Vũ khí bí mật của kinh tế Nhật Bản
Trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng này, các chính khách Nhật, hầu hết là nam giới, sẽ đưa ra cam kết về những gì họ sẽ làm để vực dậy kinh tế. Tuy nhiên, rất ít người trong họ đề cập tới phụ nữ như là một lối thoát.
Hôm 30/11 vừa qua, Chính phủ Nhật đã tung ra gói kích thích kinh tế mới trị giá 10,7 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với gói hồi tháng 10. Theo hãng tin AFP, gói kích thích kinh tế mới sẽ được rót cho các chương trình xã hội, tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ Nhật Bản cho biết gói kích thích này sẽ giúp kinh tế Nhật tăng thêm 0,2% GDP và tạo ra 80.000 việc làm.
Biện pháp trên được đưa ra sau khi Bộ Kinh tế Nhật Bản cảnh báo, sản xuất công nghiệp của nền kinh tế này đang trên đà đi xuống dù tăng nhẹ trong tháng 10. Giá tiêu dùng cũng ở mức âm vài tháng qua. Tuy nhiên, theo chuyên gia Junko Nishioka của RBS Japan Securities, gói kích thích không đủ để thúc đẩy tăng trưởng GDP, đặc biệt là cho đầu năm sau, và cũng không đủ để vực dậy hoạt động kinh doanh.
Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde hồi tháng 10 đã nói rằng, phụ nữ có thể giải cứu nền kinh tế Nhật Bản.
Theo bình luận mới đây của tờ Diva Asia, khó khăn mà Nhật Bản đang phải đối mặt là do dân số già quá đông so với tương quan lực lượng trong độ tuổi lao động. Điều đó đã dẫn tới tình trạng chi phí phúc lợi xã hội tăng lên và gây thêm sức ép cho nguồn thu thuế. Mặc dù làn sóng nhập cư sẽ làm tăng lực lượng lao động, song Nhật Bản không muốn đối mặt với sự di trú theo quy mô châu Âu.
Các nhà quan sát cho rằng, câu trả lời cho vấn đề này nằm ở chỗ, cần tạo thêm việc làm cho lực lượng nữ giới ở nước này. Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde hồi tháng 10 đã nói rằng, phụ nữ có thể giải cứu nền kinh tế Nhật Bản ra khỏi những khó khăn hiện nay, nếu như có thêm nhiều người thuộc giới này có việc làm.
Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs đưa ra năm 2010 cũng cho rằng, GDP của Nhật Bản có thể tăng trưởng mạnh, nếu có thêm nữ giới tham gia lao động. Hiện chỉ có 60% số phụ nữ tham gia lao động. Nếu tỷ lệ này bằng với con số 80% như ở nam giới, nghĩa là sẽ có thêm 8 triệu lao động nữ gia nhập thị trường lao động, thì mục tiêu vực dậy GDP như trên không có gì khó khăn.
Báo cáo cho hay, hiện cứ 10 người phụ nữ đi làm thì có 7 người sẽ rời bỏ sau khi có sinh con lần đầu và chỉ có 65% nữ giới có trình độ đại học tham gia lực lượng lao động. Còn theo dữ liệu của Bộ Lao động Nhật Bản, phụ nữ nước này chỉ làm được khoảng 60% số việc mà nam giới đã làm, một phần do lượng lớn phụ nữ làm việc bán thời gian.
Mặc dù một số phụ nữ chọn lựa ở nhà làm nội trợ, song theo các chuyên gia kinh tế, một số khác bắt buộc phải ở nhà do không có sự lựa chọn nào khác. Năm nay, trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Nhật Bản đã tụt 3 hạng, xuống vị trí thứ 101 trong số 135 quốc gia được xếp hạng.
Bà Kaori Sasaki, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của một công ty tư vấn ở Nhật Bản, cho rằng, bình đẳng giới không được quan tâm lắm ở Nhật Bản. "Nhật Bản thực sự mạnh trong khoảng 5 - 6 thập niên sau Thế chiến 2, là do nam giới giữ các vị trí lãnh đạo hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế, truyền thông và chính trị", bà Kaori Sasaki nói.
Mô hình lãnh đạo là nam giới đã chia sẻ những giá trị giống nhau và đưa ra những quyết định không bị ai phản đối. Nhưng mô hình này đã không đáp ứng được những thách thức trong 20 năm trở lại đây, điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản vẫn dậm chân tại chỗ, bà Kaori nói thêm.
Số liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, số phụ nữ làm lãnh đạo chỉ chiếm có 1,2% trong khoảng 3.600 công ty đăng ký kinh doanh. Theo bà Kaori, đàn ông Nhật cần nhận thức rõ những nỗ lực thu hẹp từ lâu đã không còn là một vấn đề về quyền lợi, mà là một chiến lược quản lý và tăng trưởng.
Hàng loạt vụ bê bối về kế toán ở Nhật Bản bị phanh phui gần đây, như ở Công ty Olympus (giấu lỗ gần 1,7 tỷ USD) rồi đến khủng hoảng tại TEPCO, đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Nếu lực lượng điều hành những nơi này không quá thiên lệch về giới tính, chắc chắn họ sẽ có những biện pháp xử lý linh hoạt và hiệu quả hơn, tránh gây ra tổn thất nặng nề.
Saadia Zahidi, phụ trách vấn đề bình đẳng giới và nguồn nhân lực của Diễn đàn Kinh tế thế giới, cũng đồng tình với quan điểm trên. Tuy nhiên giáo sư Masahiro Yamada thuộc trường Đại học Chuo ở Tokyo lại cho rằng, giờ không phải là lúc Nhật Bản cần phụ nữ đi làm để kinh tế tốt hơn, mà theo ông, nước này cần phụ nữ đi làm để tồn tại.
"Nếu phụ nữ không đi làm và không có thu nhập riêng, họ không thể bắt đầu một gia đình", giáo sư Yamada cho biết. "Và nếu như phụ nữ không gia nhập lực lượng lao động, nguồn thu từ mảng thuế khóa của Chính phủ Nhật Bản cũng không thể được nâng lên, vì dân số sẽ tiếp tục sụt giảm".