Vốn ODA rót cho Việt Nam đạt kỷ lục 7 tỷ USD
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhận định trong các tháng còn lại của năm 2013 dự kiến tổng giá trị ODA và vốn vay ưu đãi khoảng 2,4 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn cả năm 2013 trên 7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Hơn 1/3 nguồn vốn dành cho ngành GTVT
Báo cáo gửi Hội nghị 20 năm hợp tác ODA, Bộ KH&ĐT cho biết, tổng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2013 trên 3,8 tỷ USD, tăng 20 % cùng kỳ năm ngoái.
Một số dự án ODA có giá trị lớn, như nhà máy xử lý nước thải tập trung tại Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội trên 306 triệu USD; Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 - giai đoạn 1 (ga Ngọc Hồi) trị giá 179,2 triệu USD; Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội – TP HCM hơn 148 triệu USD...
Một số dự án ở Hà Nội giải ngân chậm do nhiều vướng mắc ở khâu GPMB
Trong 6 tháng đầu năm 2013 các nguồn vốn này tập trung nhiều vào lĩnh vực GTVT với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 37,37%. Ngay sau đó là lĩnh vực cấp nước và môi trường (881 triệu USD= 22,98%). Ngược lại các lĩnh vực khác như nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo, năng lượng, phát triển đô thị…chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhận định trong các tháng còn lại của năm 2013 dự kiến tổng giá trị ODA và vốn vay ưu đãi khoảng 2,4 tỷ USD. Như vậy, nếu không có thay đổi lớn, tổng vốn cả năm 2013 trên 7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Các chương trình, dự án có quy mô vốn lớn dự kiến ký kết từ nay đến hết năm 2013 gồm: Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Công (544 triệu USD), Nhà ga hành khách quốc tế T2 - sân bay Nội Bài (332 triệu USD), Dự án Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL (176 triệu USD).
Giải ngân chậm chạp
Theo Bộ KH&ĐT, tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã giải ngân 6 tháng đầu năm 2013 trên 2,2 tỷ USD.
Bộ GTVT hiện có 44 dự án, với 19 dự án có mức giải ngân từ 40% trở lên so với kế hoạch năm, 16 dự án mức giải ngân thấp dưới 20%, điển hình là dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (4%); cao tốc Bến Lức – Long Thành (16%); đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (19%).
Vướng mắc lớn nhất vẫn là vấn đề về GPMB chậm chạp gây chậm tiến độ thi công. Điển hình như dự án cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân- Nội Bài, 2 dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Cao tốc Nội Bài – Lào Cai...
Bên cạnh đó chi phí GPMB tăng 2 – 3 lần sau khi áp dụng Nghị định 9/2009/NĐ-CP. Hầu hết các dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, bố trí tăng nguồn vốn đối ứng trong điều kiện ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra là vốn đối ứng cho các dự án chưa đảm bảo nhu cầu. Việc điều chuyển các tiểu dự án về địa phương, tiến độ thực hiện GPMB không nhanh hơn, một số địa phương còn làm chậm tiến độ của dự án.
Tương tự, Bộ GD&ĐT với 30 chương trình, dự án ODA, tiến độ giải ngân trung bình cũng còn thấp, chỉ bằng 30,59 % kế hoạch năm 2013. Tỷ lệ giải ngân thấp do một số các dự án mới triển khai hoạt động nên chưa giải ngân được vốn.
Với 48 chương trình, dự án của Bộ Y tế đang thực hiện cũng bị đánh giá là rất chậm so với kế hoạch khi chỉ đạt 21,1%, với 21 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 40% và chỉ có 01 dự án có tỷ lệ giải ngân trên 80%.
Tại TP Hà Nội hiện có 23 dự án. Theo báo cáo của cơ quan chủ quản, mức giải ngân trung bình trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 57,3%. Tiến độ giải ngân vốn ODA được đánh giá cao, tuy nhiên giải ngân vốn đối ứng còn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Một số dự án chậm tiến độ điển hình được kể đến là: Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội; Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TPHN (đoạn Nhổn- ga Hà Nội)...
Nguyên nhân vướng mắc do khối lượng GPMB lớn, trong khi các chế độ chính sách, quy trình thực hiện có nhiều thay đổi làm gián đoạn và kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng.
Tại TP. HCM với 21 dự án, trong đó có 10 dự án đầu tư và 11 dự án hỗ trợ kỹ thuật. Tổng mức giải ngân ODA 6 tháng đầu năm 2013 đạt 1.783 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân cũng được đánh giá chậm, với 07 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 40%.