“Vua cá tra” miền Tây gặp may, đút túi hơn 80 tỷ trong vài ngày
Với một số thuận lợi có được, vua cá tra Hùng Vương đặt tham vọng lãi lớn trong năm 2019.
Thị trường chứng khoán ghi nhận phiên giảm điểm bất ngờ từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục “cạn kiệt” với chỉ vỏn vẹn hơn 3100 tỷ đồng đổ vào trên cả ba sàn. Kết thúc phiên giao dịch 8/1, VN-Index mất 2,2 điểm xuống 887,44 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng mất 0,65 điểm xuống 101,27 điểm.
Khối nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận phiên bán ròng thứ hai liên tiếp trên HSX với giá trị khoảng 124 tỷ đồng. Một số cổ phiếu bị khối này bán mạnh là HPG (Hòa Phát), NVL (Novaland), CTG (Vietinbank), HDB (HDBank).
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm nhẹ sau hai phiên tăng điểm trước đó
Đà giảm diễn ra trên hầu hết các nhóm cổ phiếu chủ chốt của thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, biên độ giảm giá của các cổ phiếu chỉ ở mức thấp đã giúp thị trường tránh được một phiên giảm sâu.
Đáng chú ý nhất là cổ phiếu NVL của đại gia bất động sản Novaland. Nhà đầu tư đã bán tháo NVL tại giá sàn sau thông tin một loạt khu đất tại các dự án bất động sản của doanh nghiệp này ở TPHCM bị Uỷ ban nhân dân Thành phố tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất. Mục đích của việc tạm dừng là nhằm rà soát lại hồ sơ pháp lý chặt chẽ theo quy định pháp luật.
Cụ thể, khu đất có quy mô lớn nhất trong danh sách 7 lô đất bị tạm dừng chuyển mục đích là lô 119 Phổ Quang, diện tích 15.028 m2, đã triển khai dự án Golden Mansion. Các khu đất còn lại nằm tại 128 Hồng Hà rộng 4.300 m2; lô 130-132 Hồng Hà có diện tích 9.196m2; lô 17-19-21 Nguyễn Văn Trỗi có diện tích 4.647m2; lô 146 Nguyễn Văn Trỗi rộng 4.680 m2; khu đất số 8 Hoàng Minh Giám rộng 4.678 m2 và số 38 Trương Quốc Dung rộng 4.300 m2. Đáng chú ý, các dự án tại các khu đất này đều đã được Novaland triển khai xây dựng và nhiều nơi còn đón cư dân về sinh sống.
Kết phiên hôm nay, NVL giảm sàn mất 4.300 đồng xuống 57.700 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh tại NVL đạt hơn 620 ngàn đơn vị, dư bán sàn cuối phiên là hơn 16 ngàn đơn vị.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản bất ngờ tỏa sáng khi tăng mạnh ngược xu hướng chung. Hàng loạt mã nhóm này tăng kịch trần như ASM (Tập đoàn Sao Mai), IDI (Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I), HVG (Thủy sản Hùng Vương) hay AAM (Thủy sản Mê Kông). Đáng chú ý, HVG đã ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp từ 4.420 đồng lên 5.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 22,17%.
Đại gia Dương Ngọc Minh - Chủ tịch thủy sản Hùng Vương
Mới đây, Hùng Vương đã gây bất ngờ khi đặt kế hoạch lãi ròng cho năm 2019 lên tới 255 tỷ đồng, tăng gấp 14 lần so với số lãi thực hiện được trong năm 2018 là 18 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch lãi từ mảng kinh doanh cá là 75 tỷ đồng và mảng kinh doanh thức ăn thủy sản là 180 tỷ đồng. Bước vào năm 2019, Hùng Vương còn đón nhận may mắn khi nằm trong diện được miễn thuế đối với mặt hàng cá tra-basa khi xuất sang Mỹ, theo kết luận sơ bộ POR14 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Trong năm 2018, việc Hùng Vương phải ngưng xuất khẩu cá tra vào Mỹ vì bị áp mức thuế xuất khẩu quá cao là một phần nguyên nhân gây khó khăn cho doanh nghiệp này.
Với đà tăng của HVG, đại gia Dương Ngọc Minh (Chủ tịch Thủy sản Hùng Vương, sở hữu 86,88 triệu cổ phiếu HVG) đã “bỏ túi” khoảng 85 tỷ đồng chỉ trong vài ngày.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tuần.