Xử lý bán khống: “Giơ cao đánh khẽ”?
Hoạt động bán khống cổ phiếu đã bị phát hiện tại hai công ty chứng khoán. Nhưng nếu mức xử phạt quá nhẹ, thì không có gì đảm bảo những vi phạm không tiếp tục xảy ra...
Từ chuyện nhân viên cho bán khống
Theo phản ánh của ông Nguyễn Thế Nhân, nhà đầu tư mở tài khoản và giao dịch tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM (HSC), ông Nhân có mở tài khoản số 011C14xxx9 và quản lý một tài khoản ủy quyền cho ông.
Cũng theo ông Nhân, ông được Trưởng phòng Môi giới HSC - Kim Liên (Hà Nội) Nguyễn Viết Xuân, giới thiệu dịch vụ bán khống (T+0) cho khách hàng VIP từ đầu năm 2011 đến nay, và ông Xuân giới thiệu đây là sản phẩm dịch vụ của HSC. Khi sử dụng dịch vụ T+0 khách hàng không ký hợp đồng mà thỏa thuận bằng miệng với ông Xuân.
“Trước mỗi lần giao dịch, ông Nhân nộp tiền cọc (tiền mặt) vào tài khoản 011C12xxx6, 011C14xxx1 đứng tên Nguyễn Viết Xuân hoặc tài khoản 011C13xxx0 đứng tên Nguyễn Viết Hùng ủy quyền cho Nguyễn Viết Xuân. Sau đó ông Xuân chuyển tiền vào các tài khoản sẽ thực hiện giao dịch bán”, ông Nguyễn Thế Nhân tường trình với đại diện Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cũng theo ông Nhân, với mỗi giao dịch, ông phải nộp 30-40% giá trị lô hàng, và trả phí vay 1,5%/tuần hoặc 3%/tháng. Với những giao dịch có khớp lệnh, ông Nhân có yêu cầu ông Nguyễn Viết Xuân cung cấp sao kê tài khoản thực hiện bán chứng khoán nhưng ông Xuân không cung cấp. Thậm chí, theo lời ông Nhân, Nguyễn Viết Xuân còn cung cấp sao kê giả cho ông Nhân.
Sau khi tính lãi lỗ, tiền mặt được chuyển lại cho ông Nhân. Theo phản ánh của ông Nhân, hiện ông Nguyễn Viết Xuân còn nợ ông gần 1 tỷ đồng, dù đã cho một năm “ân hạn” để trả nợ dần.
Những thông tin ông Nhân cung cấp dần sáng tỏ khi ngày 11/10 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt đối với hai nhân viên môi giới của HSC là ông Nguyễn Viết Xuân và bà Phạm Thị Sương (bà Sương có tên trong phản ánh của ông Nhân về đầu mối cho vay chứng khoán).
Theo kết luận của Ủy ban Chứng khoán, ông Nguyễn Viết Xuân và bà Phạm Thị Sương đã cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khác để bán. Cả hai nhân viên HSC trên đều bị phạt mỗi người 85 triệu đồng, riêng ông Nguyễn Viết Xuân bị rút chứng chỉ hành nghề.
Bên ngoài phòng giao dịch HSC - Kim Liên, nơi một nhân viên môi giới bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt 85 triệu đồng do cho khách hàng bán khống cổ phiếu.
Liên quan đến HSC, Ủy ban Chứng khoán cũng xử phạt công ty này 105 triệu đồng do những sai phạm căn cứ điều 62 và 71 Luật Chứng khoán.
Sau khi nhận được phán quyết của Ủy ban Chứng khoán, Tổng giám đốc HSC Johan Nyvene cho biết “đã nghiêm khắc xem xét xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất đối với các nhân viên không tuân thủ quy định. Đây là hành vi mang tính chất cá nhân của một vài nhân viên và đi ngược lại với chính sách của HSC…”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng: “giấy phép hành nghề chứng khoán chỉ có giá trị khi anh làm việc cho một công ty chứng khoán, do đó công ty chứng khoán phải có trách nhiệm quản lý nhân viên làm việc cho mình. Nếu xảy ra vi phạm (bán khống - PV), thì công ty chứng khoán sẽ bị liên đới”.
Dù khẳng định vấn đề nêu trên không liên quan đến HSC, tuy nhiên, với kết luận hai nhân viên HSC “cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khác để bán”, thì đương nhiên nó sẽ phát sinh phí giao dịch cho HSC.
Được biết, trong quyết định xử phạt hai nhân viên HSC, Ủy ban Chứng khoán không nói rõ có bao nhiêu giao dịch bán khống đã được thực hiện, tổng giá trị là bao nhiêu và xảy ra ở thời điểm nào (ông Nhân cho biết sử dụng dịch vụ bán khống do nhân viên HSC cung cấp từ năm 2011).
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, một nhà đầu tư đang sinh sống ở Tp.HCM cũng phản ánh với VnEconomy về việc đã gửi đơn kiện ông Xuân lên cơ quan công an liên quan đến khoản tiền hàng trăm triệu đồng mà nhà đầu tư cho rằng bị chiếm đoạt thông qua hoạt động ủy quyền.
Đã đủ răn đe?
Hoạt động bán khống diễn ra trên thị trường được một tờ báo lớn miêu tả là “ai cũng biết, chỉ cơ quan quản lý là không biết”. Thế nhưng đến nay, Ủy ban Chứng khoán mới phát hiện và xử phạt hai trường hợp sai phạm. Ngoài trường hợp phạt hai nhân viên HSC, Ủy ban Chứng khoán cũng đã phạt Công ty Chứng khoán Đại Nam 150 triệu đồng vì cho khách hàng vay chứng khoán để bán.
Bán khống không chỉ là hành vi vi phạm Luật Chứng khoán hiện hành, mà nó còn gây nên những hệ quả khôn lường với thị trường nếu chỉ một số ít được “ưu đãi” thực hiện.
Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khi thị trường xấu đi mà nhà đầu tư vay chứng khoán để đầu cơ giá xuống thì làm thị trường càng xấu hơn, gây hỗn loạn thị trường, khiến chỉ số chứng khoán giảm mạnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp niêm yết huy động vốn.
Trong một thông điệp mạnh mẽ đưa ra ngày 7/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán) yêu cầu không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán khống cổ phiếu.
Thậm chí, Ủy ban Chứng khoán còn nêu rõ “trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, Ủy ban sẽ chuyển cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Thông điệp là vậy, nhưng những chế tài xử phạt thì dường như vẫn chưa đủ răn đe. Bởi khi thị trường xuống, nếu bán khống cổ phiếu quy mô lớn, mức lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều so với mức phạt, mà cho đến nay cao nhất là 150 triệu đồng.
Như trường hợp của ông Nhân nêu trên, số tiền ông đang phải đi đòi lại lên tới gần 1 tỷ đồng. Và để có thể lấy lại được tiền, theo lời ông Nhân, phải nhờ đến sự vào cuộc của cơ quan công an. Trường hợp của ông Nhân cũng góp thêm cảnh báo với những nhà đầu tư đang sử dụng dịch vụ mà pháp luật chưa cho phép về nguy cơ thiệt hại khi xả ra những tranh chấp.
Và câu chuyện minh bạch, chế tài đủ mạnh để thiết lập “cuộc chơi” công bằng hơn giữa các công ty chứng khoán, hơn lúc nào hết, lại trở thành chủ đề nóng sau tranh chấp bề nổi từ hoạt động bán khống cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, với những vi phạm bán khống, Ủy ban Chứng khoán thậm chí sẽ có hình phạt bổ sung như đình chỉ một nghiệp vụ của công ty chứng khoán, như nghiệp vụ môi giới, nặng hơn nữa là rút giấy phép.
“Chúng tôi cũng muốn phải mạnh tay hơn để có thái độ rõ ràng và có tính chất răn đe”, ông Hùng nói.
Có lẽ lúc này, các nhà đầu tư từng chịu thiệt hại vì hành vi bán khống cũng mong hơn ai hết những hành động cụ thể, đủ để ngăn chặn những tổ chức, cá nhân sẵn sàng vi phạm để trục lợi.