Xử lý nợ xấu: Phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền

Nghị quyết về xử lý nợ xấu nhấn mạnh nguyên tắc xử lý phải phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Sáng 21/6, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, nghị quyết nhấn mạnh phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Ngoài quy định không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, nghị quyết cũng nhấn mạnh: cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Cũng theo nghị quyết, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, trừ tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm, nghị quyết quy định, bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại điều này.

Nghị quyết này được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2017.

Nghị quyết về xử lý nợ xấu: Kiến nghị bổ sung trách nhiệm của Quốc hội

Nghị quyết về xử lý nợ xấu do Quốc hội thông qua, nên phải bổ sung trách nhiệm của Quốc hội và Ủy ban thường vụ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN