Vingroup lãi hơn 1400 tỷ đồng trong quý 3

Quý 3/2020, Vingroup có lợi nhuận tăng 102%, sau khi bán 3 dự án nhà ở một cách “thần tốc”, cùng với sự tăng trưởng tại hai công ty con là VinFast và VinSmart.

Bán 2.400 căn hộ trong 3 ngày

Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu tăng nhẹ nhưng lợi nhuận tăng ấn tượng lên gấp đôi.

Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý đạt 35.914 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp (DN) đạt 3.609 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.436 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 102% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi trước thuế hợp nhất lũy kế 9 tháng của Vingroup đạt 9.730 tỷ đồng, tăng 4%.

Tại ngày 30/09/2020, tổng tài sản của tập đoàn đạt 430.011 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 124.552 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,5% và 3,3% so với cuối năm 2019.

Căn cứ những chỉ số trên bản BCTC thì có thể thấy, DN do người đàn ông giàu nhất Việt Nam – tỷ phú Phạm Nhật Vượng – sở hữu tăng trưởng mạnh là do 3 nguồn thu chủ yếu: Bất động sản (BĐS), xe hơi và điện thoại thông minh.

Theo đó, doanh thu bán BĐS trong quý 3 đạt 25.958 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp việc bị giảm 15% doanh thu cho thuê BĐS do các gói hỗ trợ giảm tiền thuê cho khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19, nguồn thu nói chung từ BĐS vẫn tăng trưởng 31%.

Kết quả nói trên phản ánh giai đoạn bàn giao của 3 đại dự án do công ty con của Vingroup - là Vinhomes – triển khai. Đáng lưu ý, Vinhomes đã bán được 2.400 căn hộ thuộc phân khu The Origami trong đại dự án nhà ở Vinhomes Grand Park tại TP.HCM chỉ trong vòng 3 ngày. Đây là một kỷ lục về hoạt động bán căn hộ mới tại TP.HCM, nơi được coi là trung tâm tài chính của cả nước.

Vinhomes Grand Park có tổng diện tích 271 ha, sở hữu đại công viên 36 ha với 15 công viên chủ đề 

Vinhomes Grand Park có tổng diện tích 271 ha, sở hữu đại công viên 36 ha với 15 công viên chủ đề 

Ralf Matthaes - người sáng lập công ty tư vấn Infocus Mekong Research tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết: “Mảng bất động sản của Vingroup đang hoạt động tốt. Họ có những bất động sản giá rẻ, siêu rẻ và đang bán với giá siêu cao cấp”. Đồng thời, vị chuyên gia tư vấn nhận định, toàn bộ tập đoàn đã trở thành một “thương hiệu thống trị” tại Việt Nam trong cả thập kỷ qua.

Doanh thu từ hoạt động sản xuất của VinFast, Vinsmart trong kỳ đạt 4.768 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty VinFast – DN sản xuất xe hơi của Vingroup - đã đạt kỷ lục tháng khi bán được tới 3.600 xe vào tháng 9/2020. Ngay cả mẫu SUV President mới ra đời cũng đã bán được 100 chiếc trong cùng tháng, thông cáo của tập đoàn cho biết.

Chuyên gia Ralf Matthaes cho biết ô tô của VinFast đã bán được nhiều hơn cả một số hãng xe nhập khẩu; đồng thời thông tin rằng, hiện hãng này đang chuẩn bị cho ra đời một mẫu xe hạng sang có tên là VinFast President.

Xe ô tô VinFast hiện bán chạy hơn một số dòng xe nhập ngoại

Xe ô tô VinFast hiện bán chạy hơn một số dòng xe nhập ngoại

Ở mảng điện thoại, VinSmart  giới thiệu 3 mẫu điện thoại thông minh mới cho người tiêu dùng nội địa trong quý 3, trong đó mẫu Vsmart Live 4 đã bán được 14.000 chiếc chỉ sau 10 ngày đầu tiên ra mắt.

Hiện điện thoại Vsmart chiếm 16,7% thị phần nội địa ở Việt Nam, đứng ở vị trí thứ Ba, sau Samsung và Oppo. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng mới đây VinSmart cũng đã công bố điện thoại thông minh 5G.

Theo đánh giá của tác giả Ralph Jennings trên tờ tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới – Forbes, tình hình tài chính của Vingroup được cho là phản ánh chiều hướng lạc quan hơn của nền kinh tế Việt Nam, so với kỳ vọng trước đó về mức tăng trưởng nhẹ trong năm nay và tăng 6,5% vào năm 2021, bất chấp những tác động của dịch Covid-19 khắp toàn cầu.

Vẫn tăng trưởng dù bán Vinmart và đóng cửa Vinpearl nhiều ngày

Vào tháng 12/2019, hai mảng kinh doanh của Vingroup đã hợp nhất với tập đoàn bán lẻ “khổng lồ” của Việt Nam là Masan Consumer Holding, do tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang sở hữu.

Thông qua thương vụ này, Vingroup trao cho Masan quyền kiểm soát 2.600 cửa hàng VinMart và VinMart +, để có thêm nguồn lực sản xuất xe có động cơ (xe hơi, xe máy điện – PV) và điện thoại thông minh, người phát ngôn của tập đoàn tiết lộ với Forbes.

Động thái rút khỏi mảng bán lẻ đã khiến cho doanh thu thuần nửa đầu năm 2020 của Vingroup giảm tới 37%.

Mặt khác, những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh Covid-19 đã tấn công các DN Việt Nam chủ yếu vào quý 2/2020 và tiếp tục ảnh hưởng đến quý 3/2020. Bao gồm cả tháng 4/2020 ngừng hoạt động, việc đóng cửa biên giới để kiểm soát người nhiễm bệnh từ nguồn nhập cảnh, việc ngừng kinh doanh ở 4 tỉnh thành miền Trung (tạm đóng cửa hệ thống Vinpearl nhiều tháng) sau khi Covid-19 tăng đột biến ở Đà Nẵng, Quảng Nam vào tháng 7/2020...

Doanh thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí của Vingroup trong quý 3/2020 đạt 1.206 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước. Tuy giảm mạnh so với quý 3/2019 song đã có sự cải thiện rõ rệt so với quý 2/2020 (tăng 50%), nhờ phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng mạnh

Trên thị trường chứng khoán, xu hướng tăng giá của cổ phiếu VIC đã kéo dài suốt từ đầu tháng 10 đến nay. Thống kê trong 18 phiên giao dịch của tháng 10, VIC tăng giá 14/18 phiên, tương ứng mức tăng gần 15%. Đây là mức giá cao nhất của mã này kể từ tháng 3 tới nay.

Cổ phiếu VIC tăng mạnh đã kéo tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vượt mốc 200.000 tỷ đồng. Chủ tịch Vingroup đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 1,916 tỷ cổ phiếu VIC, tương đương khối tài sản trị giá 201.372 tỷ đồng (khoảng 8,69 tỷ USD).

Trong khi đó, theo số liệu của Forbes đến sáng 26/10, ông Vượng sở hữu khối tài sản trị giá 6,7 tỷ USD và là người giàu thứ 333 thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Vĩnh Hoàn lướt sóng cổ phiếu lãi hàng chục tỷ: Chốt lời MWG, gom VNM

Các khoản đầu tư cổ phiếu đang mang lại trái ngọt cho Vĩnh Hoàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN