Xử lý nợ xấu: Lợi nhuận ngân hàng giảm quá nửa

“Trong điều kiện đặc biệt như Việt Nam, xử lý nợ xấu chúng ta không có đủ tiền tươi thóc thật và không có đủ quyền lực giải quyết. Làm được như vừa qua, đó là nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng” - TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh.

Không quyền lực, không tiền mặt

Ông đánh giá thế nào về tiến trình xử lý nợ xấu của Việt Nam trong hơn 2 năm qua?

Trong 3 năm qua, có rất nhiều ý kiến, rất nhiều bàn luận nhưng chúng ta đều có thể thấy rõ thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng tăng lên. Tỷ lệ nợ xấu đã được đưa về mức an toàn 3%. Xử lý sở hữu chéo và lũng đoạn hệ thống ngân hàng đã có tiến bộ ban đầu.

Tôi cho rằng cả về mặt chính trị và dư luận xã hội cần có sự quan tâm đúng mức đến xử lý nợ xấu, chúng ta cần coi nó là vấn đề then chốt nhất của việc phục hồi kinh tế dài hạn.

Ông Lê Xuân Nghĩa 

Chúng ta có thể thấy, Việt Nam xử lý nợ xấu trong một hoàn cảnh rất đặc thù. Thứ nhất, là không được phép trực tiếp sử dụng tiền từ ngân sách. Thứ hai là không có đủ quyền lực để thực hiện xử lý nhanh khoản nợ xấu. Các NHTM đã phải sử dụng công cụ chủ yếu là dự phòng rủi ro, tái cấu trúc lại nợ cho doanh nghiệp và quan trọng nhất là bán nợ cho VAMC. Từ đó các NHTM có thể  tiếp tục cho các doanh nghiệp có khả năng hồi phục có thể tiếp cận trở lại vốn ngân hàng.

Điều quan trọng nữa là những chuẩn mực quản trị, quản lý rủi ro, chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính, chỉ tiêu an toàn hệ thống tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Xử lý nợ xấu: Lợi nhuận ngân hàng giảm quá nửa - 1

Ông Lê Xuân Nghĩa.

Dưới góc độ  nhà nghiên cứu, thực trạng nợ xấu nằm trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay,  theo ông thế nào?

Tôi nghĩ nợ xấu hiện khoảng 3%, nhưng bên cạnh đó một số nợ xấu trong quá trình tái cấu trúc tiếp tục sản xuất kinh doanh, tiếp tục cạnh tranh trên thương trường thì có thể còn xuất hiện. Như chúng biết hàng năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp bị phá sản cũng để lại một gánh nặng khá lớn cho NHTM. Cho nên như tôi nói ban đầu nếu chúng ta không có đủ quyền lực, không đủ tiền mặt để xử lý nợ thì rõ ràng nợ xấu sẽ vẫn còn tồn tại và việc xử lý nợ xấu sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm một thời gian.

Lợi nhuận ngân hàng giảm quá nửa

Tình trạng nợ xấu như vậy gây ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của các ngân hàng?

Trước đây lãi ròng trên vốn tự có của hệ thống NHTM Việt Nam nằm đâu đó khoảng 13 -14%, vài ba năm gần đây do tập trung xử lý nợ xấu, tập trung trích lập dự phòng rủi ro cho nên hiện tỷ lệ này chỉ còn khoảng 5% hoặc 6%, lợi nhuận  giảm quá nửa. Một số ngân hàng nhỏ như chúng ta thấy, có tình trạng nợ vượt quá vốn tự có mà NHNN phải dùng các biện pháp đặc biệt và tái cấu trúc bằng cách mua lại với giá 0 đồng và ngân hàng trung ương gánh lấy toàn bộ trách nhiệm nợ của họ đối với người gửi tiền. Những biện pháp đặc biệt như vậy được áp dụng trong điều kiện khá đặc biệt của Việt Nam.

Bản thân các ngân hàng cũng phải nỗ lực hết sức tham gia xử lý nợ xấu, một mặt giữ ổn định thanh khoản đồng thời cũng phải nuôi dưỡng khách hàng doanh nghiệp để họ tiếp tục tồn tại, sản xuất và phát triển kinh doanh. Ở các nước không bao giờ buộc ngân hàng phải làm những việc này, các NHTM nếu thấy có rủi ro thì nhất định họ không cho vay vì họ phải có trách nhiệm với người gửi tiền, phải lo bảo toàn tiền gửi của người dân. Ở nước ta, ngân hàng còn phải thực hiện một nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ việc làm. Đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề!

Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những e ngại?

Tôi cho rằng cả về mặt chính trị và dư luận xã hội cần có sự quan tâm đúng mức đến xử lý nợ xấu, chúng ta cần coi nó là vấn đề then chốt nhất của việc phục hồi kinh tế dài hạn. Chúng ta hội nhập TPP, như vậy được coi như là xóa bỏ biên giới kinh tế rồi, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để làm ăn, kinh doanh cũng như việc các nhà đầu tư Việt Nam dễ dàng ra nước ngoài đầu tư hơn.

Chúng tôi có đề nghị với Thủ tướng Chính phủ nên có một nghị định hoặc nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giao cho VAMC những quyền đặc biệt, có thể xung đột với các luật hiện hành trong một thời gian nhất định có thể 3 năm hoặc 5 năm sau đó có thể thu hồi lại, để xử lý nợ xấu, rất nhiều nước đã làm như vậy và tôi nghĩ đó là cái quan trọng nhất.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Lý (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN