Vụ "Hồ sơ Panama": Tổng cục thuế làm gì để xác minh?

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), dựa vào hồ sơ Panama, ngành thuế sẽ tìm hiểu, xác minh các trường hợp liên quan xem có vi phạm quy định về thuế hay không. Sau đó, có thể đưa ra kiến nghị điều chỉnh chính sách nếu cần thiết.

Vụ "Hồ sơ Panama": Tổng cục thuế làm gì để xác minh? - 1

“Hồ sơ Panama”: sự vào cuộc của báo chí.

Rà soát lại quy định

Chiều 11/5, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Đại Trí cho biết, danh sách 19 tổ chức, 189 cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama mới là thông tin ban đầu, có thể sẽ còn tăng thêm nữa. Website của tổ chức phóng viên điều tra quốc tế cũng nêu rõ: “Có thể có nhiều cá nhân, tổ chức trùng tên”, nên chúng ta phải hết sức thận trọng. “Tổng cục Thuế đã lập tổ xác minh, và giao các đơn vị liên quan như thanh tra, hợp tác quốc tế, chính sách thuế, tuyên truyền và một số cơ quan liên quan khác tìm hiểu sâu hơn về danh sách và hồ sơ các cá nhân, tổ chức được công bố. Sau đó, tổ xác minh sẽ đề xuất các bước đi tiếp theo làm thế nào”, ông Trí nói.

Theo ông Trí, khi xác định rõ 1 trường hợp nào đó cụ thể, sẽ phải tra cứu xem đối tượng đó thuộc phạm vi quản lý của ngành thuế không, so sánh với các tài liệu liên quan. Có thể so sánh số liệu nộp thuế của cá nhân, tổ chức đó tại cơ quan thuế nơi cá nhân, tổ chức đó đăng ký, đồng thời so sánh với pháp luật Việt Nam để xem xét, đánh giá, xác minh. Danh sách các cá nhân, tổ chức trong hồ sơ Panama mới là đường dẫn để tìm hiểu thêm, thông tin tham khảo nên phải hết sức thận trọng, không hấp tấp, vì có thể dẫn tới hậu quả không hay. Ngoài ra, để xác minh thông tin cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, như Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT… Thuế là lực lượng phối hợp.

Trường hợp cá nhân có quốc tịch Việt Nam nhưng định cư ở nước ngoài, theo Tổng cục Thuế, phải liên hệ với nước nơi công dân cư trú để có đánh giá nhận định. Trường hợp đó phải căn cứ theo luật nước sở tại, không thể đem luật Việt  Nam ra áp dụng được.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, nếu khi xác minh, làm rõ được thông tin có trốn hay lách thuế, ngoài xử lý cá nhân, tổ chức liên quan, cơ quan thuế sẽ nghiên cứu, rà soát chính sách hiện tại xem có gì chưa phù hợp để kiến nghị chỉnh sửa. “Đây (vụ hồ sơ Panama – PV) là hồi chuông báo động để ngành thuế, tài chính rà soát lại quy định hiện tại”, ông Trí nói.

Về những trường hợp cá nhân nằm trong danh sách thu nhập cao nhất Việt Nam, nhưng lại không nằm trong danh sách nộp thuế nhiều nhất liệu có được đem ra xem xét, ông Trí cho biết: “Đấy có thể xem như là phương pháp nghiệp vụ, để xác minh. Trong chừng mực nào đều phải có giám sát xem có chuyển lợi nhuận, chuyển giá không? Cục Thuế còn có cả danh sách thiên đường thuế trên thế giới nhưng thế nào là thiên đường thuế cũng chưa có định nghĩa rõ ràng”.

Chưa có hiệp định về thuế với “thiên đường thuế”

Theo hồ sơ Panama, có 19 công ty có trụ sở ở các “thiên đường thuế” liên quan đến Việt Nam. Trong đó, 15 công ty đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh, 2 công ty đặt tại Bahamas, một tại Panama và một công ty chưa xác định được địa danh.

Từ năm 1994, Việt Nam đã ký hiệp định với Anh về tránh đánh thuế 2 lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế với thuế thu nhập và lợi tức từ chuyển nhượng tài sản. Tuy nhiên, quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh nhưng không thuộc “Anh và Bắc Ai len” theo quy định của hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Trong khi đó, đảo Bahamas và Panama đều chưa ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam.

Được biết, Việt Nam đã đàm phán và ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, mới có 63 hiệp định có hiệu lực (số còn lại mới kết thúc đàm phán, đang đợi chính phủ các nước thông qua). Trường hợp có hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, cơ quan thuế Việt Nam có thể chủ động trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước bạn để thu thập thông tin. Nếu chưa có hiệp định, muốn thu thập thông tin về thuế phải thông qua con đường ngoại giao.

A84 đã làm việc với Tổng cục Thuế

Theo thông tin Tiền Phong có được, khi hồ sơ Panama được tiết lộ vào đầu tháng 4 vừa qua, Cục An ninh Tài chính - Tiền tệ và Đầu tư (A84, Bộ Công an) đã cử cán bộ sang làm việc với Tổng cục Thuế để nắm thông tin và phối hợp tìm hiểu. Sau khi có danh sách 189 cá nhân và 19 tổ chức Việt Nam được công bố, chiều 10/5, Tổng cục Thuế cũng họp đánh giá và lập tổ xác minh. Sáng 11/5, Bộ Tài chính cũng họp về nội dung này và giao các đơn vị liên quan tìm hiểu, xác minh và theo dõi sát diễn biến vụ việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN