VN-Index bật tăng nhờ... cổ phiếu ngân hàng 'chống lưng'
Vẫn giằng co trong phiên, nhưng thị trường đã đảo chiều tăng điểm trong phiên cuối tuần khi VN-Index tăng 5,4 điểm, giành lại mốc 1.050 điểm.
Tuy nhiên, tâm lý nghỉ lễ vẫn lấn át làm cho thanh khoản vẫn ở mức khá “đì đẹt”, nhưng dù sao việc có phiên phục hồi phần nào có chút an ủi để nhà đầu tư nghỉ lễ.
Mặc dù chốt phiên hôm qua (27/4), VN-Index phục hồi tăng 5,4 điểm và đứng ở mức xanh tại 1.050,26 điểm; tuy nhiên, diễn biến toàn phiên lại khá nghẹn thở. Tâm lý nhà đầu tư bị đè mạnh bởi nhiều phiên giảm sốc trước đó, nên trong phiên hôm qua, nhịp tăng và nhịp giảm đan xen liên tục, thậm chí cứ “lên một chút lại tụt sâu hơn”. Đầu phiên, VN-Index tiếp tục rơi hơn 1,2% và khi chạm mức 1.032 điểm mới phục hồi lại.
Tuy nhiên vào nửa cuối phiên sáng và phiên chiều, đà phục hồi đã lấn át hơn nhờ các cổ phiếu bluechips đảo chiều tăng trở lại và nhịp này được giữ tới cuối phiên. Thị trường chốt phiên mã tăng đã lấn át với 188 mã, trong khi chỉ có 98 mã giảm giá. VN-Index được trợ lực nhiều từ nhóm blue-chips tăng giá như VNM tăng 2,21%, MSN tăng 2,91%, ROS tăng 6,97%.
Các chuyên gia khuyến nghị, thị trường chứng khoán ngắn hạn vẫn rất rủi ro khó dự đoán. Ảnh minh họa
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán cũng đã “chống lưng” cho thị trường tăng điểm.
Trên bảng điện tử, ngoại trừ BID giảm điểm vì khối ngoại “tháo khoán”, còn phần lớn cổ phiếu vua khác đều xanh trở lại ở mức khá tốt. Thống kê cho thấy, các mã ngân hàng đều tăng khá tốt như: VCB (+2,09%), MBB (+4,91%), CTG (+3,72%), STB (+3,75%), SHB (+5,56%), ACB (+4,43%)….
Ở chiều ngược lại, trên thị trường hôm nay, không ít “đại gia” giảm điểm mạnh, điển hình như GAS và NVL nằm sàn. Riêng NVL đây là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp.
Thị trường hôm qua chịu ảnh hưởng rất lớn từ tâm lý trước kỳ nghỉ lễ. Mặc dù điểm số tăng, nhiều mã tăng giá, nhưng thanh khoản ở mức khiêm tốn. Theo đó, tổng giá trị giao dịch của phiên ngày chỉ đạt hơn 6.500 tỷ đồng - một mức thấp so với bình quân từ đầu năm tới nay.
Một chuyên gia cho rằng, rất khó để dự báo thị trường cho sau kỳ nghỉ lễ và mọi thứ vẫn phải chờ thực tế. Việc thanh khoản giảm trong phiên hôm qua cũng dễ lý giải. Đầu tiên là tâm lý nghỉ lễ đã hiện hữu và thứ hai là “tâm lý chim non sợ cành cong” vì thiệt hại do bắt đáy bất thành những phiên trước đó để lại.
Trong tuần tới, thị trường sẽ có 2 phiên nghỉ giao dịch và đây rõ ràng là nguyên nhân làm dòng tiền e ngại vào bắt đáy. Bởi trong hai ngày này, thị trường quốc tế vẫn giao dịch bình thường và không ai dám chắc là tốt hay xấu. Nếu ai muốn bỏ tiền vào tuần tới, thì diễn biến thị trường quốc tế cần phải cập nhật kỹ lưỡng.
Cùng với xu thế đã xảy ra trong tháng 4, đặc biệt là việc khối ngoại bán ròng mạnh, nên nhiều nhận định cho thấy, tháng 5 tới sẽ khó khăn hơn. Nhiều năm nay “sell in May” không xuất hiện, nhưng năm nay khả năng có thể đến với xác suất cao hơn.
Các chuyên gia khuyến nghị, thị trường chứng khoán ngắn hạn vẫn rất rủi ro khó dự đoán; do vậy, nhà đầu tư vẫn phải giữ bình tĩnh khi tham gia giao dịch và chờ đợi xu hướng rõ hơn của thị trường. Bắt đáy đúng có thể cho lợi nhuận tốt, nhưng ngược lại có thể lại “đau lại càng thêm đau”. Xu hướng của dòng tiền vào thị trường và diễn biến của khối ngoại là hai yếu tố cần bám cực sát trước khi có quyết định xuống tiền.