World Bank: VN nên bỏ con dấu doanh nghiệp
Các doanh nghiệp không nên lãng phí thời gian vào những thủ tục kinh doanh lỗi thời và không cần thiết, chẳng hạn như con dấu công ty, đại diện của World Bank nêu quan điểm.
Lỗi thời, không cần thiết
Ông Jean Michel Lobet, chuyên gia Tài chính Cao cấp của World Bank Group, nêu quan điểm trên trong buổi hội thảo “Con dấu của Doanh nghiệp tại Việt Nam – Sự cải tổ cần thiết” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 9/10.
Theo ông Jean Michel Lobet, con dấu không còn có thể đảm bảo tính an toàn. Nếu người nào đó muốn dùng con dấu để lừa, họ hoàn toàn có thể làm giả con dấu đó. Và không ai mang dấu đó tới công an để nhờ xác nhận.
Theo số liệu của World Bank Group, con dấu công ty cản trở việc chính thức thành lập doanh nghiệp do chi phí và đôi khi là quá trình sản xuất kéo dài. Ở Việt Nam mất 6 ngày, Lào mất 20 ngày và các nước Châu Phi mất 1 tháng để hoàn thành thủ tục đăng ký con dấu.
Hội thảo “Con dấu của Doanh nghiệp tại Việt Nam – Sự cải tổ cần thiết” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 9/10.
Theo báo cáo của tổ chức Doing Business năm 2014, phải thực hiện 10 thủ tục, mất 34 ngày và tốn 7,7% GNI (chỉ số thu nhập quốc dân) theo đầu người để khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam.
Ông Jean cho rằng những rắc rối liên quan tới con dấu khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ thấy sợ mất thời gian nên thà kinh doanh theo kiểu hộ gia đình không chính thức hơn là đăng ký thành lập công ty. Như vậy, nhà nước sẽ mất đi nguồn thu thuế.
Ông Jean nhận định, kinh doanh trực tuyến hiện nay đã phát triển mạnh, các giao dịch qua mạng với khối lượng cực lớn đã được thực hiện mà không cần tới con dấu. Con dấu giờ đây đã trở nên lỗi thời và ở mức độ nhất định, đã trở thành trở ngại cho doanh nghiệp.
Theo World Bank Group, các quốc gia phát minh ra con dấu là Anh và Pháp đã bỏ con dấu doanh nghiệp. Nhiều quốc gia đã cố gắng loại bỏ yêu cầu phải có con dấu doanh nghiệp. Armenia, Cộng hòa Kygyz, Đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc và Hi Lạp gần đây đã hủy bỏ quy định pháp lý về việc phải sử dụng con dấu công ty.
Đóng dấu cho… “oai”
Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban Pháp chế, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát của phòng, mục đích sử dụng con dấu của các doanh nghiệp là trong các giấy tờ gửi đối tác, gửi cơ quan nhà nước và trên các hóa đơn chứng từ. Trừ cơ quan nhà nước là nơi bắt buộc phải có con dấu, các doanh nghiệp đối với nhau thường giao dịch qua sự tin tưởng vì con dấu vẫn có thể làm giả. Nhiều khi dù không cần thiết nhưng doanh nghiệp vẫn đóng dấu cho… “oai”.
Theo khảo sát của VCCI, trong các giao dịch nhỏ, doanh nghiệp không cần dấu mà dựa trên tin tưởng. Nhưng trong các giao dịch lớn, con dấu lại chưa đủ mà cần nhiều giấy tờ khác. Đặc biệt đối với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp không cần con dấu vì các doanh nghiệp nước ngoài không có con dấu.
“Tất cả chỉ dựa trên niềm tin mà thôi”, một doanh nghiệp nêu quan điểm.
Nhưng khi được VCCI hỏi, nhiều doanh nghiệp vẫn lưỡng lự không biết có nên bỏ con dấu hay không. Bỏ con dấu sẽ giúp thuận tiện trong giao dịch, đỡ tốn thời gian, chi phí cho việc khắc, bảo quản, làm các thủ tục hành chính nhưng nhiều đối tác chưa quen và cơ quan quản lý vẫn yêu cầu có con dấu.
“Trong khi tất cả các doanh nghiệp đều có con dấu thì doanh nghiệp nào không có vẫn bị nghi ngờ”, một ý kiến doanh nghiệp nêu.
Con dấu có thể “theo chân” hóa đơn GTGT? Theo VCCI, trước đây doanh nghiệp phải mua hóa đơn giá trị gia tăng của cơ quan quản lý nhà nước. Sau đó các doanh nghiệp được phép tự in hóa đơn theo lộ trình. Kết quả cho thấy, trong thời gian đầu, chỉ có doanh nghiệp lớn tự in hóa đơn. Sau đó, các doanh nghiệp nhỏ cũng tự in cho mình và hiện nay việc này đã trở nên phổ biến. |