Xác định lại khẩu phần tín dụng
Không ồn ào như hiệu ứng phân nhóm hồi đầu năm, cơ chế mới đến nhẹ nhàng nhưng đã tạo một thay đổi căn bản trong điều hành chính sách và có ảnh hưởng sâu sắc đối với các tổ chức tín dụng.
Ngày 16/8, Ngân hàng Nhà nước phát đi bản thông báo về tổ chức thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2012.
Theo cơ chế mới, đã có những giới hạn riêng biệt và cụ thể. Các con số dự kiến tăng trưởng có thể là 0%, 8%, 15%, 17%, 25%, 27%, thậm chí 30%..., tùy theo khả năng hợp lý của mỗi thành viên thay cho sự khoanh vùng rồi gộp lại ở 4 nhóm chỉ tiêu vừa qua.
Lần đầu tiên khẩu phần tín dụng được xác định một cách cụ thể tới từng cá thể như vậy. Ở đây vẫn có dáng dấp của sự cấp phát; cũng không loại trừ có “cửa” xin - cho nếu không làm nghiêm, minh bạch và công bằng. Song hơn hết là hướng đến sự hợp lý hơn, có ảnh hưởng sâu sắc đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, và cần thiết.
Lần đầu tiên khẩu phần tín dụng được xác định một cách cụ thể tới từng cá thể như vậy.
Trong hơn thập kỷ qua, thị trường chứng kiến một giai đoạn bùng nổ của tăng trưởng tín dụng. Có năm chỉ hơn 14%, nhưng liên tiếp những năm trên 30%, trên 40%, thậm chí trên 50%. Các nhà băng như thể mạnh ai nấy làm, nên có trường hợp mỗi năm tăng tín dụng trên 50%, 60% hay cao hơn nữa là bình thường.
Chung quy, tăng trưởng tín dụng hệ thống những năm đó chưa có được bản quy hoạch chi tiết, trước khi nói đến sự hợp lý. Tín dụng là kênh tạo lợi nhuận chủ yếu, tạo được mức tăng trưởng cao dễ có lợi nhuận cao; các mảng đầu tư chứng khoán, bất động sản từng là khẩu vị chính vì thường cho lãi biên lớn. Và sau đó là sự mất cân đối trong tiếp vốn ở các lĩnh vực, là tiềm ẩn rủi ro nợ xấu, vĩ mô hơn là lạm phát và những hệ lụy khác…
Song không phải đến ngày 16/8/2012 với dấu ấn trong thông báo trên, trước đó, những năm 2010 - 2011, một hàng rào quy hoạch cũng đã bước đầu được dựng lên. Ngân hàng Nhà nước đưa ra chủ trương khống chế tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống cả năm không quá 30%, 20%. Những mức này được cào bằng cho tất cả các thành viên, cho tất cả các thời điểm trong năm mà không phân biệt, hay linh hoạt theo yếu tố mùa vụ nhu cầu vốn.
Và đầu năm 2012, bản quy hoạch tăng trưởng tín dụng tiến thêm một bước cơ bản: các ngân hàng thương mại được phân thành 4 nhóm, ứng với các mức độ chỉ tiêu khác nhau. Chưa thực sự chi tiết và sát sườn, nhưng khẩu phần tín dụng đã bắt đầu được gắn với tình hình sức khỏe, khả năng đốt cháy năng lượng hợp lý của mỗi nhóm trong cân đối điều hành chung. Một “giá trị gia tăng” của nó còn là hỗ trợ cho kế hoạch tái cơ cấu hệ thống.
Đến nay, với thông báo hôm qua (16/8), bản quy hoạch bắt đầu có một bước tiến xa hơn: khẩu phần tín dụng đã gắn với tình hình sức khỏe và nhu cầu hợp lý của từng cơ thể. Nó đã khắc phục được hạn chế của cơ chế phân nhóm đầu năm, qua đó ảnh hưởng sâu sắc hơn đối với mỗi ngân hàng thương mại.
Thử lấy một so sánh. Khối ngân hàng thương mại cổ phần đang có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao hơn, có tỷ lệ cấp tín dụng so với huy động (LDR) thấp hơn khối ngân hàng thương mại nhà nước, thì xét riêng ở hai tiêu chí này khối cổ phần có điều kiện tăng tín dụng tốt hơn. Thế thì, giả sử các điều kiện của ACB, Eximbank, MB, Techcombank, Sacombank… tốt hơn Vietcombank, VietinBank, Agribank… nhưng vẫn bị níu ở giới hạn 17% do nằm chung một “rổ” nhóm 1 như vừa qua là chưa thực sự thuyết phục.
Tất nhiên so sánh trên phải xét từng ngân hàng cụ thể, và tăng được tín dụng hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác. Còn về cơ chế, lúc này nó có thể mờ nhạt do tăng trưởng tín dụng khó khăn chung, song về lâu dài và trong điều kiện bình thường nó tạo giá trị sát thực và thuyết phục hơn của chính sách.
Với hệ thống, khi chỉ tiêu bắt đầu bám sát được cụ thể tới từng thành viên, cơ chế sẽ góp phần khơi thông các nguồn vốn có thể bị ứ đọng do giới hạn được giao chưa thực sự phù hợp. Như ở cơ chế mới, nguồn vốn từ MB, TienPhong Bank, VPBank, OceanBank, HDBank… rõ ràng có dòng chảy rộng hơn tới 25%, 27%, 30% thay vì phải cầm chừng theo giới hạn 8%, 15%, 17% trước đó.
Với mỗi ngân hàng thương mại, chỉ tiêu tăng tín dụng được giao sát với thực tế các điều kiện của mình sẽ tạo điều kiện để phát triển kinh doanh hợp lý hơn. Điều này đồng nghĩa với khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh chỉ tiêu theo từng giai đoạn, linh hoạt theo tình hình sức khỏe của mỗi nhà băng.
Ở định hướng chung, dĩ nhiên nhà điều hành vẫn phải căn theo một cân đối tổng thể mỗi năm, như giới hạn chung năm nay là từ 15 - 17%, hay dự tính mới đưa ra là từ 8 - 10%.
Có thể năm nay kết quả tăng trưởng tín dụng không được như mong muốn, nhưng riêng cơ chế giao chỉ tiêu với điều chỉnh trên thì đã có một bước đi tích cực.