Vua gỗ Trường Thành: "ba chìm bảy nổi", bao giờ mới yên?
TTF lại gây choáng váng cho cổ đông khi báo lỗ “khủng” tới 565 tỷ đồng trong quý 2/2018, nâng tổng lỗ lũy kế nửa đầu năm lên gần 568 tỷ đồng.
Nhận quả đắng khi đang nằm mơ “trên thiên đường”
2014-2015 là giai đoạn hoàng kim của Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) khi đạt được kết quả kinh doanh rất ấn tượng và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất về lĩnh vực xuất khẩu gỗ. Năm 2015, doanh thu của TTF tăng gần gấp đôi so với cùng kì lên 2.752 tỷ đồng, lãi ròng tăng gấp ba lên mức kỉ lục gần 189 tỷ đồng.
Niềm vui còn nhân đôi khi Gỗ Trường Thành nhận được tin có thể trở thành công ty con của một tập đoàn kinh tế lớn trong nước và được bao tiêu 30% doanh thu, cũng như nhận được nguồn lực mạnh mẽ để nâng cấp, mở rộng kinh doanh.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, Gỗ Trường Thành đã quyết định phát hành 69,7 triệu cổ phần cho công ty con của Tập đoàn này nhằm mục đích chuyển đổi khoản vay trị giá trên 1.200 tỷ đồng.
Đến tháng 5/2016, công ty con nói trên đã chi ra 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn Gỗ Trường Thành. Tuy nhiên, sau đó, họ đã phát hiện ra một số sai lệch rất nghiêm trọng về số lượng hàng tồn kho tại báo cáo tài chính của “vua gỗ” nên đã tạm ngưng chuyển đổi khoản nợ này.
Ngay khi thông tin này được công bố, cổ phiếu TTF đã có chuỗi giảm sàn kỉ lục tới 24 phiên liên tiếp, bốc hơi hơn 80% giá trị từ 43.600 đồng xuống 8.100 đồng. Sau đó, khi công bố BCTC quý 2/2016, Gỗ Trường Thành đã giáng một đòn choáng váng vào các cổ đông với khoản lỗ bất ngờ lên đến 1.081 tỷ đồng.
Vấn đề khiến nhà đầu tư “chết lặng” là việc kiểm kê phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho trong giá vốn hàng bán, khiến cho giá vốn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên mức 1.690 tỷ đồng – cao gấp đôi doanh thu. Đó là chưa kể đến hàng loạt những giao dịch với các công ty có liên quan bị nghi ngờ để tạo doanh thu khống và doanh nghiệp chưa trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi.
Kết thúc năm 2016 “kinh hoàng”, Gỗ Trường Thành báo lỗ ròng 1.271 tỷ đồng, tổng nợ phải trả lên đến 3.453 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu còn vỏn vẹn 132 tỷ đồng.
Cổ phiếu TTF đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, cha con người sáng lập – ông Võ Trường Thành – đã phải đắng cay từ nhiệm sự nghiệp cả đời của mình và đối mặt với việc đền bù thiệt hại đã gây ra cho công ty.
Ông Võ Trường Thành “đắng cay” rời bỏ sự nghiệp cả đời tại Gỗ Trường Thành
Ba chìm bảy nổi, bao giờ mới yên?
Đến nay, sau 2 năm xảy ra vụ bê bối, tại TTF đã có nhiều thay đổi, nhóm cổ đông cùng ban điều hành mới đang làm tất cả để vực dậy doanh nghiệp. Song, con đường trở lại của TTF vẫn hết sức mờ mịt.
Trong năm 2017, công ty đã phần nào giải quyết được gánh nặng nợ nần khi biến khoản nợ 1.130 tỷ đồng từ Tập đoàn Vingroup trở thành khoản đặt cọc cho hợp đồng cung cấp sản phẩm trị giá 16.000 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng huy động 700 tỷ đồng từ các nhà đầu tư để trả nợ.
Sau bài toán nợ nần là đến bài toán hàng tồn kho. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, CT HĐQT Mai Hữu Tín cho biết vấn đề của TTF nằm ở tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm và các vấn đề này sẽ giải quyết dứt điểm trong năm nay. Ông còn nhấn mạnh thêm rằng, để giải quyết được vấn đề của TTF thì “cơ thể này sẽ còn phải trải qua những đau đớn nhất định”.
Cú trượt dài của cổ phiếu TTF. Nguồn: hsx.vn
Và đúng như vậy, sau 4 quý liên tiếp có lãi trước đó, Gỗ Trường Thành lại gây sốc cho cổ đông khi báo lỗ tới 565 tỷ đồng trong Qúy 2/2018, nâng tổng lỗ lũy kế nửa đầu năm lên gần 568 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu Qúy II của TTF giảm mạnh 59% xuống còn 124 tỷ đồng, giá vốn tăng cao khiến TTF phải chịu lỗ gộp 69,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh lên 104,6 tỷ, lãi vay 84 tỷ đồng. Đặc biệt là chi phí quản lý tăng mạnh gấp 10 lần lên 398,5 tỷ do phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi đến 370 tỷ đồng.
Đến cuối quý 2/2018, hàng tồn kho của TTF tăng 141 tỷ đồng lên ghi nhận mức 1.754 tỷ đồng, tăng 141 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm là các “ung nhọt” mà ban lãnh đạo TTF cho biết sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2018.
Hiện tại, cổ phiếu TTF đã rớt về quanh mức 3.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức thấp nhất trong lịch sử niêm yết. Cổ đông của TTF có lẽ cũng đã rất mệt mỏi và không biết còn phải chờ đợi đến bao giờ để nhìn thấy tương lai tươi sáng hơn của doanh nghiệp.
Lợi nhuận sụt giảm mạnh gần 70% so với cùng kì, trong khi đó tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này đã vượt 18 ngàn...