Xe công thanh lý, vẫn treo… biển xanh

Sự kiện: Kinh Doanh

Thời gian qua, hàng ngàn ô tô công đã được thanh lý, tới đây sẽ có tiếp một lượng xe công nữa được bán cho tư nhân. Nhưng do thu hồi biển, giấy đăng ký gặp khó khăn, dự báo tình trạng xe biển xanh dù đã thanh lý vẫn chạy đầy đường.

Muốn thu hồi không được

Theo số liệu của Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), năm 2016 các cơ quan, đơn vị nhà nước đã thanh lý 1.105 ô tô công, chưa kể 2.041 xe dư thừa sẽ được điều chuyển, thanh lý thời gian tới. Còn năm 2015, cơ quan nhà nước đã thanh lý 677 ô tô công, chưa kể 8.358 chiếc xe công khác đã sử dụng trên 15 năm (quá niên hạn sử dụng, thuộc diện đưa ra thanh lý). Năm 2014 cũng có hơn 1.000 ô tô công được thanh lý. Tính tổng 3 năm qua, đã có gần 3.000 ô tô công được đưa ra thanh lý cho tư nhân.

Ngày 5/4, Cục Thuế Thanh Hóa đã bán thanh lý 11 ô tô công hết niên hạn sử dụng, thu về hơn 1,39 tỷ đồng (bình quân 126 triệu đồng/xe). Người trúng đấu giá là một cá nhân tới từ Hà Nội.

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc thu hồi biển xanh của 11 xe đã thanh lý, ông Vũ Quốc Dũng, Phó Cục trưởng Thuế Thanh Hóa cho biết, cục thuế không thể thu hồi được.

Xe công thanh lý, vẫn treo… biển xanh - 1

Nhiều xe công thanh lý chưa bị thu hồi biển xanh. Ảnh minh họa: Phạm Thanh.

 Ông Dũng lý giải, vừa qua ông đọc báo cũng biết tình trạng xe công sau thanh lý vẫn để biển xanh lưu thông, gây dư luận không tốt. Vì vậy, khi Cục Thuế Thanh Hóa thanh lý lô xe trên đã cử cán bộ sang Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an Thanh Hóa) để hỏi về quy trình xử lý thu hồi biển xanh.

“Cảnh sát giao thông nói biển xanh, giấy tờ xe là tài sản gắn liền với xe, chúng tôi không thể tự ý thu hồi, tháo biển được. Sau đấu giá, chúng tôi phải bàn giao đầy đủ phương tiện, giấy tờ, biển số cho bên mua. Đồng thời, Cục Thuế đã gửi công văn tới Tổng cục Đường bộ, Cục Cảnh sát Giao thông thông báo 11 xe đó không thuộc quản lý của Cục Thuế Thanh Hóa nữa. Người mua xe có trách nhiệm khai báo và làm thủ tục sang tên, đổi chủ, đổi biển số với cơ quan đăng ký xe, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, dù cục thuế muốn tháo biển xanh, nhưng quy định không cho phép. Còn việc người mua sử dụng sao, đổi biển thế nào, cơ quan ông không quản lý và cũng không nắm được.

Lợi dụng biển xanh

Thực tế trên có thể dẫn tới việc người mua xe công thanh lý không sang tên, đổi chủ, đổi biển số, vẫn cố tình để lại biển xanh sử dụng. Điều này gây nhầm lẫn trong xã hội giữa xe của cơ quan nhà nước và xe đã thuộc sở hữu tư nhân, thậm chí bị sử dụng để vi phạm pháp luật.

Điển hình như dịp lễ hội đầu năm vừa qua, dư luận phát hiện 3 xe treo biển xanh của Hà Nội đi lễ hội, chùa chiền (biển xanh số 31A-5975, 31A-3513, 31A-5887). Sau khi có dư luận, cơ quan chức năng Hà Nội kiểm tra mới phát hiện những xe này đã thanh lý từ lâu, không thuộc quyền quản lý của các cơ quan Hà Nội.

Còn tại Quảng Ninh, báo chí dẫn thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh này cho thấy, giai đoạn 2011-2016, các cơ quan nhà nước của tỉnh này đã thanh lý 113 ô tô công cho tư nhân. Tuy nhiên, mới có 33/113 xe làm thủ tục sang tên, đổi chủ và trả lại biển xanh. Rốt cục, ngày 25/1/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương phát công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý triệt để số xe biển xanh đã thanh lý, kiên quyết không cho đăng kiểm tránh việc lợi dụng mục đích riêng.

Ngày 10/3/2017, tại Thông báo 127/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Công an rà soát để thu hồi ngay biển số xe đối với những xe mà các cơ quan nhà nước đã thanh lý; báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng biển số xe lên Thủ tướng trong tháng 5 tới.

Theo thống kê, hết năm 2016, cả nước có 34.211 ô tô công. Trong đó, có 864 ô tô phục vụ chức danh; 17.047 xe phục vụ chung; 16.883 xe chuyên dùng. Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo thay thế Quyết định 32/2015, với các cơ chế, chính sách giảm tiêu chuẩn được sử dụng ô tô công và thực hiện khoán xe công. Nếu những chính sách này được thông qua, số ô tô công phục vụ công tác chung sẽ giảm khoảng 50%. Trong trường hợp đó, sẽ có khoảng 8.000/17.057 ô tô công phục vụ công tác chung được đưa ra bán, xử lý (chưa tính xe công thanh lý theo diện hết niên hạn sử dụng).

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Từ 1/1/2017, người sở hữu xe (gồm cả ô tô công thanh lý) không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ bị phạt hành chính 1-2 triệu đồng với cá nhân, và 2-4 triệu đồng với tổ chức. Chủ xe không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số, giấy kiểm định an toàn và bảo vệ môi trường sẽ bị phạt hành chính 2-4 triệu đồng với cá nhân, và phạt 4-8 triệu đồng với tổ chức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN