Xã có chục dự án treo: Chủ đầu tư rất yếu
"Phải nói thẳng là doanh nghiệp đầu tư vào Hòa Bình năng lực tài chính yếu quá nên không làm được", ông Bùi Hải Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hoà Bình cho biết.
Trao đổi với PV về tình trạng dự án bất động sản - du lịch sinh thái nhiều nơi ngừng hoạt động, bỏ hoang đất gây lãng phí, ông Bùi Hải Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hoà Bình cho biết, tỉnh đang chờ sửa Luật Đất đai thì mới có thể thu hồi. Ông Quang nói:
Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng hàng loạt dự án chậm tiến độ, để hoang. Thứ nhất hạ tầng của tỉnh Hòa Bình còn yếu và chưa đạt yêu cầu. Thứ hai, năng lực tài chính của các chủ đầu tư nói chung còn rất yếu, lại bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Nếu chủ đầu tư muốn kinh doanh nhanh thu hồi vốn thì bắt buộc phải có hạ tầng. Nếu cứ bỏ vốn vào rồi lại đóng cửa để đấy thì chết. Tình hình này không phải chỉ xảy ra riêng ở Hòa Bình.
Quá trình thẩm định dự án, tỉnh Hòa Bình có biết năng lực thực sự của các nhà đầu tư không, thưa ông?
Phải nói thẳng là doanh nghiệp đầu tư vào Hòa Bình năng lực tài chính yếu quá nên không làm được. Hòa Bình là một tỉnh lẻ nên có tình trạng nhiều nhà đầu tư không “trụ” nổi ở đô thị lớn đã phải tìm về nên chính họ cũng đã yếu rồi lại gặp phải thời kỳ suy thoái kinh tế nữa nên khó khăn.
Chúng tôi biết nhưng thúc ép họ cũng khó vì quy định của pháp luật đất đai thu hồi lại cũng không hề đơn giản vì dự án đã giải phóng mặt bằng, đầu tư dang dở rồi thì địa phương lấy tiền ở đâu để đền bù cho họ. Nếu tỉnh làm trái thì doanh nghiệp lại kiện. Luật Đất đai không điều chỉnh nội dung này.
Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) đắp chiếu trong suốt thời gian dài. Ảnh: Tuấn Minh.
Thưa ông, thực trạng cấp phép dự án ồ ạt tại Hòa Bình đã từng được cảnh báo khi một số xã sáp nhập về Hà Nội năm 2008. Vậy sau đó Hòa Bình có giải pháp gì khắc phục không?
Với những dự án sau 3 năm mà không thực hiện là phải thu hồi nhưng lại đang mắc bởi Luật Đất đai sắp tới có điều chỉnh quy định cụ thể về nội dung này không, nhất là với những dự án đang thực hiện dở dang... Giám đốc Sở kế hoạch & Đầu tư Bùi Hải Quang |
Chúng tôi đã siết lại với dự án có sử dụng đất. Cụ thể tất cả các dự án sử dụng đất đều phải ký quỹ bảo lãnh thực hiện dự án. Mức ký quỹ từ 5% tổng mức đầu tư trở xuống. Đây là con số không nhỏ. Tuy nhiên mấy tháng vừa qua Chính phủ có Nghị quyết 02 về hỗ trợ sản xuất kinh doanh thì mức ký quỹ 5% lại phải hạ xuống. Nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu ký quỹ với một số dự án.
Việc thực hiện ký quỹ kể từ khi có Quyết định 04 của UBND tỉnh Hòa Bình về khuyến khích đầu tư. Với Hòa Bình, những dự án bất động sản cấp phép từ năm 2011 trở lại đây thì đều phải ký quỹ.
Về tình trạng dự án đình đốn, tỉnh Hòa Bình cũng đã nhìn thấy rõ vấn đề, thấy rõ nguy cơ và cũng đã đưa ra những biện pháp. Chúng ta phải đứng vai trọng tài, không thiên về doanh nghiệp hay nhà nước để xử lý việc này.
Thời gian tới, tình trạng dự án treo, bỏ hoang đất tại Hòa Bình sẽ được kiểm soát ra sao thưa ông?
Hướng xử lý của tỉnh Hòa Bình hiện nay là tiếp tục thắt chặt kiểm soát các dự án đầu tư có sử dụng đất, không cho đầu tư kiểu như trước đây nữa.
Trước đây Hòa Bình là một tỉnh “trắng” công nghiệp thì mình phải thu hút đầu tư nhưng bây giờ thì phải chọn lọc với các tiêu chí về bảo vệ môi trường, năng lực tài chính, thiết bị công nghệ.
Với những dự án sau 3 năm mà không thực hiện là phải thu hồi nhưng lại đang mắc bởi Luật Đất đai sắp tới có điều chỉnh quy định cụ thể về nội dung này không, nhất là với những dự án đang thực hiện dở dang...