Xử phạt công ty chứng khoán bán khống đầu tiên
Sau bao lời đồn thổi nhiều năm qua về hiện tượng mua bán khống, chiều muộn ngày 11/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt công ty chứng khoán (CTCK) đầu tiên về hành vi cho khách hàng vay chứng khoán để bán khống.
Cụ thể, UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng đối với CTCP Chứng khoán Đại Nam (DNSE) do công ty này cho khách hàng vay chứng khoán để bán. Hành vi nói trên vi phạm phạm quy định tại Khoản 9 Điều 71 Luật Chứng khoán.
Hiện tại, DNSE đã tất toán các hợp đồng cho vay chứng khoán.
Ngoài ra, DNSE còn bị phạt 100 triệu đồng do thực hiện tự doanh chứng khoán khi chưa được cấp giấy phép.
Ngày 7/9 vừa qua, UBCKNN đã có Công văn số 3229/UBCK-QLQ gửi các tổ chức kinh doanh chứng khoán và các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát về việc chấn chỉnh các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng đối với CTCP Chứng khoán Đại Nam (DNSE).
Trong đó, UBCKNN đặc biệt nhấn mạnh đến việc tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán) không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán.
Đối với hoạt động trung gian, trong thông báo của UBCKNN cũng nêu rõ: “Tổ chức kinh doanh chứng khoán và nhân viên làm việc tại các tổ chức này không được làm trung gian cho các tổ chức, cá nhân vay, mượn chứng khoán của nhau để bán dưới mọi hình thức, kể cả trong trường hợp không dẫn tới việc thay đổi quyền sở hữu và giao dịch bán thực hiện trên tài khoản của bên cho vay”.
Như vậy, ngoài việc không được vay mượn hoặc tự ý lấy chứng khoán, tiền của khách hàng, CTCK cũng không được làm trung gian để hưởng hoa hồng. UBCKNN cho biết, trường hợp có các hành vi vi phạm nêu trên, ngoài các cá nhân trực tiếp vi phạm, tổ chức kinh doanh chứng khoán nơi các cá nhân đó làm việc cùng chịu trách nhiệm liên đới theo quy định pháp luật hiện hành.