Vụ ly hôn đắt nhất lịch sử của tỷ phú Mỹ
Kỷ lục của những vụ ly hôn đắt đỏ hiện đang thuộc về tỷ phú Rupert Murdoch với tổng số tài sản phải chia là 1.7 tỷ đô la Mỹ khi ông ly dị người vợ thứ hai của mình. Tuy nhiên, kỷ lục đó sắp có chủ nhân mới mang tên Harold Hamm, khi cái giá của việc ly dị vợ hiện đang được dự đoán lên tới 3 tỷ đô la Mỹ.
Harold Hamm là người sáng lập kiêm CEO của Tập đoàn Continental Resources, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ. Tổng tài sản của Harold theo tạp chí Forbes đạt 11,3 tỷ đô la và ông đứng thứ 32 trong số 100 người giàu nhất nước Mỹ. Ông cưới Sue Ann vào năm 1988. Hamm và Ann có 2 người con gái, tính thêm 3 con trong cuộc hôn nhân trước, thì Harold có 5 người con.
Harold Hamm cưới Sue Ann vào năm 1988. Ảnh: Huffintonpost
Khác với phần đông những cuộc hôn nhân của các tỷ phú, cặp đôi này không hề ký thỏa thuận tiền hôn nhân, vì thế vụ ly dị này khiến Harold Hamm phải phân chia tổng số tài sản 11,3 tỷ đô la của mình nếu muốn chia tay vợ.
Đây có thể trở thành vụ ly dị hôn đắt đỏ nhất thế giới nếu Sue Ann được chia 3 tỷ đô la từ khối tài sản của Harold Hamm. Với số tiền này, Sue sẽ trở nên giàu có hơn cả Oprah, với số tài sản ước tính của Oprah là 2,8 tỷ đô la.
Sue Ann đã cố gắng tìm kiếm các bằng chứng về việc ngoại tình của Harold Hamm từ năm 2007, khi thuê lắp các thiết bị điện tử để theo dõi trong nhà. Một trong những hóa đơn phục vụ cho việc do thám của bà được trưng ra trước tòa lên tới 9,866.09$.
Cặp đôi đã đồng ý trong điều khoản “Không ai có lỗi trong vụ ly dị này”. Cho dù Sue Ann đưa ra tòa nhiều bằng chứng về việc ngoại tình của Harold, và lấy đây làm lý do đệ đơn ly dị, nhưng cuối cùng cặp đôi đã thỏa thuận rằng đây là cuộc ly hôn không do lỗi của bên nào, và việc ngoại tình của Harold sẽ không bị đem ra tranh cãi.
Diễn biến tại tòa càng trở nên ly kỳ hơn khi luật sư của Harold đòi Sue Ann công bố cuốn băng ghi hình, thay vì muốn chối bỏ cuốn băng này, bởi “nội dung của cuốn băng sẽ cho thấy Harold và Ann đã ly thân trong thời gian đó”, còn luật sư của Ann thì lại nhấn mạnh rằng “Việc ly thân hay không cũng không cho phép người chồng được có hành vi ngoại tình, lặp lại nhiều lần”.
Mấu chốt của phiên xử cuộc ly hôn này nằm ở thời điểm mà họ ly thân, bởi khối tài sản của Hamm tăng lên gấp 5 lần kể từ năm 2007, trong khi ông tuyên bố rằng họ đã ly thân từ năm 2003. Và nếu điều này được chứng minh, thì Hamm có thể sẽ không phải chia cho vợ số tiền mà ông kiếm được từ năm 2003 cho đến nay.
Harold và Ann đã cố gắng che giấu thông tin về cuộc ly dị của mình, phải đến gần đây thì dư luận mới được biết đến cuộc ly hôn đình đám này. Họ đã đệ đơn lên tòa với tên giả là John Doe và Jane Doe.
Hamm có thể không còn là cổ đông nắm quyền chi phối ở công ty nếu phải chia nửa cho Ann. Hiện ông đang sở hữu 68% cổ phiếu của công ty mình, nhưng nếu với 34% còn lại sau cuộc ly dị thì ông sẽ không thể tự mình đưa ra các quyết định lãnh đạo công ty do chính ông gây dựng nên từ con số 0.