WB: Sáp nhập ngân hàng yếu "làm khổ" ngân hàng khỏe

Một nhà băng yếu được sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn thì không thể khỏe lên, ngược lại nó lại khiến ngân hàng khỏe yếu đi, không thể loại trừ việc phá sản các ngân hàng yếu kém, chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến cáo.

Chỉ sáp nhập ngân hàng là chưa đủ

Tại buổi họp báo công bố báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, các chuyên gia khẳng định, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trải qua thời kỳ thanh lọc, nhưng tái cơ cấu ngân hàng không chỉ có sáp nhập, mua lại là đủ.

Trả lời câu hỏi của PV Infonet liên quan tới quan điểm của WB trước “thị trường” mua bán, sáp nhập ngân hàng thời gian qua khá sôi động, và tới đây sẽ có thêm 6-7 ngân hàng sáp nhập lại với nhau, bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam thẳng thắn: “Nếu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà chỉ là sáp nhập, mua bán giữa các ngân hàng với nhau thôi là không đủ”

WB: Sáp nhập ngân hàng yếu "làm khổ" ngân hàng khỏe - 1

Bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam (giữa): NHNN nên kiên quyết cho phá sản ngân hàng quá yếu

Theo bà Kwa Kwa, sáp nhập chỉ là một trong nhiều biện pháp tái cơ cấu và cải cách hệ thống tài chính ở mỗi quốc gia. Nếu rơi vào tình huống ngân hàng yếu mà lại sáp nhập, “trộn” vào ngân hàng lớn hơn thì không thể giải quyết được vấn đề. “Một nhà băng yếu được sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn thì không thể khỏe lên, ngược lại nó lại khiến ngân hàng khỏe yếu đi” – bà Kwa Kwa nghi ngại.

Vì thế, theo chuyên gia từ WB, dù chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là “tránh không để ngân hàng nào đổ vỡ”, nhưng với những trường hợp cụ thể cũng không thể loại trừ trường hợp phá sản các ngân hàng yếu kém.

“Theo thời gian, số lượng ngân hàng sẽ ít hơn, các ngân hàng sẽ trở nên mạnh hơn thông qua sáp nhập, nhưng cũng có trường phải kiên quyết loại trừ. Nếu nhà băng nào yếu quá thì NHNN nên tính toán, cân nhắc cho phá sản số này để không ảnh hưởng tới sự an toàn của cả hệ thống ngân hàng” – Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nói.\

Nợ xấu kéo lùi tăng trưởng

Một hiện tượng gần đây từ hệ thống ngân hàng khiến các chuyên gia WB lo ngại, là nợ xấu đang là nỗi ám ảnh, thậm chí đang cản đường quá trình tái cơ cấu ngân hàng ở Việt Nam. Điều này thể hiện qua thực tế, bản thân các ngân hàng sử dụng tiền của mình mua trái phiếu Chính phủ chứ không cho vay vì họ sợ sẽ tiếp tục “vấp” phải nợ xấu.

Dù một lượng nợ xấu đáng kể đã được Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mua lại từ tháng 10 năm ngoái, nhưng hiện WB chưa có dữ liệu đầy đủ, chính xác về hoạt động cũng như quá trình xử lý nợ của VAMC.

"Họ đã hoạt động và mua lại lượng nợ xấu đáng kể, nhưng chúng tôi chưa có những thông tin chi tiết. Do vậy, chúng tôi mới chỉ biết việc VAMC đang hoạt động hơn là quá trình họ xử lý nợ xấu như thế nào", bà nói.

Bổ sung thêm về câu chuyện nợ xấu, ông Bert Hofman – chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á Thái Bình Dương (WB) đánh giá, nợ xấu đang là nút thắt cổ chai, kéo lùi sự phát triển và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, WB nghi ngại số liệu nợ xấu chưa được minh bạch ở Việt Nam.

“Tôi chưa thể có khuyến nghị cụ thể gì với Việt Nam vì chưa biết rõ tầm cỡ quy mô nợ xấu", ông Hofman cho hay. Song vị chuyên gia của WB cũng quả quyết, “Việt Nam phải kiên quyết loại bỏ “nút thắt cổ chai” này nếu muốn tái cơ cấu các ngân hàng một cách toàn diện và NHNN phải rất nghiêm khắc với việc né tránh nợ xấu hay báo cáo nợ xấu không đầy đủ từ các ngân hàng thương mại”.

Về triển vọng kinh tế năm 2014, tổ chức này dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn khoảng 5,5%, tăng nhẹ so với năm 2013. Dự báo này của WB được đưa ra dựa trên giả định Chính phủ theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và tiếp tục tái cơ cấu. Cán cân thương mại và vãng lai dự kiến vẫn thặng dư, nhưng ở mức thấp hơn năm 2013. Lạm phát có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là 7% trong trường hợp tăng trưởng tín dụng khiêm tốn và sẽ không xảy ra những cú sốc lớn từ phía cung.

Nghi án nhận hối lộ: WB sẽ tăng cường kiểm soát gấp đôi với dự án ODA

Trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh thông tin nghi án quan chức ngành đường sắt Việt Nam nhận hối lộ của Công ty tư vấn đường sắt Nhật Bản (JTC) tại một dự án ODA, bà Victoria Kwa Kwa cho rằng, bất kỳ việc sử dụng sai nguồn vốn công quỹ nào dù trong nước hay nước ngoài đều là rất xấu và xử lý rất nghiêm.

Với trường hợp cáo buộc quan chức Việt Nam nhận hối lộ từ đối tác Nhật Bản, đây mới chỉ là thông tin đưa trên báo chí nên cần chờ kết quả đánh giá chính xác từ phía Bộ Giao thông Vận tải và các bên liên quan. Vì thế, WB chưa có phản ứng chính thức về vụ việc này. Còn nếu cáo buộc đó là đúng thì chắc chắn Chính phủ phải có động thái mang lại niềm tin cho nhà tài trợ và WB sẽ có hành động phù hợp, còn hiện vụ việc này chưa có những ảnh hưởng gì lên nguồn ODA dành cho Việt Nam.

“WB và các đối tác phát triển coi cáo buộc này là nghiêm trọng và đang nỗ lực tăng cường kiểm soát gấp đôi để ngăn ngừa các trường hợp gian lận từ dự án ODA mà mình tài trợ cho Việt Nam. Tuy vậy, mọi việc vẫn phải chờ kết luận chính thức từ phía Bộ Giao thông Vận tải mới có câu trả lời chính xác”- bà Kwa Kwa lên tiếng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN