Xóa quy hoạch treo, nông dân mừng đất lại về

Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, không phải cứ ở đâu có khu, cụm công nghiệp, ở đó sẽ trở nên giàu có. Ngược lại, hàng ngàn hécta đất lúa lại đang bị “treo” bởi dự án.

Theo xu hướng phát triển tất yếu, nước ta đang từng bước chuyển mình trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 với tỷ trọng công nghiệp vượt trội. Song, định hướng cơ bản này không quên lợi thế và vai trò của nông nghiệp.

Nhiều quyết sách được thông qua thể hiện quyết tâm cao để phát huy lợi thế này. Theo đó, mục tiêu giữ 3,8 triệu hécta đất lúa cũng được bàn thảo tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, không phải cứ ở đâu có khu, cụm công nghiệp, ở đó sẽ trở nên giàu có. Ngược lại, hàng ngàn hécta đất lúa lại đang bị “treo” bởi dự án. “Treo” vì ước vọng làm giàu của một số ít nhóm người bày chiêu “quy hoạch”. Hậu quả tất yếu là hàng ngàn hộ nông dân phải lao đao.

Với nông dân, đất là núm ruột. Không còn tư liệu sản xuất, họ chỉ còn cách ly hương, rứt ruột rời mảnh đất bao đời nuôi sống nhiều thế hệ.

Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo tỉnh Long An ra tay xử lý các dự án “treo”. Việc thu hồi 24 dự án, với tổng diện tích đất là 1.573ha, không chỉ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự đến Long An, mà còn giúp cho người dân yên tâm lao động sản xuất. Điển hình như dự án sân golf có diện tích 240ha, nằm trên địa bàn 2 xã Long Hậu và Phước Lại của huyện Cần Giuộc, do Công ty Cổ phần Việt - Hàn làm chủ đầu tư bị thu hồi tháng 4/2012. Dự án này được cấp phép từ năm 2009, nhưng hơn 3 năm chưa được thực hiện. Qua kiểm tra, nhận thấy chủ đầu tư không bảo đảm năng lực về tài chính, nên UBND tỉnh ra quyết định thu hồi Dự án sân golf ở xã Phú Mỹ, huyện Thủ Thừa có diện tích 280ha đã “treo” nhiều năm nay, giao lại đất cho nông dân trồng lúa.

Mới đây, 10 cụm công nghiệp với gần 1.150ha đất sản xuất tại Tây Ninh vừa được gỡ bỏ chữ “treo”. Một số địa phương như Cần Thơ, Phú Yên… nhà nông cũng bắt đầu có lại niềm vui từ đất.

Thế nhưng, hiện ở nhiều địa phương, sau quy hoạch, nhiều khu công nghiệp gần như bỏ hoang. Bài toán sau 10 năm chu kỳ vòng quay của đất lúa 2-3 vụ/năm sẽ làm lợi cho xã hội bao nhiêu tiền, có lẽ ai cũng tính được. Nhưng ai chịu trách nhiệm cho những hoang phí của cải xã hội chưa thấy nói đến, cho dù có thể do dự báo sai trong thu hút đầu tư, mà hơn 10 năm qua nhiều địa phương đã vô tình đánh mất nguồn thu quan trọng này

Tuy nhiên, theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, hiện nay có hiện tượng chần chừ chưa dám sửa sai trong quy hoạch. Nhiều tỉnh đã thấy quy hoạch “treo” quá lâu gây bức xúc trong dân nhưng nhiều vị lãnh đạo hiện tại sợ đụng chạm nên chưa dám mạnh tay.

Từ năm 2000-2010, đất lúa cả nước giảm 269.000ha. Thời kỳ giảm mạnh nhất là 2000-2005, giảm tới 302.000ha. Xu hướng giảm diện tích đất lúa diễn ra ở hầu hết trong cả nước.

Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TS. Nguyễn Trí Ngọc cho biết, việc giữ gìn diện tích đất trồng lúa là yêu cầu cấp thiết hiện nay, cần phải làm ngay và hết sức nghiêm túc. Và, để giữ đất lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng đất lúa. Dự thảo hiện đã trình Thủ tướng. Theo đó, đất lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt, là yếu tố quyết định an ninh lương thực, vì vậy phải được bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang các mục đích sử dụng khác.

Mong rằng nông dân nhiều địa phương sẽ tiếp tục được đón nhận những tin vui, mừng đất… lại về!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN