Vinashin "nhấn chìm" Habubank?
Một trong những lý do Habubank phải tính đến sáp nhập là do nợ xấu, mà một phần đáng kể trong đó hiện còn “kẹt” tại nơi khác.
Sau Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã công bố bản tóm tắt đề án sáp nhập, chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 5/5 tới.
Cơ bản các nội dung chính của tài liệu vừa công bố đã có ở những thông tin Habubank đưa ra, cũng như được báo cáo tại đại hội đồng cổ đông Habubank ngày 28/4 vừa qua. Bản tóm tắt từ SHB đề cập khá chi tiết tình hình tài chính, thực tế và triển vọng của cả hai thành viên trong kế hoạch sáp nhập này.
Với Habubank, các khoản cho vay và đầu tư trái phiếu gắn với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được xác định là gánh nặng lớn nhất dẫn đến những khó khăn phải tính đến sáp nhập. Song, các khoản nợ hiện chưa thu hồi được tại các tổ chức tín dụng khác cũng là thông tin đáng chú ý.
Cụ thể, bản tóm tắt đề án cho biết: “Hoạt động kinh doanh tiền tệ trên thị trường 2 của Habubank trong thời gian qua cũng gặp phải những rủi ro tín dụng, trong đó có 270 tỷ đồng tiền gửi tại Công ty Tài chính Cao su và hơn 200 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí Toàn cầu, Đệ Nhất (hiện đã hợp nhất vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - PV), Tài chính Sông Đà và Tài chính Handico. Các khoản tiền gửi này hiện đều chưa thu hồi được...”.
Với Habubank, các khoản nợ hiện chưa thu hồi được tại các tổ chức tín dụng khác cũng là thông tin đáng chú ý.
Qua dẫn chứng trên, lần đầu tiên các món nợ đồng lần trên thị trường liên ngân hàng nổi lên từ quý 4/2011 được điểm danh một cách cụ thể và rõ ràng như vậy. Dĩ nhiên ở đây chỉ một cấu phần gắn với trường hợp của Habubank.
Bản tóm tắt đề án cũng nêu chi tiết hướng xử lý các khoản nợ dự kiến sau khi sáp nhập, đặc biệt là các khoản liên quan đến Vinashin.
Còn các món nợ từ các thành viên trong hệ thống, đề án cho biết ngay sau khi sáp nhập, ngân hàng sẽ đẩy mạnh công tác thu hồi nợ gốc và nợ lãi của các hợp đồng tại các tổ chức tín dụng đang được đánh giá là có khả năng thu hồi thấp. Và “dựa vào các thông tin thu thập được và thiện chí trả nợ của các tổ chức tín dụng”, có khoảng 236 tỷ đồng là có khả năng thu hồi được.
Ngoài ra, ở tình hình chung, các bên xây dựng đề án lạc quan khi cho rằng có rất nhiều khoản mục lỗ lũy kế trước khi sáp nhập của Habubank có thể thu hồi, nếu như ngân hàng thực hiện các biện pháp thu hồi nợ một cách tích cực và quyết liệt…
Về triển vọng và hiệu quả sau sáp nhập, trên cơ sở các phân tích khá chi tiết, đề án nhận định rằng kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 1.850 tỷ đồng ngay trong năm 2012 là hoàn toàn khả thi, theo đó sẽ bù đắp hết lỗ phát sinh trước sáp nhập. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế dự tính là 2.115 tỷ đồng. Năm 2014, dự kiến ngân hàng sau sáp nhập sẽ đi vào hoạt động ổn định.
Ngoài các yếu tố nội tại, một nguồn lực được đề cập đến là SHB được nhận một phần hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ cho SHB sau sáp nhập; điều này sẽ giúp thu nhập lãi của ngân hàng tăng đáng kể.
Một cơ sở khác được tính đến để hỗ trợ cho các chỉ tiêu lợi nhuận là, theo đề án tái cơ cấu, ngân hàng sau sáp nhập xin được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi trừ lỗ lũy kế trong hai năm tiếp theo.