VN xếp thứ 99 về môi trường kinh doanh

Một báo cáo mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, năm nay Việt Nam xếp thứ 99 trên tổng số 189 nền kinh tế.

Một báo cáo mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, năm nay Việt Nam xếp thứ 99 trên tổng số 189 nền kinh tế, dù đã thực hiện được 21 cải cách kể từ năm 2005 – nhiều nhất trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương – nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn không có nhiều cải thiện cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện thứ bậc.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh 2014 do Nhóm Ngân hàng thế giới công bố sáng nay 29/10, từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2013, Việt Nam đã có các biện pháp tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp trong nước.

VN xếp thứ 99 về môi trường kinh doanh - 1

Trên phạm vi toàn cầu, Singapore tiếp tục là nước có môi trường pháp lý thuận lợi nhất thế giới cho các doanh nghiệp nội địa, tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc. Trong năm qua, có 15 trên 25 nền kinh tế trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã thực hiện được ít nhất một cải cách pháp luật để cải thiện môi trường kinh doanh.

Kể từ năm 2005 đến nay, 24 trên 25 nền kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã có những cải cách môi trường pháp lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong số các nền kinh tế, Trung Quốc là nước có nhiều tiến bộ nhất về cải cách các quy định kinh doanh trong khoảng thời gian này.

Theo báo cáo, dù đã thực hiện được 21 cải cách kể từ năm 2005 – nhiều nhất trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương – nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn không có nhiều cải thiện. Năm nay, Việt Nam xếp thứ 99 trên tổng số 189 nền kinh tế, cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện thứ bậc.

“Việt Nam đã có những cải cách quan trọng trong chín năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn cần làm nhiều hơn nữa để duy trì năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cần áp dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất trong các quy định về hoạt động của doanh nghiệp,"  bà Wendy Werner, Giám đốc Chương trình Tư vấn Môi trường Đầu tư khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của IFC, thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới, nhận định.

Trên phạm vi toàn cầu, Philippines được đánh giá là một trong 10 nền kinh tế đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong năm qua.

Ngoài việc thực hiện xếp hạng toàn cầu, hàng năm, báo cáo Môi trường Kinh doanh còn thống kê những nền kinh tế có mức cải thiện lớn nhất về các chỉ số so với năm trước. Những nền kinh tế đứng đầu trong danh sách này năm nay (được xếp theo thứ tự mức độ cải thiện) gồm có: Ucraina, Rwanđa, Nga, Philippines, Kosovo.... Dù vậy, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức khiến các nước đứng đầu danh sách này trong năm nay như Philippines và Ucraina vẫn nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh, theo đánh giá của báo cáo.

Giới thiệu về loạt báo cáo Môi trường Kinh doanh

Báo cáo chung tiêu biểu của Ngân hàng Thế giới và IFC Môi trường Kinh doanh phân tích các quy định áp dụng cho các doanh nghiệp của một nền kinh tế trong suốt vòng đời của doanh nghiệp, trong đó có các quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, thương mại quốc tế, nộp thuế, và giải quyết tình trạng mất khả năng trả nợ.

Thứ hạng chung về mức độ thuận lợi kinh doanh được đánh giá dựa trên 10 chỉ số của 189 nền kinh tế. Báo cáo Môi trường Kinh doanh không đánh giá toàn bộ các lĩnh vực của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ví dụ như, báo cáo không phân tích chất lượng quản lý tài khóa, các mặt khác của ổn định kinh tế vĩ mô, trình độ kỹ năng của lực lượng lao động hay khả năng phục hồi của hệ thống tài chính. Các kết quả tìm hiểu trong báo cáo đã thúc đẩy quá trình thảo luận về chính sách trên toàn thế giới và tạo điều kiện tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng của các quy định ở cấp doanh nghiệp đối với kết quả hoạt động chung của các nền kinh tế.  Báo cáo năm nay là báo cáo thứ 11 của loạt báo cáo toàn cầu về Môi trường Kinh doanh và cung cấp số liệu của 189 nền kinh tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Thủy (Theo WB) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN