VN tăng trưởng chậm nhất trong 2 thập kỷ

Việt Nam đang ở trong đợt tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi tiến hành cải cách kinh tế từ cuối những năm 1980.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố thông tin trên trong buổi họp báo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam diễn ra sáng 12/7 tại Hà Nội. 

Bản báo cáo của World Bank cho hay, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, Việt Nam có mức tăng trưởng chậm hơn Indonesia và Philippines. Đây cũng là đợt tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế từ cuối những năm 80. Theo đó, GDP chỉ tăng ở mức 5,25% trong năm 2012 - mức thấp nhất kể từ năm 1998.

Tăng trưởng chậm cũng kéo theo tỷ lệ đầu tư giảm toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ cũng giảm từ 24% (năm 2011) xuống còn 11,9% trong năm 2013.

World Bank phân tích: Tình hình tài khóa của chính phủ không thuận lợi. Tổng thu ngân sách năm 2012 cũng giảm xuống mức thấp nhất lịch sử, kết hợp với việc bắt buộc phải tăng các khoản chi hỗ trợ phục hồi nền kinh tế khiến các khoản nợ của chính phủ đang gia tăng.

VN tăng trưởng chậm nhất trong 2 thập kỷ - 1
Chú thích ảnh: Đại diện World Bank tại buổi họp báo sáng 12/7

Quá trình cải cách cơ cấu trong khu vực tài chính – ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước mặc dù mới bắt đầu nhưng chưa được thực hiện quyết liệt. Bản báo cáo cho rằng, việc thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia (VAMC) đến nay mới là bước đi rõ rệt nhất của chính phủ nhằm xử lý tình trạng nợ xấu. Tuy nhiên, theo World Bank, việc này đòi hỏi một cách tiếp cận tích cực, đa mục tiêu, chủ động và không thể yêu cầu có kết quả tức thì.

World Bank cũng chỉ ra một số tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Lạm phát ở mức 6.7% (tính đến tháng 6/2013); tỷ giá được giữ ổn định trong thời gian dài (chỉ tăng 1.6% trong vòng 12 tháng); dự trữ ngoại hối tăng 27%. Mức rủi ro tín dụng quốc gia cũng đã được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2012. Môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là tương đối ổn định.

Thêm vào đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng ở mức cao nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng thay đổi đáng kể trong vòng 10 năm qua, đa dạng hơn và tăng tỷ trọng các mặt hàng công nghệ cao (điện thoại, máy tính...). Các mặt hàng này chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo ông Deepark Mishra – Kinh tế trưởng của Ngân hàng TG tại Việt Nam, hiện thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam có mức cạnh tranh mạnh hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Myanmar. Điều tra triển vọng kinh doanh ASEAN cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn của khu vực ASEAN trong tương lai.

World Bank dự báo: Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ước tính ở mức 5,3% - 5,4% trong năm 2013 và 2014. Lạm phát dự kiến cũng ở sẽ ở mức 8,2% vào thời điểm cuối năm 2013. Tuy nhiên, rủi ro về cải cách cơ cấu cũng như kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm chạp được dự đoán có thể làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng trong trung hạn.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN