Vn-Index về 990 điểm: Bán ồ ạt, vốn ngoại có ở lại Việt Nam?

VN Index bị “thổi bay” 29 điểm xuyên thủng ngưỡng 1.000 và rớt xuống dưới 990 điểm ngày 18/6. Động thái tiếp tục lạnh lùng bán ròng của khối ngoại khiến nhà đầu tư trong nước có phần hốt hoảng. Khối ngoại sẽ bán ròng đến đâu trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài đang tháo chạy khỏi 6 thị trường cổ phiếu mới nổi ở khu vực châu Á với mức độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

VN- Index bị thổi bay 29 điểm

Vn-Index “bay” gần 30 điểm trong phiên đầu tuần, khối ngoại bán ròng hơn 500 tỷ đồng đó là diễn biến đậm đặc nhất phiên đầu tuần hôm qua 18/5. Cập nhật bản tin cuối ngày, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã thống kê: Ngày 18/6, thị trường trải qua phiên giao dịch đầu tuần với đà giảm điểm mạnh. VnIndex chỉ trụ vững được trong những phút đầu giao dịch trước khi lực bán gia tăng đẩy thị trường lao dốc, đặc biệt là trong phiên buổi chiều.

Chốt phiên, chỉ số VnIndex giảm 29 điểm, tương đương 2,87%, về mức 987 điểm. Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ có bộ đôi VIC, VHM và BVH còn trụ vững, còn lại đều giảm rất mạnh, từ nhóm ngân hàng, chứng khoán đến thép, bất động sản. Kết phiên, VN Index giảm hơn 29 điểm (tương đương 2.87%) dừng tại mức 987.34 điểm. HNX Index giảm 2.46% đóng cửa tại 113.05 điểm.

Tính chung cả hai thị trường, khối ngoại bán ròng trên cả hai sàn với hơn 500 tỷ đồng (495 tỷ trên sàn HOSE và hơn 18 tỷ đồng trên HNX). Trong rổ VN30, số mã giảm điểm chiếm ưu thế hoàn toàn với 27 mã trong khi chỉ có 3 mã tăng điểm. Khối lượng giao dịch phiên có sự cải thiện nhẹ so với phiên cuối tuần trước, đạt 180 triệu cổ phiếu trên cả hai sàn.

Vn-Index về 990 điểm: Bán ồ ạt, vốn ngoại có ở lại Việt Nam? - 1

Khối ngoại liên tục bán ròng khiến thị trường lo ngại họ có theo xu hướng chung rút vốn khỏi thị trường.

Phân tích xu hướng thị trường, BVSC cho rằng, diễn biến này có thể tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong một vài phiên kế tiếp. “Thanh khoản duy trì ở quanh mức trung bình. Áp lực bán diễn ra trên diện rộng phản ánh tâm lý lo sợ và có phần hoảng loạn của nhà đầu tư về xu hướng ngắn hạn của thị trường. Tương quan cung cầu dự báo, thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng hơn khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ 960-980 điểm”, BVSC khẳng định. Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng nhấn mạnh: trong kịch bản tiêu cực, chỉ số tiếp tục xuyên thủng vùng hỗ trợ này chúng tôi cũng đưa ra cảnh báo rằng chỉ số có thể giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 895-915 điểm trong thời gian tới.

Khối ngoại bán ròng: có đáng lo?

FED đã chính thức nâng lãi suất cơ bản lần thứ hai trong phiên họp ngày 13/6. Kết quả này khiến đồng EUR giảm mạnh -1.89% so với USD, đồng thời cũng đẩy đồng USD bật tăng vượt đỉnh năm nay. Nguồn vốn nước ngoài đang tháo chạy khỏi 6 thị trường cổ phiếu mới nổi ở khu vực châu Á với mức độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. 

Cụ thể, tính cho tới thời điểm này của năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã rút 19 tỷ USD ra khỏi Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, dựa theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Theo các chuyên gia, đây là những quan ngại tác động mạnh đến TTCK Việt Nam trong những ngày này.

“Khối ngoại bán ròng” cũng là chủ đề câu chuyện sáng 18/6, giữa chủ tịch Ủy ban chứng khoán ông Dũng Trần với các cơ quan báo chí. Chia sẻ, ông Trần Văn Dũng cho rằng: việc TTCK Việt Nam bị ảnh hưởng chung của TTCK thế giới và chịu điều chỉnh là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, so sánh với các thị trường như Nhật Bản hay Thượng Hải thì mức độ điều chỉnh của ta chậm hơn.

Theo ông Dũng, khi FED tăng lãi suất, tất yếu các quỹ sẽ rút đầu tư về và… “cố thủ”. Tuy nhiên, họ không thể rút hết được và vẫn chọn những thị trường mới nổi và cận biên để tiếp tục đầu tư. “Đưa tiền vào Singapore thì không biết làm gì để có khả năng sinh lời cho tốt, mảnh đất nhỏ, mọi thứ phát triển đến độ bão hòa. Thái Lan và Malaysia cũng đang đổ về Việt Nam để đầu tư. Dù sao Việt Nam tiềm năng phát triển đang tốt, có lợi thế, cơ hội đầu tư đang có những lợi thế so sánh. Người Thái và Malaysia đang đến đây”. Ông Dũng nói.

Tính từ phiên giao dịch ngày 29/5 (thời điểm thị trường tạo đáy) tới hết phiên giao dịch 11/6, khối ngoại đã bán ròng gần 1.200 tỷ đồng trên HoSE. Còn theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kể từ sau tết nguyên đán đến nay khối ngoại đã tập trung vào các cổ phiếu mới lên sàn (Vincom, Techcombank…) và họ mua ròng lớn nhất trong tháng 5.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán, tính chung đến nay dòng vốn vào vẫn đang nhiều hơn dòng tiền ra và tiền vẫn đang nằm ở đây. Dòng vốn vào của nhà đầu tư ngoại, trong nửa đầu năm nay 2018 đã vào lần lượt như sau: tháng 1 vào 670 triệu USD, tháng 2: rút ra 32 triệu USD, tháng 3: vào 270 triệu, tháng 4: vào 617 triệu, Tháng 5: vào trên 700 triệu USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền phong)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN