61.500 tỷ hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19: Những ai được nhận, khi nào giải ngân?
Ngoài những người có hợp đồng lao động phải nghỉ việc, lao động tự do mất việc làm cũng sẽ nhận được tiền từ gói hỗ trợ 61.580 tỷ đồng.
Dự kiến có khoảng 50% lao động ngành Dệt may bị giảm mạnh thu nhập do Covid-19. Đây là một trong những đối tượng được Chính phủ xem xét hỗ trợ. Ảnh: T.L
Dự thảo Nghị quyết Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa được Chính phủ thống nhất cao tại phiên họp giữa tuần qua. Gói hỗ trợ 61.580 tỷ đồng dự kiến sẽ được chi cho 6 đối tượng khó khăn và hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp. Điều nhiều người quan tâm là bao giờ gói hỗ trợ này đến được tay đối tượng thụ hưởng?
Người lao động khốn đốn
Gần tháng nay, quán trà đá tại Cổng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội của bà Vương Thị Ba (71 tuổi, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải nghỉ theo quy định phòng chống dịch Covid-19. “Ngày thường bán túc tắc cũng được hơn trăm nghìn đủ tiền trang trải sinh hoạt. Nay nghỉ ở nhà không bán hàng nữa thì cứ xác định rau cháo qua bữa. Dịch bệnh thế này, cả nước khó khăn chứ đâu phải riêng mình”, bà Ba nói.
Chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thủ tướng lưu ý, phải nêu rõ số tiền từng nguồn, ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương phân bổ thế nào, “các cấp đều phải có trách nhiệm chứ không chỉ Trung ương”. Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, MTTQ Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, “chứ không phải cứ lòng vòng mãi mà không nhận được tiền”. “Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, Thủ tướng nói. |
Chồng mất đã lâu, nhà bà Ba hiện có 6 khẩu ăn gồm bà, vợ chồng con trai và 3 đứa cháu đều đang tuổi ăn tuổi lớn. Cả nhà nhét hết vào căn phòng trọ hơn chục mét vuông. Con trai bà Ba là lái xe cho công ty du lịch, từ Tết tới nay không có khách nên phải nghỉ việc không lương. Con dâu làm nhân viên siêu thị cách nhà 5km cũng đang phải giãn ca, nghỉ luân phiên hưởng 50% lương. “Thu nhập bình thường con dâu tôi chỉ được khoảng 4 triệu đồng, giờ cắt giảm thế này không biết duy trì được bao lâu”, bà Ba chia sẻ.
Nhắc tới gói hỗ trợ người lao động mất việc vì dịch Covid-19, bà Ba cười gượng: “Nhà không có ti vi nhưng cũng nghe hàng xóm mấy hôm nói chuyện. Chả biết mình có thuộc diện được hay không vì ngẫm lại xã hội còn bao cảnh khó khăn hơn ấy chứ!”.
Chưa bị mất việc nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc (41 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình), công nhân da giày mấy hôm nay như “ngồi trên lửa”. Lâu nay, chồng không có việc làm, ai mướn gì làm đó nên chị Ngọc là trụ cột trong gia đình 4 miệng ăn. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập của chị đang bị vơi dần. “Hàng không bán được, 2 tháng nay chúng tôi thường xuyên phải nghỉ làm luân phiên, thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng chỉ còn khoảng 4 triệu đồng. Tuần trước lãnh đạo công ty đánh tiếng, tình hình khó khăn nên sẽ phải cắt giảm công nhân từ trên 30 tuổi”,chị Ngọc chia sẻ.
Với 2,5 triệu lao động, mới đây, ngành Dệt may đã phải lên tiếng cầu cứu khẩn cấp chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Thống kê của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hàng loạt đơn hàng đã bị hoãn, hủy, ngay trong tháng 4, dẫn tới hệ quả sẽ có trên 30% lao động của ngành sẽ thiếu việc làm. Có thể số người lao động gặp khó khăn trong tháng 5 sẽ là trên 50%.
“Các vấn đề về lao động và tiền lương đang rất nóng từng tuần, từng ngày đối với các doanh nghiệp dệt may, vì vậy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần được nhanh chóng đưa vào thực hiện để gỡ khó cho doanh nghiệp”, ông Trường nhận định.
20 triệu người được hỗ trợ
Vừa qua, Chính phủ đã thống nhất dành gói hỗ trợ an sinh hơn 61.580 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn đang được lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện và báo cáo Chính phủ trong tháng 4, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét cho ý kiến.
Theo đó, 4 nguyên tắc hỗ hợ được nêu rõ: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động; Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; Ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết.
Tới nay, chưa có con số thống kê chính xác, cuối cùng về số người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vì con số tăng lên hàng ngày. Trong bối cảnh bộn bề và hết sức khẩn trương với hàng núi công việc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất và sớm thống nhất các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động là việc làm hết sức trách nhiệm, quyết liệt, thể hiện tinh thần lo cho dân, xa hơn là tính đến đẩy mạnh phát triển kinh tế khi dịch kết thúc. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN |
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung, sẽ có khoảng 20 triệu người được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ. “Mục tiêu bao quát của gói hỗ trợ tập trung vào đối tượng người lao động bị mất, thiếu, giãn việc làm bởi dịch bệnh, dẫn tới có mức sống không đạt mức sống tối thiểu vùng. Việc hỗ trợ nhằm giữ chân, đảm bảo cho người lao động có mức sống tối thiểu để có thể quay trở lại thị trường sau khi đã phục hồi”, ông Dung nhận định.
Liên quan tới cách thức thực hiện gói hỗ trợ, ông Dung cho biết, ngay khi Nghị quyết được ban hành, các đơn vị liên quan sẽ lập kế hoạch chi tiết đối với từng nhóm đối tượng được hỗ trợ. Cụ thể, nhóm người có công, người hưởng chính sách bảo trợ xã hội, nhóm hộ nghèo và cận nghèo, đã được lập danh sách từ trước. Do đó tiền hỗ trợ sẽ giao cho địa phương trực tiếp chuyển đến tay người hưởng.
Các đối tượng còn lại sẽ do chính quyền cơ sở, doanh nghiệp có trách nhiệm lập danh sách gửi tới cơ quan chức năng xem xét, rà soát và xác nhận. “Chúng tôi đặt ra nguyên tắc thực hiện Nghị quyết phải chi đúng đối tượng, minh bạch, công khai trong nhân dân, để làm sao người hưởng được hưởng đúng, hưởng đủ nhưng hưởng nhanh nhất”, ông Dung nói và nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là công khai, minh bạch để người dân, MTTQ cùng các cơ quan, đoàn thể giám sát chặt chẽ việc này. Bên cạnh đó phải xử lý nghiêm minh tất cả trường hợp vi phạm, trục lợi chính sách”.
Tiền lấy từ đâu, tổ chức thực hiện thế nào?
Dự kiến, tiền hỗ trợ nhóm hộ nghèo và cận nghèo sẽ giao cho địa phương trực tiếp chuyển đến tay người hưởng (Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Chiến Thắng là hộ nghèo tại ấp Giáp Nước, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau). Ảnh: Gia Minh
Theo tìm hiểu, sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ LĐ, TB&XH được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương, cơ quan BHXH thực hiện thống nhất việc hỗ trợ các đối tượng theo nguyên tắc Nghị quyết; phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương và cơ quan BHXH thực hiện thống nhất việc tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất.
Liên quan tới nội dung tạm dừng, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp; Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ với đối tượng là người lao động nghỉ không lương, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm và người lao động tự do, Bộ LĐ, TB&XH phải báo cáo Chính phủ trong tháng 4 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét.
Bộ Tài chính được giao bảo đảm nguồn ngân sách T.Ư để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết; Căn cứ quy định tại Nghị quyết và số thực chi của các địa phương (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) để xác định mức hỗ trợ từ ngân sách T.Ư cho từng địa phương.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp bộ ngành liên quan hướng dẫn và cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay tái cấp vốn khoảng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% (đề xuất của Bộ LĐ, TB&XH) để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương, báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Tài chính để tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ; Chủ trì xác định và phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chế độ quy định của Nghị quyết và phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
Về nguồn thực hiện gói hỗ trợ, đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách T.Ư trên 50% sẽ tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách T.Ư hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 70% mức thực chi theo quy định đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 50% mức thực chi theo quy định đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 30% mức thực chi theo quy định đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách T.Ư dưới 50%.
Cần triển khai kịp thời, đúng đối tượng Trao đổi với PV Báo Giao thông về gói chính sách chưa từng có tiền lệ này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thực tế, tiền lương, thu nhập của hầu hết người lao động hiện nay chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, không có tích lũy, ngừng làm là hết tiền tiêu... Do đó, gói hỗ trợ an sinh sẽ phần nào giúp người lao động vượt qua khó khăn, gắn bó hơn với chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, ông Quảng cho rằng, gói hỗ trợ an sinh cần được triển khai kịp thời, trực tiếp, đúng đối tượng, tránh việc trục lợi chính sách… “Chính sách rất tốt, vấn đề còn lại là khâu triển khai thực hiện. Làm không khéo thì ngân sách thất thoát mà đối tượng khó khăn lại không được hưởng”, ông Quảng nói và cho rằng, việc kê khai, chi hỗ trợ cho người lao động có hợp đồng lao động sẽ thuận lợi và dễ dàng bởi danh sách này đã có. Còn với lao động tự do thì việc rà soát, thống kê chắc chắn sẽ rất khó khăn. Đây cũng chính là chỗ có thể tạo ra nhiều kẽ hở khi thực hiện chính sách. Trong khi đó, một chuyên gia có hơn 30 năm nghiên cứu về lao động tiền lương bày tỏ băn khoăn với hai đối tượng người có công và lao động tự do. “Theo đúng tinh thần mục đích gói hỗ trợ thì chỉ nên hỗ trợ đối tượng bị tác động, thiệt hại bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, đối tượng người có công đâu bị cắt giảm trợ cấp? Nếu xét về mặt kinh tế, theo báo cáo mới nhất, có khoảng 99% người có công đang có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình xã hội”, vị chuyên gia này nói và bày tỏ: “Gia đình tôi cũng là gia đình người có công, chúng tôi mong muốn số tiền hỗ trợ được tập trung cho đối tượng thực sự khó khăn để vượt qua trong đại dịch này”. Liên quan tới đối tượng lao động tự do, vị chuyên gia băn khoăn: “Lao động tự do thuộc hộ nghèo thì được hỗ trợ nhưng có những lao động tự do không phải hộ nghèo thì tính như thế nào?”. Lao động tự do cũng được hỗ trợ Theo Bộ trưởng LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung, sẽ có 6 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ từ 500 nghìn đồng tới 1,8 triệu đồng/tháng trong tháng 4, 5, 6 bao gồm: Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội: 500 nghìn đồng/người/tháng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo: 1 triệu đồng/hộ/tháng. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương từ 14 ngày làm việc trở lên 1,8 triệu đồng/người/tháng. Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của 3 tháng tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động (tháng 4 đến tháng 6/2020) với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh: 1 triệu đồng/hộ/tháng. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Lao động không có giao kết hợp đồng lao động và mất việc làm (lao động tự do): 1 triệu đồng/người/tháng. Trong trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất. Ngoài ra, 3 chính sách ưu đãi đặc thù cũng được thống nhất đưa vào Nghị quyết. Cụ thể, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động trở lên, được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng. Cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/tháng /người. Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, thông báo tìm kiếm việc làm qua đường bưu điện trong thời gian từ 1/4 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. |
Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đang khiến giới thợ điện lạnh lo lắng về một năm thất thu. Nhiều thợ...
Nguồn: [Link nguồn]