Vinasun kiện Grab: Ai được lợi nhất?

Chuyên gia kinh tế cho rằng vụ kiện giữa Vinasun và Grab là dấu hiệu tích cực cho một thị trường cạnh tranh lành mạnh, hợp pháp và người tiêu dùng sẽ là người được lợi, bất kể bên nào thắng hay thua.

Vinasun kiện Grab: Ai được lợi nhất? - 1

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và các hãng xe công nghệ vẫn chưa đến hồi kết thúc, đỉnh điểm là vụ khởi kiện giữa Grab và Vinasun đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Liên quan đến vụ việc Vinasun kiện Grab, dưới góc nhìn kinh tế ông có nhận định như thế nào về vụ việc này?

Theo tôi, câu chuyện về các đối thủ cạnh tranh nhau trên thị trường dẫn đến kiện tụng là một dấu hiệu tích cực. Tức là họ dùng tòa án, dùng các phương tiện pháp lý để tranh đấu cho quyền lợi của mình.

Cụ thể, bản thân Vinasun cảm thấy bị thua thiệt, chèn ép, bị các đối thủ cạnh tranh một cách không lành mạnh thì họ có quyền đưa ra tòa án để khởi kiện. Ở đây, chúng ta chưa bàn đến việc Vinasun sẽ dùng lý lẽ như thế nào biện luận cho mình.

Theo lẽ thường, trong một vụ kiện sẽ có một bên thua, một bên thắng và chắc chắn bên thua sẽ bị ảnh hưởng về quyền lợi, lực lượng lao động, và ảnh hưởng tới cả thị phần của họ, qua đó có những động thái điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh thời gian tới.

Vậy theo quan điểm cá nhân, ông nghĩ bên nào sẽ thắng?

(Cười) Thực ra ai cũng rất muốn biết Vinasun hay Grab đang có ưu thế hơn. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, trên cơ sở pháp lý Vinasun phải luận chứng được Grab đang dùng các lợi thế để cạnh tranh không công bằng. Thứ hai, Vinasun phải đưa ra được một con số thiệt hại cụ thể, chính xác để tòa án có thể nắm rõ được những thiệt hại đó.

Còn về phía Grab cũng phải chứng minh được họ đang kinh doanh một cách bình đẳng trên thị trường, theo đúng những quy định của cơ quan chức năng. Thứ nhất, Grab phải định nghĩa rõ ràng tư cách của mình trên thị trường là gì? Là người chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ chuyên chở vận tải, hay chỉ là những người môi giới dựa trên nền tảng công nghệ.

Và nếu Grab chỉ là đầu mối để kết nối người sử dụng và người cung cấp dịch vụ thì phải đưa ra được những bằng chứng về mặt tài chính, hoạt động để chứng minh được họ đang thực hiện đúng vai trò đó. Còn trong trường hợp Grab không làm được thì dĩ nhiên họ sẽ có nhiều bất lợi.

Vì thế, tại thời điểm này chưa thể biết được đến cuối cùng ai là người sẽ chiến thắng trong việc tranh tụng. Tuy nhiên, với bất cứ một phán quyết nào của tòa án, thì nền kinh tế Việt Nam cũng nên có những đối thủ cạnh tranh lành mạnh. Vì đặt trong hoàn cảnh cạnh tranh mới có thể phát triển.

Vinasun kiện Grab: Ai được lợi nhất? - 2

Cuộc chiến chưa hồi kết của Vinasun và Grab

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Trong trường hợp vinasun thắng, liệu chúng ta đang có đi ngược lại với những nỗ lực mà chính phủ đang hướng tới. Và phủ nhận những thành tựu của nền kinh tế kỹ thuật số?

Theo tôi thì không, nếu Chính phủ ủng hộ việc cần có một doanh nghiệp công nghệ thông tin để chắp nối, tức là một loại hình taxi mà chúng ta tạm gọi là “taxi công nghệ” tham gia thị trường thì phán quyết của tòa án dù có lợi hay bất lợi cho Grab cũng sẽ tác động không quá tiêu cực đến thị trường.

Mà trên cơ sở phán quyết đó, các bên liên quan sẽ điều chỉnh lại hình thức kinh doanh để thâm nhập thị trường theo đúng chủ trương của chính phú. Chúng bổ sung cho nhau hơn là đối chọi nhau.

Hoặc trong trường hợp Grab thắng, người tiêu dùng có lợi hơn không?

Như đã nói, nếu Grab thắng kiện, chắc chắn nó sẽ điều chỉnh hành vi của các hãng taxi truyền thống và đồng thời cũng điều chỉnh hành vi của các hãng taxi công nghệ mới ra đời.

Vụ Vinasun kiện Grab sẽ là tiền đề cho những tranh tụng sắp tới. Người tiêu dùng sẽ được hưởng những dịch vụ tốt nhất nhờ môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, từ cung cách phục vụ đến các loại phí phải trả.

Nói xa hơn, khi mà chúng ta đang hướng đến một xã hội phát triển trên nền tảng công nghệ, nhưng các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh chưa theo kịp thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp?

Chắc chắn là như vậy. Nếu pháp luật Việt Nam chưa theo kịp với nền công nghệ đang ngày càng phát triển thì điều quan trọng là phải nhanh chóng điều chỉnh quy định pháp luật để theo kịp xu hướng mới, nếu không chúng ta sẽ luôn gặp vấn đề với những sản phẩm tiến bộ đi sau.

Không chỉ bây giờ là giữa các hãng vận tải mà trong tương lai có thể là các ngân hàng, công ty thực phẩm, công ty viễn thông.... Không thể mỗi lần có cái mới thì lại phải lao vào một cuộc chiến giữa truyền thống và hiện đại. 

Cuối cùng, xin ông cho biết, chúng ta cần có một hành lang pháp lý như thế nào để giải quyết sự việc này?

Dĩ nhiên là phải có những thay đổi rất lớn trong hệ thống pháp lý. Chúng ta phải làm rõ Grab hay Uber trước đây được đưa vào hình thức, lĩnh vực kinh doanh nào. Từ đó, đưa ra được một hệ thống quản lý bằng luật pháp cụ thể, rõ ràng. Có như vậy mới tránh được tình trạng tranh chấp không rõ ràng.

Muốn làm được, pháp luật Việt Nam phải nhanh chóng đuổi kịp theo xu hướng kinh tế mới.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Nguyệt Tú ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN