Xử lý 30% nợ xấu trong năm nay?
Thị trường mua bán nợ xấu đã bắt đầu “ấm” lên với giao dịch đầu tiên giữa công ty Quản lý tài sản (VAMC) với ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Dù kế hoạch của VAMC được nhận định là tham vọng, song xử lý nợ xấu cần nhiều hơn thế, nhất là một nguồn lực đủ lớn.
Ngày 1.10, công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã ký kết hợp đồng mua bán nợ xấu đầu tiên với ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank). Giá trị giao dịch là 1.723 tỉ đồng, bao gồm 27 khoản nợ của 11 khách hàng, có giá trị ghi sổ 2.450 tỉ đồng, giá trị tài sản đảm bảo 3.600 tỉ đồng. Theo đó, VAMC sẽ thanh toán cho Agribank bằng trái phiếu đặc biệt do bên mua nợ phát hành và trái phiếu này có thể được sử dụng để vay tái cấp vốn tại ngân hàng Nhà nước (NHNN) với tỷ lệ 70%.
VAMC cũng dự kiến trình Chính phủ mức lãi suất trái phiếu tối thiểu 2% – thấp hơn lãi suất tái cấp vốn – nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong tiếp cận vốn và cho vay trở lại. Lãnh đạo Agribank, cho biết, việc bán đi lượng nợ xấu lần này giúp ngân hàng giảm 7,56% tổng nợ xấu – ước chừng hơn 33.000 tỉ đồng.
Ảnh: vietstock
Theo phó chủ tịch hội đồng thường trực VAMC Nguyễn Quốc Hùng, hiện có hơn mười TCTD gửi hồ sơ đến và đặt vấn đề bán nợ cho VAMC. Khách hàng đông, giá trị nợ xấu có nhu cầu giao dịch lớn, nên VAMC phải tổ chức sàng lọc, thẩm định chất lượng, giá trị từng khoản nợ, với mục tiêu có thể mua được khoảng 10.000 tỉ đồng nợ xấu từ nay đến cuối tháng 10 và mua 35.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm nay.
Như vậy, toàn bộ nguồn lực của VAMC từ nay đến cuối năm cũng chỉ đủ sức xử lý được khoản nợ xấu tương đương của riêng Agribank, nếu hoạt động của doanh nghiệp này đạt được đúng hiệu quả như kế hoạch. Còn so sánh với tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng khoảng 140.000 tỉ đồng – theo báo cáo của NHNN, thì kế hoạch của VAMC từ nay đến cuối năm, sẽ giúp xử lý xấp xỉ 30% nợ xấu của cả hệ thống.
Ông Hùng cho biết, VAMC đã và đang làm việc với một số ngân hàng, như Nam Việt (Navibank), Sài Gòn (SCB), Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Xăng dầu Petrolimex (PGBank)… để tiếp tục mua nợ xấu và đã cơ bản đi đến thống nhất một số giao dịch. Dự kiến, với mỗi ngân hàng, giá trị giao dịch theo thoả thuận xấp xỉ 1.000 tỉ đồng, sẽ sớm được ký kết.
“Ba đối tượng khách hàng của chúng tôi tập trung trước hết, đó là ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng cần tái cơ cấu và ngân hàng có nợ xấu trên 3%”, ông Hùng nói. Tuy nhiên, để đi đến giao dịch thành công, ông Hùng cho biết, các khoản nợ phải phải hợp lệ – nghĩa là chấp hành đúng, đầy đủ các quy định hiện hành.
Lãnh đạo VAMC cũng cho biết, đã có nhiều tổ chức nước ngoài quan tâm, đề nghị mua lại nợ xấu từ VAMC, song đơn vị này chưa xúc tiến hoạt động giao dịch nào. Bởi mục tiêu của việc mua bán nợ xấu, một mặt giúp cho các TCTD cơ cấu nợ, giảm dần tỷ lệ nợ xấu, nâng hệ số an toàn vốn, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động; mặt khác cũng giúp khách hàng vay vốn không phải rơi vào tình trạng bán tống bán tháo tài sản với giá rẻ mạt, có cơ hội vay vốn tiếp với lãi suất hợp lý. Để thực hiện điều đó, VAMC không phải mua nợ xong phải là kết thúc giao dịch, mà phải bắt tay cùng TCTD trong tái cơ cấu, sát cánh cùng doanh nghiệp…