Vụ Grab thâu tóm Uber: Có thể bị “xử” theo Luật Cạnh tranh mới

Vụ việc Grab thâu tóm Uber có dấu hiệu vi phạm quy định tập trung kinh tế, chậm nhất 18/11 sẽ có kết quả...

Ngày 13/9, tại Hội thảo Phổ biến Luật Cạnh tranh, bà Trần Phương Lan, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công thương cho biết: Vụ việc Grab thâu tóm Uber có dấu hiệu vi phạm quy định tập trung kinh tế, chậm nhất 18/11 sẽ có kết quả điều tra.

Đáng chú ý, theo quy định hiện hành, vụ việc đang được điều tra, xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004. Nhưng nếu đến ngày 1/7/2019, khi Luật Cạnh tranh 2018 với nhiều quy định mới có hiệu lực thi hành, mà vụ việc vẫn chưa kết thúc thì có thể được xử lý theo quy định mới. “Theo Điều 118 quy định về chuyển tiếp vụ việc thì vụ Grab thâu tóm Uber sẽ được tiếp tục xem xét theo hai trường hợp: Nếu hành vi đang bị điều tra không vi phạm Luật Cạnh tranh 2018 thì sẽ được đình chỉ điều tra, xử lý. Còn nếu bị xác định là vi phạm Luật Cạnh tranh 2018 thì sẽ tiếp tục bị điều tra theo luật mới”, bà Lan thông tin.

Vụ Grab thâu tóm Uber: Có thể bị “xử” theo Luật Cạnh tranh mới - 1

Vụ việc Grab thâu tóm Uber có dấu hiệu vi phạm quy định tập trung kinh tế

Cho rằng có sự khác biệt rất rõ nét giữa Luật Cạnh tranh 2004 và Luật Cạnh tranh 2018 liên quan tới câu chuyện tập trung kinh tế và thống lĩnh thị trường, theo ông Phùng Văn Thành, Phòng điều tra hành vi vi phạm hạn chế cạnh tranh, Cục CT&BVNTD, quy định của Luật Cạnh tranh 2004, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên thì được coi là thống lĩnh thị trường hay có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Nhưng theo Luật Cạnh tranh 2018, sự kết hợp tạo nên thị phần trên 30% cũng chưa chắc đã vi phạm nếu doanh nghiệp thống lĩnh không gây tác động hoặc tác động không đáng kể đối với thị trường. Tức là không cấm các doanh nghiệp tạo nên thị phần thống lĩnh với điều kiện không gây tác động bất lợi tới thị trường, không làm thay đổi cấu trúc thị trường, ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh, người tiêu dùng. Còn với trường hợp vượt ngưỡng quy định và có khả năng gây tác động đối với thị trường thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (đơn vị được lập ra cùng với việc thực thi Luật Cạnh tranh 2018) sẽ đánh giá tác động để tùy trường hợp mà đưa ra biện pháp xử lý.

Được biết, Luật Cạnh tranh 2018 quy định hành vi vi phạm về lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm tài chính liền kề trước đó. Mức phạt tối đa đối với quy định cạnh tranh không lành mạnh được quy định cứng là 2 tỷ đồng. Còn cá nhân vi phạm sẽ chịu phạt bằng 50% mức phạt so với tổ chức.

Liên quan tới cước phí vận tải biển, đại diện Cục CT&BVNTD cho biết, cũng từng có hiện tượng các hãng tàu thỏa thuận ngầm ấn định phí, gây tác động tới chủ hàng. “EU đã xử lý được vấn đề trên do có quy định pháp luật. Còn tại Việt Nam, chủ hàng có đơn kiến nghị gửi tới cơ quan cạnh tranh nhiều lần nhưng vì thỏa thuận ngầm đó được thực hiện ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam nên lúc đó cơ quan cạnh tranh  không thể xử lý vụ việc”, bà Lan nhận định. Tương tự, một trường hợp khác là Tập đoàn Central (CG) của Thái Lan mua lại Big C Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước cũng bất lực bởi vụ việc được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nên không thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Cạnh tranh 2004. Tuy nhiên, theo bà Lan, Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực từ 1/7/2019, sẽ bổ sung thêm đối tượng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có liên quan. Do đó, có thể hy vọng  tất cả những hiện tượng và hành vi trên sẽ được xử lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Grab mua lại Uber ở Đông Nam Á Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN