từ những bộ váy áo hay các chuyến du lịch. Mình đã đặt quyết tâm từ đầu rồi nên sẽ thật kiên trì để thực hiện nó”, cô bạn nói.
Ảnh minh họa
“Lên đời” điện thoại trước sự trầm trồ của bạn bè
Cậu bạn Minh Tú (sinh viên năm 2, Đại học Công nghiệp) hào hứng khoe chiếc điện thoại Iphone 13 vừa mới “tậu” được. Đây là thành quả của rất nhiều ngày nỗ lực làm tài xế công nghệ của chàng trai này.
Chiếc điện thoại không chỉ là tài sản lớn nhất của cậu bạn mà còn mang đến rất nhiều ý nghĩa: “Mình đã phải tích cóp rất lâu thì mới có thể mua được. Đây cũng là phần thưởng cho sự cố gắng của mình và là động lực để mình chăm chỉ hơn”.
Khi biết Tú mua được điện thoại, nhiều bạn bè tỏ ra rất trầm trồ, cho rằng cậu bạn này là “rich kid” chính hiệu. Thế nhưng, gia đình Tú chỉ chu cấp cho cậu bạn khoảng 3 triệu đồng/ tháng đủ để trả tiền nhà và ăn tiêu, số tiền mua điện thoại được tích cóp trong suốt 1 năm đi làm thêm.
Nhớ lại những ngày vất vả chạy xe giữa thời tiết giá rét, cậu bạn càng cảm thấy trân trọng những đồng tiền và thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của cha mẹ. “Có đi làm mới biết kiếm được đồng tiền khó khăn đến nhường nào. Vì thế mình trân quý những đồng tiền dù là nhỏ nhất và cố gắng chi tiêu một cách tiết kiệm và hợp lý nhất”, Tú chia sẻ.
“Tích tiểu thành đại”
Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu nói “tích tiểu thành đại”, điều này muốn ám chỉ việc tích cóp từ điều nhỏ bé để tạo nên những thứ phi thường, lớn lao. Việc tiết kiệm tiền cũng vậy, mỗi ngày tích cóp một chút thì lâu dần sẽ trở thành số tiền lớn hơn.
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, việc rèn luyện cho mình thói quen tiết kiệm có ý nghĩa “sống còn” đối với tương lai. Một người biết tiết kiệm sẽ có cho mình nhiều thành quả hơn những kẻ “làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu”.
Để có thể học được cách tiết kiệm, mỗi người cần phải tự rèn luyện rất nhiều, từ sự kiên trì, kiên định, tinh thần tự giác đến thái độ chăm chỉ trong suốt một khoảng thời gian dài. Thế nhưng, khi vượt qua rồi thì mỗi người sẽ trở nên thật tự tin, bản lĩnh và cực kỳ trưởng thành.
Với những khoản tiền tiết kiệm được, các bạn sẽ hoàn toàn thực hiện được những mục tiêu của mình mà không phải nhờ cậy người khác. Điều này sẽ giúp bạn tự vượt qua mọi khó khăn để vươn lên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau mỗi mùa vụ, có những người trong tổ đội cấy thuê thu nhập hàng chục triệu đồng.