"Vua cơm cháy" Ninh Bình thành tỉ phú ở tuổi 28
Sinh ra tại vùng quê nổi tiếng với đặc sản cơm cháy, anh Bùi Văn Mạnh (Nho Quan – Ninh Bình) đã tìm ra hướng phát triển mới cho đặc sản quê hương thông qua việc đóng gói, phân phối sản phẩm khắp nơi.
Cơm cháy đóng gói
Nhắc đến cơm cháy Ninh Bình là nhắc đến ông chủ trẻ Bùi Văn Mạnh. Một lần đi ăn nhà hàng, anh Mạnh bị hấp dẫn ngay bởi hương vị thơm ngon của món cơm cháy, thịt dê của quê hương mình. Đồng thời, anh Mạnh chứng kiến môt số khách hàng muốn gói sản phẩm mang về nhưng không được đáp ứng, nguyên nhân do món ăn này chỉ có thể ăn nóng.
Chân dung "Vua" cơm cháy
“Quê hương anh là nơi có nhiều danh lam thắng thắng, du khách đổ về rất đông. Chứng kiến ngày càng nhiều khách du lịch sau khi thưởng thức món ăn tại đây có nhu cầu mua về nhà nhưng không được đáp ứng, tôi chợt nghĩ đến việc đóng gói sản phẩm cơm cháy. Điều này giúp khách để được cơm lâu dài mà vẫn thơm ngon, giòn nhằm khắc phục nhược điểm này của đặc sản quê hương” – anh Mạnh cho hay.
Nghĩ là làm, anh Mạnh bàn với bố và được bố ủng hộ dù ban đầu có hơi băn khoăn. Anh Mạnh gom vốn, vay mượn thêm từ bạn bè để bắt đầu công việc. Có người cầm sổ hưu cho anh vay tiền, có người bán trâu, bán bò giúp vốn anh, bạn bè tin tưởng cho anh vay thêm nên nguồn vốn khởi nghiệp tạm ổn.
Chưa từng làm cơm cháy, anh Mạnh đến nhiều gia đình ở địa phương học hỏi cách làm. Ngoài ra, qua nhiều nguồn thông tin anh biết được ở TP.Hồ Chí Minh đã có người làm cơm cháy đóng gói. Anh Mạnh lăn lội vào TP. Hồ Chí Minh tiếp tục học hỏi.
Mày mò làm cơm cháy, anh Mạnh đổ gạo nếp vào nồi nhỏ dùng cho hộ gia đình, sau đó đổ xôi đã đồ chín ra một chiếc khay gỗ, rồi cán mỏng. Tiếp đó anh đem phơi nắng trên mái nhà rồi chiên giòn. Cơm cháy làm ra ngon nhưng lại phải phụ thuộc vào thời tiết. Trời nắng màu cơm đẹp, giòn, ngon còn bóng râm thì chất lượng giảm sút. Nếu không may gặp trời mưa coi như sản phẩm hỏng.
Sau này, dần mày mò, anh Mạnh đầu tư hệ thống máy sấy, máy cán, nồi đồ cơm nếp… để sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Điều này đã nâng sản lượng lên gấp nhiều lần. Trước kia, mỗi ngày cả hai bố con anh chỉ làm hết khoảng vài chục cân gạo trong một gian bếp nhỏ, sau này mở rộng lên hàng trăm m2.
Cơm cháy sau khi chiên xong
Với quyết tâm không mệt mỏi, anh Mạnh sớm xây dựng cơ sở của mình lớn mạnh, hiện nay có tổng diện tích 2700m2. Hệ thống sản xuất được anh Mạnh đầu tư bài bản theo hướng công nghiệp. Mỗi ngày cơ sở của anh Mạnh sản xuất được hơn 1 tấn cơm cháy.
Đóng gói sản phẩm cơm cháy Ninh Bình là hướng đi tiên phong nên anh Mạnh nhanh chóng có được thị phần rộng lớn. Hiện nay, sản phẩm của anh không chỉ được bày bán ở nhiều sạp hàng địa phương mà còn xuất đi nhiều tỉnh, thành khác, có mặt ở nhiều siêu thị lớn.
Thu nhập 12 tỉ một năm
Với việc mỗi ngày sản xuất hàng tấn cơm cháy, doanh thu mỗi năm của anh Mạnh lên tới 12 tỉ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương cao. Không chỉ thế, nhiều sạp hàng bày bán cơm cháy mang thương hiệu của anh Mạnh cũng có mức tiêu thụ khá ổn, khách du lịch ưa chuộng.
Ban đầu làm cơm cháy bằng gạo tẻ, sau này, bố con anh Mạnh quyết định làm bằng gạo nếp cho thơm ngon hơn. Hướng đi này được cho là đúng đắn bởi khách hàng hết sức ưa chuộng.
Cơm cháy là món ăn hầu hết du khách lựa chọn khi tới Ninh Bình
Tuy nhiên, thời gian đầu khởi nghiệp, anh Mạnh cũng gặp không ít thất bại. Khi cán cơm nếp đã đồ vào khay, chúng rất dính và khó gỡ. Bôi dầu ăn, mỡ động vật vào thì cơm cháy lại thiếu liên kết và dễ vỡ vụn. Sau này, anh Mạnh áp dụng việc lót nilon để chống dính.
Một thời gian sau khi có mặt trên thị trường và nhanh chóng hút khách, sản phẩm của anh Mạnh bị làm nhái rất nhiều và gây mất uy tín của sản phẩm. Anh Mạnh đã đăng kí độc quyền sản phẩm, xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng nên sản phẩm của anh đã có được thương hiệu riêng.
Tới đây, anh Mạnh còn mong muốn mở rộng thị trường, tiến tới đưa sản phẩm cơm cháy của mình xuất khẩu ra thế giới.