VND bị định giá quá cao, nhiều ngành kinh tế khốn đốn

Theo báo cáo của VERP, đồng Việt Nam có xu hướng lên giá trong giai đoạn 2011- 2014 và đang được định giá cao 7-11%. Điều này đã ảnh hưởng đến rất nhiều ngành sử dụng đầu vào trong nước.

Bên cạnh đó, việc lượng khách du lịch sụt giảm đột ngột tới Việt Nam gần đây cũng cần phải xem lại chính sách tỷ giá.

Phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam sáng nay (28/5), tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định kinh tế Việt Nam năm 2015 đã ổn định hơn những năm trước. 

Tuy nhiên, rủi ro vĩ mô sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2016, nguy cơ phá vỡ  ổn định kinh tế vĩ mô chủ yếu do Chính phủ phải theo đuổi chính sách tài trợ thâm hụt ngân sách trong bối cảnh chi lớn, tỷ giá, doanh nghiệp dễ bị tổn thương…

VND bị định giá quá cao, nhiều ngành kinh tế khốn đốn - 1

Ảnh hưởng của độ lệch tỷ giá đến các ngành. Nguồn VERP

Báo cáo thường niên của VERP đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP và lạm phát. Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,1%, lạm phát ở mức 1,9%. Kịch bản thứ 2, tăng trưởng GDP đạt 6,3% và lạm phát có thể tăng lên 3,2%.

Đặc biệt vấn đề được thảo luận nhiều nhất chính là vấn đề tỷ giá.  TS. Nguyễn Đức Thành cho biết: Vấn đề tỷ giá, chúng tôi cho rằng các nước lớn tỷ giá mạnh nên đồng đô la tăng cao. Trong khi đó VN vẫn giữ tỷ giá đồng đô la và VND rất chặt. Rất nhiều người tranh luận về vấn đề này nhưng nhóm nghiên cứu của chúng tôi cho rằng việc duy trì tỷ giá VND/USD ổn định danh nghĩa như hiện nay, trong bối cảnh đồng tiền mạnh đã giảm giá trong năm 2014, sẽ khiến đồng VN ngày càng bị đánh giá cao. Điều này tích lũy bất ổn vĩ mô tiềm tàng, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế.

Trong báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2015, Theo VERP, VND có xu hướng lên giá trong giai đoạn 2011-2014 và đang được định giá cao 7-11%. 

Nó tác động tiêu cực đến các ngành sử dụng đầu vào trong nước. 5 ngành chịu tác động tiêu cực từ VND cao là nông nghiệp, khai khoáng, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và công nghiệp nặng. 

Trong đó, Công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tỷ giá thiếu sức cạnh tranh. Theo nghiên cứu của VERP nếu VND định giá cao 10% thì lượng giảm 7,65%, xuất khẩu giảm 11,64%.

Bên cạnh đó, những thay đổi đột ngột trong lượng khách du lịch tới Việt Nam gần đây, nhập siêu đang trở lại nhanh chóng đều cần được xem xét dưới tác động của chính sách tỷ giá hiện nay.

“Vài năm trước chúng tôi đã từng có đề xuất nên điều chỉnh tỷ giá liên tục vì thời điểm đó lạm phát thấp. Tuy nhiên chúng ta vẫn tiếp tục duy trì, đến thời điểm này điều chỉnh là đã muộn. Theo tôi nên điều chỉnh tỷ giá đều đặn hàng năm và cần có khung nhất định để không phá vỡ cấu trúc đồng tiền VND và USD", TS. Thành đề xuất.

TS Lê Đăng Doanh- Chuyên gia kinh tế cao cấp cũng cho rằng, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ ngân sách trả nợ công nhưng trong một thế giới biến động, như đồng euro mất giá 12-14% thì việc giữ ổn định khiến đồng tiền của anh cao giá hơn các đồng tiền khác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Chúng ta nên cần tính toán, điều chỉnh linh hoạt, để người dân làm quen với việc tỷ giá thay đổi”, TS Lê Đăng Doanh cho biết.

Còn ông Huỳnh Thế Du, giám đốc Đào tạo, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng  các quốc gia thi nhau giảm giá đồng tiền để tạo cái lợi: “Cái gì mạnh lên chúng ta đều thích nhưng có một cái mạnh lên vô cùng đáng sợ đó là đồng tiền của quốc gia đó. Nếu đồng tiền mạnh lên, sức cạnh tranh bị ảnh hưởng. Những nước mạnh không bao giờ muốn có một đồng tiền mạnh, đó là một quyết định sáng suốt”.

TS. Du lấy dẫn chứng: Năm 1949, vấn đề tiền tệ của Nhật Bản được quyết định bởi chính quyền Washington. Lúc đó tỷ giá USD/yên ở mức 1USD= 150 yên nhưng việc ấn định tỷ giá lên mức 360 yên= 1USD đã giúp Nhật Bản cải thiện cạnh tranh trong nước và trở nên thặng dư.

Theo ông Du, Việt Nam không nên lo lắng việc tiền yếu sẽ làm khó cho khả năng trả nợ nước ngoài.

 “Có nhiều lo lắng cho rằng việc tỷ giá đồng tiền tăng sẽ làm cho nợ nước ngoài tăng. Điều đó là sai lầm, vì chúng ta trả nợ bằng USD. Đồng tiền yếu sẽ có lợi cho xuất khẩu, từ đó có khả năng trả nợ tốt hơn. Chính sách tỷ giá cần phải được điều chỉnh linh hoạt, có lợi cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Du nêu ý kiến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN