Bức xúc vì không vay nhưng bị đe dọa phải trả nợ
Trong tám tháng đầu năm, ngành hàng bị khiếu nại nhiều nhất là nhóm tài chính, bảo hiểm, ngân hàng chiếm 40,37%.
Thông tin từ Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho hay trong 8 tháng đầu năm, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng có hơn 6.600 cuộc gọi đến; tiếp nhận 375 vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng (NTD). Tính đến 31-8, Cục đã hỗ trợ giải quyết thành công hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý 360/375 vụ.
Theo Cục cạnh tranh và bảo vệ NTD, hành vi về Bảo vệ thông tin của NTD chiếm tỷ lệ cao nhất với 36% trong số các nhóm hành vi bị khiếu nại. Trong đó, nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung vào việc doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin của NTD, không ghi nhận yêu cầu chỉnh sửa thông tin của NTD, dẫn tới việc tiếp tục sử dụng thông tin NTD vào các mục đích xâm phạm quyền lợi.
Nhóm hành vi có tỷ lệ khiếu nại cao thứ hai (22%) liên quan đến các nội dung về giao kết hợp đồng. Cụ thể, NTD không được tạo điều kiện để tìm hiểu và nghiên cứu nội dung hợp đồng trước khi ký; không tư vấn đầy đủ thông tin về hợp đồng trước khi ký; không gửi bản sao hợp đồng để NTD lưu trữ sau khi ký; nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn ban đầu…
Nhóm hành vi chiếm tỷ lệ cao thứ tư với 12% liên quan đến số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng. Theo đó phần lớn giao dịch của NTD được thực hiện thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc qua các trang mạng xã hội, thường việc giao hàng chậm; số lượng, chất lượng hàng không đúng như nội dung quảng cáo.
Trong tám tháng đầu năm, ngành hàng bị khiếu nại nhiều nhất là nhóm tài chính, bảo hiểm, ngân hàng chiếm 40,37%. Tiếp đến là nhóm điện thoại, viễn thông chiếm 20,65% và nhóm đồ điện tử gia dụng chiếm 9,38%.
Theo Cục cạnh tranh và bảo vệ NTD, đây là lần đầu tiên nhóm hàng tài chính, bảo hiểm, ngân hàng có tỷ lệ khiếu nại lớn hơn nhiều lần so với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại. Chủ thể liên quan trong nhóm hàng này không chỉ các ngân hàng, công ty tài chính mà đã bắt đầu xuất hiện sự liên quan của nhiều mô hình tư vấn cho vay trực tuyến (cho vay ngang hàng- P2P lending).
Cục Cạnh tranh và bảo vệ NTD nêu một số vụ điển hình trong tám tháng đầu năm 2019. Đó vụ việc liên quan đến mua hàng qua sàn TMĐT. Bên bị khiếu nại là một số sàn TMĐT.
Cụ thể NTD mua hàng trên các sàn TMĐT nhưng lúc nhận hàng lại không đúng như nội dung quảng cáo. Khi liên hệ, NTD được sàn TMĐT giải thích giao dịch này nằm ngoài hệ thống của Lazada nên không được hưởng chính sách trả hàng - hoàn tiền. NTD rất bức xúc cho biết trước đó đã có người liên hệ cung cấp đúng tên, địa chỉ, số điện thoại, sản phẩm để thông báo giao hàng.
Thực tế cho thấy vụ việc có dấu hiệu lừa đảo từ nhà bán hàng trên sàn TMĐT. Vì sau khi tiếp nhận đơn hàng, nhà bán hàng tự ý hủy đơn hàng, sau đó tự liên hệ với NTD để giao một sản phẩm khác.
Sàn TMĐT giải thích, trong những trường hợp trên, mã đơn hàng giao đến NTD không giống với mã đơn hàng trên sàn TMĐT, đơn vị vận chuyển cũng không phải đơn vị vận chuyển liên kết của sàn TMĐT.
Cục khuyến cáo NTD chỉ nhận hàng khi trạng thái đơn hàng trên trang web là “đang giao hàng”, không nhận hàng khi trạng thái đơn hàng là “đã hủy”, “đang lấy hàng”... Mã đơn hàng trên gói hàng phải khớp với mã đơn hàng trên trang web/email xác nhận đặt hàng. Khách hàng cần kiểm tra xem đơn vị vận chuyển có đúng là đơn vị được sàn TMĐT liên kết hay không; Kiểm tra xem hình ảnh vận đơn trên kiện hàng có đúng mẫu do sàn TMĐT phát hành hay không…
Vụ việc thứ hai là một số công ty tài chính, công ty cầm đồ có liên kết với công ty tư vấn dịch vụ kết nối bị khiếu nại về thu nợ nhầm kèm đe dọa, quấy rối.
Cụ thể NTD không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ dù NTD đã nhiều lần thông báo không liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp.
Một số vụ việc cho thấy đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của NTD hay người thân của NTD để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực cho NTD trả nợ.
Đặc biệt, thời gian gần đây, có một số vụ việc NTD thực hiện giao dịch tại các trang web cho vay trực tuyến, đã thanh toán xong khoản vay nhưng sau một thời gian bị nhiều đối tượng liên hệ để đe dọa, gây áp lực trả tiếp khoản vay đã trả.
Cục khuyến cáo NTD ưu tiên thực hiện giao dịch vay tại các công ty tài chính, ngân hàng đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cho vay bởi ngân hàng nhà nước. Trường hợp cần thiết khi thực hiện vay tại các mô hình cho vay trực tuyến, nên lựa chọn các công ty có website cụ thể, đầy đủ địa chỉ công ty, số điện thoại, email liên hệ…
Hiện có một số công ty dùng địa chỉ giả, địa chỉ tại nước ngoài, số điện thoại liên hệ thu cước đắt với giá 5.000 đồng/phút…nhằm gây khó khăn cho NTD trong quá trình liên hệ. Vì vậy, khi vay NTD cần lưu ý việc yêu cầu cung cấp hợp đồng để tìm hiểu trước khi ký và lưu trữ sau khi ký kết…
Miếng bánh cho vay tiêu dùng ngày càng bị chia nhỏ, chính sách tín dụng siết chặt khiến cổ đông lo ngại phân khúc này không...