Vốn dài hạn ồ ạt chảy vào ngân hàng

Lo lắng lãi suất sẽ giảm nhanh trong thời gian tới, nhiều người dân đã gửi ngân hàng tiền VND với kỳ hạn dài nhằm cố định lãi suất.

Nhiều ngân hàng thương mại cho biết xu hướng gửi tiền đồng các kỳ hạn dài đang hình thành rõ rệt từ đầu tháng 5.2012 đến nay, khi lãi suất huy động bắt đầu hạ nhiệt.

Tăng 30%

Chị Hương Giang, một khách hàng gửi tiền tại Agribank chi nhánh Lũy Bán Bích, ngày 18.5, nêu lý do khi gửi tiền đồng với kỳ hạn 1,5 năm: “Đây là tiền nhàn rỗi, nên lúc này tôi tranh thủ gửi ngân hàng dài hạn để còn được lãi suất 12%/năm, chứ tình hình này lãi sẽ xuống nữa, gửi ngắn hạn sợ thiệt”. Tâm lý này của số đông người dân đã khiến dòng vốn dài hạn đang chảy mạnh vào các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng lớn.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc của Vietinbank, cho biết so với cuối năm 2011, nguồn tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tăng khoảng 1,8%/năm, nhưng so với cùng kỳ năm 2011 tăng 41%, trong đó tiền gửi dài hạn trên 1 năm đã tăng mạnh từ tháng 4 trở lại đây. Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó tổng giám đốc của Vietcombank, cũng cho biết so với năm 2011, tiền gửi dài hạn hiện đã tăng khoảng 30% và đang tiếp tục có xu hướng tăng. Tại một số ngân hàng có hội sở tại TP.HCM như Eximbank, ACB cũng có tình hình huy động VND tương tự. “Giữa tháng 3 đến nay, từ các kỳ hạn tuần, khách hàng đã chuyển sang kỳ hạn tháng, còn những khách hàng trước nay gửi tháng, phần nhiều đều chuyển lên kỳ hạn lâu hơn để... cố định lãi suất”, một phó giám đốc chi nhánh của ACB cho biết.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cũng xác nhận thông tin này: “Cơ cấu vốn huy động dài hạn trên ngắn hạn đang diễn biến tốt so với năm 2011, tiền đồng từ khu vực dân cư tăng, các kỳ dài hạn cũng tăng.”

Vốn dài hạn ồ ạt chảy vào ngân hàng - 1

Lo ngại lãi suất giảm, tiền gửi vào ngân hàng thời gian gần đây có xu hướng chuyển sang các kỳ dài hạn.

Lãi suất sẽ về mức nào?

Vốn huy động dài hạn trong các ngân hàng tăng, cho vay không được đã khiến nhiều ngân hàng đang “ứ” thanh khoản. Vì thế, lãi suất bình quân liên ngân hàng ở nhiều kỳ hạn giảm mạnh, đặc biệt là qua đêm, 2, 3 tuần và 2 tháng. Theo NHNN, tuần giữa tháng 5, các kỳ hạn này đều giảm 0,09 - 1,05%/năm, đặc biệt lãi suất qua đêm giảm còn 2 - 2,5%/năm, giảm thấp nhất trong nhiều năm qua. Tình hình này đã khiến nhiều ngân hàng dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục giảm.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó tổng giám đốc Vietcombank, phân tích: “Với tình hình này, lãi suất cho vay và huy động cuối quý 2 và đầu quý 3 sẽ giảm thêm 1 – 2%/năm”. Còn ông Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, nhận định: “Lạm phát giảm, tiền vào ngân hàng tăng và việc tăng trưởng tín dụng âm..., hàng loạt những lý do để lãi suất có thể giảm về mức kỳ vọng của doanh nghiệp”. Theo ông Tự Anh, chu trình vốn dài hạn vào ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng nếu các lĩnh vực đầu tư khác tiếp tục ảm đạm.

Trong thời điểm này, các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ không sinh lời, thậm chí là rủi ro quá cao, riêng chứng khoán cũng bị ảnh hưởng bởi việc doanh nghiệp thua lỗ. Thế nên, tiền sẽ vào ngân hàng nhiều hơn. Mặt khác, hoạt động tín dụng vẫn chiếm hơn 80% lợi nhuận của các ngân hàng, nên “chính các ngân hàng cũng thấy... cần hạ lãi suất”, ông Tự Anh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN